Văn hóa – Di sản

Lễ hội Đền Sóc năm 2025: Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Như Anh 13:57 20/01/2025

Lễ hội Gióng ở Đền Sóc là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội dịp đầu Xuân năm mới. Năm 2025, huyện Sóc Sơn có nhiều đổi mới trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, kiên quyết xử lý những hàng quán bày bán sai quy định, cờ bạc trá hình.

2.jpg
Hình ảnh đại diện Hương ước các thôn làng rước kiệu, các linh vật, giò hoa tre, trầu cau dâng đọc tấu sớ trước sân Rồng ở chính điện trong ngày chính Hội Đền Gióng Sóc Sơn hàng năm.

Lễ hội đền Sóc được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Đức Thánh Gióng - người có công dẹp giặc đem lại thái bình cho dân tộc Việt Nam. Theo truyền thống, lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm, nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông.

3001-le-hoi-giong-9918.jpeg
Một số hình ảnh diễn ra trong ngày chính Hội Đền Gióng Sóc Sơn hàng năm

Năm nay, Lễ hội Gióng đền Sóc sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 3 đến 5-2-2025 (tức ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Lễ khai hội diễn ra từ 6h30 sáng gồm các hoạt động: Dâng hương, rước lễ, tế lễ của các thôn làng. 8 lễ vật theo truyền thống được các thôn làng cung tiến gồm: Giò hoa tre, thần mã (ngựa chiến), voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ và cầu húc. Lễ hội Gióng đền Sóc được tổ chức tại quần thể Khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bao gồm 6 công trình: đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia.

c1.jpg

Đặc biệt điểm nổi bật khác biệt trong mùa lễ hội Gióng 2025 tập trung vào phần hội. Theo đó, các trò chơi dân gian tiếp tục được Ban tổ chức lễ hội duy trì như: đi cà kheo, đập niêu đất, hội thi nấu cơm, hội thi cầu húc... Đặc biệt, năm 2024 nghi thức “Kéo Mỏ” của thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” và sẽ tiếp tục được tổ chức tại Lễ hội Đền Sóc nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Cùng với đó là các gian hàng giới thiệu, quảng bá du lịch Sóc Sơn, du lịch Hà Nội, các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện.

Để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, Ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương sẽ tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách theo quy định; bố trí sắp xếp hàng quán ngăn nắp; nghiêm cấm việc nâng giá, bán hàng rong, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong phạm vi khu vực I của di tích, không bố trí hàng quán. Các hàng, quán dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các hoạt động phải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025 Hồ Việt Hùng

den-giong-soc-son-1_1697557755.jpg
Hình ảnh quần thể Khu di tích Đền Sóc chụp từ trên cao.

Các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức xuyên suốt trong những ngày diễn ra lễ hội tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Sóc. Bên cạnh đó, khác với mọi năm, hội thi đấu vật thay đổi phương thức tổ chức, thay vì thành lập đội và đăng ký từ đầu thì du khách thập phương có thể đăng ký tại khu vực tổ chức hội thi và tham gia thi đấu. Điều này tạo nên một sân chơi mở cho tất cả người dân và khách thập phương du xuân lễ hội. Đến với lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025, du khách cũng sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị tại khu vực thực hành văn hóa; hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn với những du khách muốn trải nghiệm làm cơm nắm muối vừng, têm trầu cánh phượng, làm cà muối, làm giò hoa tre…

Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc là một trong những lễ hội lớn nhất của TP Hà Nội, đã được Tổ chức UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010”. Lễ hội đã trở thành sự kiện quan trọng, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân. Không chỉ vậy, lễ hội Gióng đền Sóc hàng năm còn hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn nhằm thúc đẩy du lịch phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.

Như Anh