UBND hyện Phúc Thọ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu
Sáng nay 12/2, UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu.
![z6310165630070_47ba2bd92c4fe6310183828dfa1881ff.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/12/z6310165630070_47ba2bd92c4fe6310183828dfa1881ff.jpg)
Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu, xã Tích Giang (nay là xã Tích Lộc), huyện Phúc Thọ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc vào loại bậc nhất của xứ Đoài, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, gắn với di tích Quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu.
Lễ hội vừa là dịp để tưởng nhớ, tri ân đức công đức của Đức Thánh Tản đã có công trị thủy, dạy dân đánh cá, vừa là dịp tụ họp đông đảo nhân dân tham gia, giao lưu học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết, cộng đồng dân cư.
![z6309698350734_a4bea52d5fff4f713ae7271ca7ae6953.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/12/z6309698350734_a4bea52d5fff4f713ae7271ca7ae6953.jpg)
Đình Tường Phiêu (còn gọi là đình Cả) nằm trên địa bàn xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ được xây dựng vào khoảng năm 1430 và trải qua nhiều lần tu bổ. Đình Tường Phiêu thờ phụng Tam vị Thánh Tản Viên Sơn và Quán Sơn Thành Hoàng làng. Đình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật, được xem là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của xứ Đoài.
Năm 2018, đình Tường Phiêu vinh dự được Chính phủ quyết định xếp hạng và công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
![2.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/12/2.jpg)
Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2024 không chỉ là sự ghi nhận về giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị đó.
Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu hiện nay còn duy trì nhiều hoạt động truyền thống, trong đó đặc sắc nhất là tục rước đêm 14 tháng Giêng (ba năm tổ chức rước một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu đã tồn tại từ rất lâu đời và được dân làng gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.
Điều đặc biệt trong lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu là việc chuẩn bị các cây đình liệu cho đám rước tối ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Đám rước đi đến đâu thì đốt đình liệu đến đó, đình liệu còn được gọi là đuốc thần.
![1.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/12/1.jpg)
Trong đoàn rước từ Đền Ngo về Đình Cả, tiếng trống chiêng, tiếng nhạc, tiếng dạ âm vang của các phù giá và dân làng, đoàn kiệu rùng rùng xuất phát, kiệu đi tới đâu đuốc đình liệu rực sáng tới đó, đuốc rồng rừng rực sáng quanh các kiệu. Đuốc ở đây theo thuyền thống xa xưa được chuẩn bị là 4 cây đuốc đình liệu lớn để soi đường cho Thánh đi đánh cá đêm về. Người đi xem hội rước đông vui rạng rỡ dưới ánh lửa hồng đuốc lễ hội xuân, ai cũng muốn len tới, chui qua kiệu cầu lộc, cầu điều may mắn, các ông đoàn trưởng điều hành, rước đuốc đi sát các phù giá, đôn đốc nhắc nhở, tiếp đuốc bảo đảm an toàn trên đường rước. Dòng người theo kiệu dài tới hàng cây số, ai nấy nét mặt hân hoan, rạng rỡ dưới ánh đuốc rực hồng quanh các cỗ kiệu. Hội rước xuân làng Tường Phiêu như một con rồng lửa từ từ tiến về làng, qua ao làng, qua cổng Ngòi tới Đình Thôn (Đình Thái Giám), kiệu bắt đầu chạy, kiệu bay vào Đình Cả như diễn lại khung cảnh xa xưa, dân làng Tường Phiêu đốt đuốc đưa tiễn Đức Thánh qua cầu Ngo, qua gò Chờ (gò chùa) đến gò Lốc, đồi Bái. Người đã cưỡi đám mây hồng ngũ sắc bay về núi Tản, dân làng bái tạ bùi ngùi lưu luyến trên địa danh đồi Bái hiện nay.
![z6309699043415_9334854a3f2126b85475cf318107e875.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/12/z6309699043415_9334854a3f2126b85475cf318107e875.jpg)
Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu là một trong số những lễ hội tiêu biểu của vùng đất xứ Đoài xưa, nơi lưu giữ nét văn hóa đặc sắc với nhiều nghi thức độc đáo, phản ánh các nghi thức truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền. Đình Tường Phiêu với các lớp văn hóa tích hợp trong thần tích và lễ hội gồm: lớp văn hóa thần thoại về Tam vị Đức Thánh Tản Viên Sơn, lớp văn hóa tín ngưỡng thờ thần núi, lớp văn hóa nông nghiệp, lớp văn hóa thờ cúng tổ tiên. Nhìn tổng thể, di sản văn hóa phi vật thể của đình Tường Phiêu gồm các giá trị: Giá trị lịch sử, kết nối cộng đồng; Tri ân “uống nước nhớ nguồn”; Cân bằng đời sống tâm linh; Sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc…
![111.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/12/111.jpg)
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: “Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu hằng năm không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của các vị thánh mà còn là cơ hội để các thế hệ cùng ôn lại và khắc sâu hơn các giá trị văn hóa của quê hương Phúc Thọ. Việc tổ chức và tái hiện lại tục rước kiệu ban đêm, những bó đuốc rồng được đốt lên là biểu tượng cho nét văn hóa độc đáo của xứ Đoài, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng động cư dân để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lễ hội truyền thống đình tường Phiêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là vinh dự đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Phúc Thọ. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền huyện, là ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của nhân dân Phúc Thọ. Quan trọng hơn, chính là tinh thần đoàn kết của cộng đồng nhân dân trong suốt dòng chảy của lịch sử”, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ khẳng định.
![zx.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/12/zx.jpg)
Tại Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu cũng đã diễn ra các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.../.