Chuyển động Hà Nội

Luật Thủ đô: Nắm cơ chế đặc thù để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử Hà Nội

Phạm Quỳnh 19:39 03/05/2025

UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng Nghị quyết cụ thể hóa Khoản 3, 4 Điều 21 của Luật Thủ đô 2024. Và Nghị quyết Ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố vừa được HĐND Thành phố Hà Nội quyết nghị tại kỳ họp thứ 22.

Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của đất nước, đồng thời là là nơi chứa đựng số lượng lớn các di sản văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo với hơn một ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, trước áp lực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhiều di sản, di tích, công trình kiến trúc có giá trị đang bị xuống cấp, thậm chí có nguy cơ mất đi.

hoang-thanh-34.jpg
Cán bộ, phóng viên Tạp chí Người Hà Nội tham quan cổng Đoan Môn khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Theo Nghị quyết ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của HĐND Thành phố, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thuộc Phụ lục 1-a Di sản văn hóa vật thể.

Ý thức được các vấn đề nói trên, trong thời gian qua, căn cứ các quy định của pháp luật, Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều danh mục di sản, di tích, các công trình kiến trúc có giá trị có tính pháp lý tại các Nghị quyết của HĐND, các quyết định của UBND Thành phố cũng như tiếp nhận các quyết định xếp hạng các di tích, di sản cấp quốc gia để bảo vệ và phát huy, tuy nhiên các danh mục vẫn còn phân tán, không có danh mục tổng hợp cụ thể, nhiều danh mục chưa công bố công khai, khó tra cứu và thiếu tính hệ thống.

Việc Luật Thủ đô 2024 được ban hành, trong đó quy định HĐND Thành phố ban hành Danh mục quy định tại Khoản 3, 4 Điều 21 là một trong những định hướng phù hợp trong việc hệ thống, nhất thể hóa danh mục. Đây cũng là cơ chế đặc thù để Hà Nội bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử Thủ đô trong đời sống đương đại, hiện thực hóa mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, một số quy định của pháp luật mới được ban hành như: Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Di sản văn hóa năm 2024 (thay thế Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009) cũng có các tác động đến sự cần thiết xây dựng danh mục các di tích, di sản, công trình kiến trúc có giá trị của Thành phố. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một danh mục tổng hợp, hệ thống, khoa học về các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị cần bảo vệ, phục hồi, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội trở thành yêu cầu cấp thiết.

Nghị quyết Ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội (Đợt 1) thực hiện khoản 3, khoản 4 Điều 21 của Luật Thủ đô 2024) gồm 3 điều.

Trong đó, Điều 1 ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội (Đợt 1).

Theo khoản 1 thuộc Điều 1 Nghị quyết trên, danh mục di tích tiêu biểu do UBND thành phố Hà Nội quản lý, gồm 10 di tích; danh mục di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt có 22 di tích; Danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia: 1.164 di tích; danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp Thành phố: 1.600 di tích; Danh mục di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng: 46 di tích. Danh mục địa điểm gắn biển lưu liệm sự kiện cách mạng kháng chiến: 354 điểm; danh mục bảo vật Quốc gia đã được công nhận: 34 bảo vật; Danh mục Làng cổ: 2 làng cổ.

Khoản 2. “Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể” của Điều 1 Nghị quyết, cho biết danh mục di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: 6 di sản; Danh mục di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: 42 di sản. Danh mục Làng nghề, Làng nghề truyền thống và Nghề truyền thống tiêu biểu Hà Nội: 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống, 7 nghề truyền thống.

van-mieu-4-.jpg
Các em học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 1 trong 10 di tích thuộc Phụ lục 1-a Di sản văn hóa vật thể theo Nghị quyết ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của HĐND Thành phố.

Khoản 3. “Danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử” của Điều 1 của Nghị quyết, quy định các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I: 21 tuyến phố; cấp II: 40 tuyến phố. Các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đặc biệt: 16 đoạn tuyến phố; các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đáng chú ý: 11 đoạn tuyến phố.

Khoản 4 “Danh mục các công trình khác có giá trị kiến trúc” quy định danh mục công trình kiến trúc nhà truyền thống, nhà cổ, nhà phố trong Khu phố cổ Hà Nội: 209 công trình có giá trị đặc biệt và 318 công trình có giá trị đáng chú ý. Danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 có 222 biệt thự xếp nhóm I và 356 biệt thự xếp nhóm II. Danh mục công trình kiến trúc công cộng được xây dựng từ trước năm 1954, gồm 40 công trình có giá trị đặc biệt và 33 công trình có giá trị đáng chú ý.

Việc HĐND Thành phố Hà Nội đã có Nghị quyết ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội (Đợt 1) không chỉ cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô 2024, mà hơn hết đây là một trong các biện pháp bảo tồn các di sản có giá trị của Thành phố, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng./.

Khoản 3, Điều 21 của Luật Thủ đô 2024 quy định các khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, như: Khu vực Ba Đình; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được UNESCO công nhận là di sản văn hóa...; Khu di tích Cổ Loa; Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, khu vực Hồ Tây; Phố cổ, làng cổ, làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu...

Khoản 4, Điều 21 Luật Thủ đô 2024 quy định HĐND Thành phố ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa quy định tại khoản 3 Điều này; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị; quy định việc lập hồ sơ quản lý công trình kiến trúc có giá trị, việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo vệ khu vực, công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu.

Phạm Quỳnh