Thế giới điện ảnh

Ra mắt phần 2 phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước"

Duy Minh 09:43 01/02/2025

Với độ dài 2 tập (20 phút/tập), bộ phim tái hiện 1 giai đoạn lịch sử khi Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang”.

ccb71e54-e7b2-459e-8692-740037759ac1-736-4073.png

Sau gần 2 năm giới thiệu phần 1 của bộ phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước", vừa qua, TFS ra mắt phần tiếp theo của bộ phim "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước" mang tên "Khải hoàn ca giữa lòng Paris", dài 2 tập của biên kịch và đạo diễn Ngô Quang Thịnh.

Bộ phim "Khải hoàn ca giữa lòng Paris" là bài ca chiến thắng trên mặt trận ngoại giao và tư tưởng, là kết quả trong nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các nước châu Âu, để Việt Nam nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.

Câu chuyện bắt đầu từ dòng sông Neva ở thành phố Saint Petersburg, nơi có chiến hạm Rạng Đông oai hùng, nhìn về điện Smolny huyền thoại, nơi lưu dấu hình ảnh một vị lãnh tụ kiệt xuất của Liên Bang Xô Viết - Vladimir Ilyich Lenin- người đặt nền móng cho sự ra đời của nhà nước Xã hội Chủ Nghĩa đầu tiên trên Thế giới.

Từ Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách sang Đức, và trên con tàu Karl Liebknecht, Người đã lên đường đến Petrograd (nay là Saint Petersburg – cái nôi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại).

Từ những ngày đầu ở Petrograd, Bác đến với Moskva và tiếp tục tìm hiểu, học tập cũng như nghiên cứu về tư tưởng Lenin. Tại Moskva vẫn còn những địa điểm mang dấu ấn, tên gọi của Bác – là minh chứng rõ nét cho tình cảm của người dân Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điểm nhấn của phim là câu chuyện về sự xuất hiện của lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh cao của Nhà thờ Đức Bà tại Paris vào đêm 18/1/1969.

Giữa lòng thủ đô Paris có Khải hoàn môn - biểu tượng cho chiến thắng dưới thời hoàng đế Napoleon I nhằm tôn vinh quân đội Pháp, thì cũng ngay giữa lòng Paris, Việt Nam đã có thắng lợi trên mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris năm 1973. Khải hoàn ca chính là bài hát ca ngợi tinh thần đấu tranh trên mọi mặt trận của Cách mạng Việt Nam đương thời, kế thừa di sản về nghệ thuật ngoại giao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại.

"Khải hoàn ca giữa lòng Paris" đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên chính trường trước thềm Hội nghị Paris năm 1973, là tiền đề để Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam đến thống nhất trọn vẹn...

Nếu tập 1 chủ yếu tập trung vào việc tái hiện lại câu chuyện, thì trong tập 2 phim có kết hợp cả hiệu ứng đồ họa cũng như kỹ xảo trong việc miêu tả lại hành trình trèo lên để treo lá cờ trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris của 3 người bạn Thụy Sĩ. Đó là ông Olivier Parriaux, ông Bernard Bachelard và Noé Graff đã dũng cảm treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris đúng vào ngày mở vòng đàm phán Hội nghị Paris (19-1-1969). Và đây cũng là lần duy nhất sau 55 năm mà 3 ông được tái ngộ ngay dưới Nhà thờ Đức Bà Paris kể từ thời điểm lịch sử trên.

Trong phần 2 "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước: Khải hoàn ca giữa lòng Paris" được ghi hình ở 2 quốc gia Pháp và Thụy Sĩ. Đặc biệt ở Pháp, đoàn phim được ghi hình ở những địa điểm mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những nơi mà quân đoàn Việt Nam đã lưu trú trong thời gian đàm phán hiệp định Paris. Thời gian ghi hình ở nước ngoài trong 10 ngày và tiếp tục về hậu kỳ ở Việt Nam gần 3 tuần.

Để thực hiện được bộ phim này, đoàn làm phim tri ân sự cố vấn của các GS-TS, các nhà sử học như: PGS-TS Hà Minh Hồng, GS-TS Trình Quang Phú, bà Helen Luc - nguyên thượng nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp…/.

Duy Minh