Lý luận - phê bình

Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất

Nhà văn Lê Phương Liên 14:15 03/04/2025

Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.

img_0288.jpg

Từ năm 1976, Nhà xuất bản Kim Đồng - đơn vị xuất bản sách thiếu nhi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đã mở phòng liên lạc tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau này phát triển thành chi nhánh của Nhà xuất bản Kim Đồng. Từ đây, sách Kim Đồng không chỉ được in tại Hà Nội mà đã được in tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng và được yêu thích trong văn học Việt Nam như “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Nguyễn Huy Tưởng), “Quê nội” (Võ Quảng), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Cái Tết của Mèo con” (Nguyễn Đình Thi), “Văn Ngan tướng công” (Vũ Tú Nam), “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” (Xuân Sách), “Những tia nắng đầu tiên” (Lê Phương Liên)... đã được in với số lượng lớn lên đến 100.000 bản, phát hành rộng rãi khắp các tỉnh, thành Bắc - Trung - Nam.

img_0286.jpg

Sau năm 1975, cùng với Nhà xuất bản Kim Đồng, báo Thiếu niên Tiền phong mở rộng hoạt động vào miền Nam. Các nhà văn, biên tập viên chuyên về văn học thiếu nhi “Nam tiến”, tìm hiểu các ấn phẩm dành cho thiếu nhi trước 1975 ở các thành thị miền Nam. Trước năm 1975, ở miền Nam tuy chưa có nhà xuất bản riêng cho thiếu nhi nhưng đã có các tạp chí như Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc dành cho thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi. Đọc sách của các tác giả viết cho Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, các nhà văn và biên tập viên chuyên về văn học thiếu nhi nhận thấy các tác giả miền Nam đã rất chú trọng miêu tả tâm lý lứa tuổi một cách tỉ mỉ và sâu sắc. Những xúc cảm giới tính của thiếu niên nam, nữ được thể hiện một cách thi vị, nhân văn, mang đến sức hấp dẫn đặc biệt cho bạn đọc tuổi thiếu niên.

Trước năm 1975, văn học thiếu nhi miền Bắc ít đề cập đến đời sống tình cảm của thanh thiếu nhi. Các tác giả miền Bắc thường viết với cảm hứng “đại tự sự”, tập trung vào những tình cảm lớn như yêu nước, yêu quê hương, yêu bạn bè, khích lệ học tập, lao động và sinh hoạt tập thể, giúp trẻ sống có lý tưởng, có ích cho đất nước. Những tác phẩm xuất hiện trong thời chiến đã đi vào tâm hồn các thế hệ thiếu nhi, khi cả dân tộc, từ già đến trẻ, đều là chiến sĩ trong sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Khi đất nước bước vào thời bình, cuộc sống của trẻ em thay đổi và văn học thiếu nhi cũng đối mặt với những nhu cầu mới từ bạn đọc khắp ba miền.

img_0285.jpg

Ngày 23/8/1980, Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị Văn học thiếu nhi lần thứ nhất. Tại hội nghị, nhà văn Nguyên Ngọc, thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, đã trình bày báo cáo “35 năm văn học cho thiếu nhi” (1945 - 1980). Những nhận định của ông về thành công và những hạn chế của dòng văn học thiếu nhi Việt Nam (khởi nguồn từ miền Bắc trong thời gian đó) đã được thảo luận sôi nổi, với yêu cầu cần có sự đổi mới mạnh mẽ. Sau hội nghị, Hội Nhà văn Việt Nam bắt đầu quan tâm hơn đến văn học thiếu nhi và thành lập Hội đồng Văn học thiếu nhi. Từ năm 1981, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng Văn học Thiếu nhi do Hội đồng Văn học thiếu nhi xét chọn.

Tháng Ba năm 1982, khi vào miền Nam công tác, tôi đã có dịp cùng với nhà văn lão thành Thy Ngọc và chị Trần Thị Hà (biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng) được đến trại sáng tác Vũng Tàu. Dịp ấy là lần đầu tiên tôi gặp gỡ các cây bút trẻ Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Trần Thùy Mai, Dạ Ngân... Cuộc hội ngộ giữa các cây bút trẻ Nam, Bắc đã kết nối tâm hồn văn chương đồng điệu của các tác giả yêu trẻ em, thích viết cho trẻ em.

Chẳng bao lâu sau, vào năm 1984, Lý Lan ra mắt tập truyện “Ngôi nhà trong cỏ”, được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản. Cùng năm đó, tác phẩm đã giành giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Nhật Ánh cũng kịp ghi dấu ấn với hai cuốn sách: “Cú phạt đền” (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1985) và “Bàn có năm chỗ ngồi” (truyện dài, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1987). Đây là những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh hợp tác với Nhà xuất bản Kim Đồng, mở ra con đường thành công rực rỡ cho nhà văn sau này.

Tiềm năng sáng tác của các tác giả phương Nam cho thiếu nhi rất dồi dào và nhu cầu đọc sách của trẻ em miền Nam cũng rất lớn. Năm 1981, Nhà xuất bản Măng Non được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh, và đến năm 1986, chuyển thành Nhà xuất bản Trẻ, trực thuộc Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Trẻ không chỉ phục vụ thanh thiếu niên ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, mà còn mở rộng ra toàn quốc. Với quan niệm: “Văn học thiếu nhi là một mảng sách có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bồi dưỡng khả năng cảm thụ văn học nước nhà, giáo dục nhân cách, và mở rộng trí tưởng tượng cho đối tượng thiếu nhi“ (Lê Hoàng, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ), Nhà xuất bản Trẻ đã trở thành điểm đến tin cậy cho nhiều cây bút mới trong lĩnh vực văn học thiếu nhi. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành cộng tác viên thân thiết của Nhà xuất bản Trẻ, tác phẩm “Chú bé rắc rối” (Nhà xuất bản Trẻ, 1989) của anh đã giành giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong giai đoạn 1980-1990, các nhà văn từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã cho ra mắt những tác phẩm giàu chất sử thi dành cho thiếu nhi, mang đậm tinh thần đổi mới và sự đổi thay của thời đại. “Búp sen xanh” (Tác giả Sơn Tùng, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1982) là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về thời thơ ấu và thời thanh niên của Bác Hồ. Nhân vật bé Côn - chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã được nhà văn Sơn Tùng khắc họa sinh động, gần gũi với tâm lý của bạn đọc trẻ. Tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả từ Bắc chí Nam, được tái bản nhiều lần và sẽ mãi sống cùng thời gian. Các tác phẩm “Dòng sông thơ ấu” (Tiểu thuyết của Nguyễn Quang Sáng, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1985); “Tuổi thơ im lặng” (Tập văn của Duy Khán, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1985); “Tuổi thơ dữ dội” (Tiểu thuyết của Phùng Quán, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1986); “Miền thơ ấu” (Tiểu thuyết của Vũ Thư Hiên, Nhà xuất bản Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1987) đã vinh dự nhận Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam vào các năm 1986, 1987 và 1988. Đây là những tác phẩm ghi lại ký ức tuổi thơ của tác giả trong những biến động lịch sử của dân tộc. Chúng giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về thân phận, tâm hồn và bản lĩnh của trẻ thơ trong cuộc chiến đấu dữ dội kéo dài 30 năm (1945 - 1975).

mot-so-tac-pham-van-hoc-viet-cho-thieu-nhi-ghi-dau-an-trong-long-ban-doc..jpg
Một số tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ và nhiều nhà xuất bản khác đã trân trọng các tác giả và tác phẩm viết cho thiếu nhi miền Nam trước 1975, đặc biệt là những tác phẩm mang giá trị nhân văn. Một ví dụ điển hình là nhà văn, nhà giáo Võ Hồng (1921-2013), tác giả của 8 tiểu thuyết, truyện dài và hơn 70 truyện ngắn, tùy bút, ký viết cho thiếu nhi. Sau năm 1975, nhiều tác phẩm của ông đã được tái bản, trong đó có “Một bông hồng cho cha”, được đưa vào Tuyển tập Văn học thiếu nhi Việt Nam (1995), và “Tuổi thơ êm đềm”, được Nhà xuất bản Kim Đồng đưa vào Tủ Sách Vàng (tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi). Các tác phẩm của Võ Hồng “... mang ý nghĩa nhân văn phổ quát, đó là tình yêu thương con người, là tâm thức hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc với những truyền thống luân lý tốt đẹp góp phần giữ gìn dòng sinh mệnh văn hóa nước nhà” (theo PGS. TS Trần Hoài Anh).
Những nhận định về văn chương nhà văn Võ Hồng cũng đồng điệu với tinh thần nhân văn của các tác phẩm “Dòng sông thơ ấu” (Nguyễn Quang Sáng), “Tuổi thơ im lặng” (Duy Khán), “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán) và “Miền thơ ấu” (Vũ Thư Hiên). Trên thực tế, từ cảm nhận của công chúng cả nước, các tác phẩm của các tác giả hai miền Nam - Bắc đã nhanh chóng hợp lưu thành một dòng chảy chung, thống nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Từ năm 1995, Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ đã phát động các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, nhằm khích lệ các tác giả viết cho trẻ em và phát hiện, tìm kiếm tài năng mới. Các tác giả viết cho thiếu nhi, không phân biệt Nam, Bắc, đều nhiệt tình hợp tác với cả hai nhà xuất bản. Nhà xuất bản Kim Đồng đã đầu tư cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (sinh năm 1955 tại Quảng Nam) sáng tác bộ truyện dài kỳ “Kính vạn hoa”. Đây là bộ sách dài kỳ đầu tiên của văn học thiếu nhi Việt Nam, được sáng tác từ năm 1995 đến 2002, gồm 45 tập. Bộ sách đã được bạn đọc thiếu nhi trên toàn quốc đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục viết thêm đến tập 54, kết thúc vào năm 2010. Ông đã trở thành một tác giả viết cho thanh thiếu nhi được đông đảo bạn đọc yêu mến và có số lượng sách xuất bản hàng đầu tại Việt Nam.

Không chỉ ghi dấu ấn với “Kính vạn hoa”, tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh (Nhà xuất bản Trẻ, 2008) cũng đã vinh dự nhận Giải vàng Sách Hay và Giải thưởng Sách Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2009) và Giải thưởng Văn học ASEAN (năm 2010).

Tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần (sinh 1972, Bình Thuận) đã giành Giải thưởng Văn học thiếu nhi Vì Tương lai đất nước lần thứ Ba (2001) của Nhà xuất bản Trẻ. Xuất bản năm 2002 và được dịch ra tiếng Thụy Điển vào năm 2007, tác phẩm tiếp tục nhận Giải thưởng peter Pan của Thụy Điển vào năm 2008.

Có thể nói, văn học thiếu nhi Việt Nam từ sau thống nhất đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của thế hệ trẻ. Những đóng góp của các cây bút viết cho thiếu nhi cùng với những thành tựu của các nhà xuất bản đã tạo nên những dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc trẻ tuổi. Từ những tác phẩm mang tính sử thi đến những câu chuyện gần gũi, thiết thực về cuộc sống trẻ em, văn học thiếu nhi Việt Nam đã và đang tiếp tục trưởng thành, kết nối các thế hệ, và sẽ mãi là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà./.

Nhà văn Lê Phương Liên