Đời sống văn hóa

Phong tục Tết qua một số ghi chép, văn thơ cổ

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 07:55 20/01/2025

Trong bản thảo “Nguồn gốc Tết Nguyên Đán ở Việt Nam” hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, học giả Trần Văn Giáp (1902 - 1973) cho rằng, người Việt ăn Tết Nguyên đán từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

11-1642163775558.jpg

Về Tết Nguyên Đán, giáo sư Trần Quốc Vượng (1934 - 2005) trong bài “Văn hóa Tết và Tết văn hóa” đã viết: “Cái Tết mà như ngày nay bắt đầu khoảng trước Công nguyên hơn 100 năm, từ đời Hán và có cội nguồn đan xen văn hóa Việt - Hoa. Tết là đọc trại của chữ Tiết, Nguyên là sơ khai, đầu tiên, Đán là buổi sớm, Nguyên Đán là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên Đán là Tết mừng năm mới”.

Thơ về Tết, về xuân thì xưa nay khá nhiều nhưng nói về phong tục truyền thống lại khá kiệm. Có thể Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) là người sớm nhất đưa phong tục Tết vào thơ. Trong bài chữ Hán “Nguyên Đán thư đường” (Tết Nguyên Đán ở phòng đọc sách) ông viết:

Nhà tranh đêm gió đông vào
Tin truyền xuân đến từ đầu canh năm
Biết xuân là cỏ trong sân
Bùa trừ tà quỉ chẳng cần đào thiêng
(GS.TS Kiều Thu Hoạch dịch)

Bùa trừ quỉ là gì? Xưa, Tết được tính từ 23 âm lịch, ngày theo tín ngưỡng ông Công, ông Táo về thiên đình. Từ ngày này cho đến giao thừa, thời điểm ông Công, ông Táo trở lại hạ giới thì vũ trụ vô chủ tâm linh. Thừa cơ hạ giới không ai cai quản, ma quỉ hoành hành dọa nạt lương dân. Từ thế giới thực đến thế giới ảo chẳng có gì hoàn hảo, điểm yếu cốt tử của ma quỉ là chúng rất sợ màu đỏ nên nhà nhà lấy mảnh gỗ sơn màu đỏ rồi vẽ hình ông Thần Đồ và Uất Lũy, khắc tinh của ma quỉ treo ở cửa. Miếng gỗ đó gọi là bùa đào (chữ Hán là Đào Phù). Sau đó người Việt thay bùa đào bằng cành hoa đào và ngày nay, đào mang ý nghĩa trang trí. Về tục này, bài “Tứ thời khúc vịnh” bằng chữ Nôm của Hoàng Sĩ Khải (người đỗ tiến sĩ năm 1544, làm quan triều Mạc rồi Lê Trung Hưng) có câu: “Đào phù cấm quỉ phòng linh ngăn tà”.

Cổ nhân nói “Phi tửu bất thành lễ”, tuy nhiên không phải rượu nào cũng được uống trong ba ngày Tết. Rượu uống Tết phải có tác dụng ngăn bệnh và có ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh. Trong bài “Nguyên nhật” (Ngày mồng một Tết), Phùng Khắc Khoan liệt kê có ba loại rượu Tết: “Khi mà một chạp đã xoay vần/ Mừng bấy đông qua lại đến xuân/ Rượu bách đầu năm trừ giá lạnh/ Rót chén Đồ Tô đà rảnh việc/ Mâm tiêu dâng kính đón lương thần/ Lại đem ngũ phúc chúc cha thân”. (GS.TS Kiều Thu Hoạch dịch)

Rượu bách là rượu ngâm với những miếng gỗ bách nhỏ, cây này chịu được rét nên xưa có tục ngày Tết người ta mời uống rượu bách để trừ phòng hàn và cũng là lời chúc sống lâu trăm tuổi. Đổ Tô là tên gọi một loại lều cỏ. Tương truyền xưa có người sống trong lều cỏ, vào ngày cuối năm đã đem ngâm túi thuốc có nhiều vị xuống giếng thơi, sáng mồng một múc nước giếng pha vào rượu, mời mọi người uống sẽ trừ được dịch bệnh trong cả năm. Còn mâm tiêu là một loại rượu ngâm với rễ và quả liêu tiêu có mùi thơm cay có tính kháng khuẩn cao với nhóm vi khuẩn lỵ và thương hàn, trừ được tà khí. Theo phong tục cổ, mồng một Tết, con cháu trong nhà đặt rượu tiêu vào mâm dâng kính ông bà, cha mẹ để chúc thọ nên tục đó gọi là rượu mâm tiêu. Trịnh Hoài Đức (1765 - 1828) làm quan triều Nguyễn đi công tác sang Campuchia đúng dịp Tết đã cảm tác “Nguyên nhật khách Cao Miên quốc” (Ngày mồng một Tết đang làm khách ở Cao Miên) có câu: “Quê người rượu bách ai mời chén/ Vườn cũ cây đi vắng dự trò/ Đào thắm đỏ chen đèn đánh cá/…” (Đào Phương Bình dịch). Tức là đầu thế kỷ 19 vẫn còn tục uống rượu bách vào dịp Tết và hoa đào đã thay đào phù.

Với các Nho sĩ, không chỉ “Minh niên khai bút bút khai hoa” vào sáng mồng một mà còn viết chữ “Nghi Xuân” (hợp với mùa xuân) vào giấy rồi dán ở cửa sổ để cầu phúc đón xuân coi đó như bùa thiêng. Trong “Tứ thời khúc vịnh” cũng nhắc đến tục này “Tú Mi là thiếp, Nghi Xuân là bùa”. Báo Thanh Nghị số 29-31 tháng 2/1943, dịch lại ghi chép của Linh mục Giovanni Filippo de Marini (1608 - 1682) về Tết Nguyên Đán ở Đại Việt: “Vào dịp Tết quan to được biếu nhiều nên tất niên đã đem đãi bà con thân hữu và cho lính tráng để ai cũng có cảm tưởng được dự vào Tết”. Thời Lý, Trần có tục vô cùng nhân văn, con trai nhà nghèo không có tiền làm đám cưới nhưng nếu cô gái mà anh ta thương đồng ý đêm 30 họ về ở với nhau thì cha mẹ cô gái sẽ không mang tiếng và dân làng cũng không móc máy, dè bỉu.

Tết có những nghi thức và kiêng kỵ chung song không ít địa phương có tục riêng. Thăng Long là kinh đô, nơi có vua quan, có trí thức Nho giáo, người buôn bán và làm nghề thủ công nên ngày Tết cũng có khác, tục cũng khác. Thời Lê, sáng mồng một, khi nghe trống canh điểm giờ (có thể là giờ Mão hay Dần), ba cỗ thần công trong thành bắn đạn, lúc này vua cởi hoàng bào, tắm nước lạnh sau đó mặc hoàng bào mới ra thiết triều tại đại điện. Các hoàng tử và đình thần đã trực sẵn, chờ triều bái. Xong, vua lui vào cung để nhận lễ của hoàng hậu, phi tần, cung tần, thị nữ. Đêm 30 Tết, khi trống canh điểm giờ chính Tý, dân chúng trong thành sẽ ra đình, đền, chùa lễ. Sư trụ trì, người coi đình, đến sẽ phát lộc, lộc là những cành nhỏ có chồi và lá non, ai ra muộn sẽ được cho một nén hương tượng trưng lộc mang về thắp ở bàn thờ gia tiên. Trước Tết nhà nào ở Hà Nội cũng gói bánh chưng dài tròn biểu tượng cổ xưa về sinh thực khí và bánh chưng vuông, tượng trưng cho triết lý trời tròn đất vuông xuất hiện muộn mằn hơn. Nhưng nhiều gia đình nhà Nho ở Thăng Long không gói bánh chưng dài tròn vì quan niệm tròn đâu cũng lăn là biểu tượng sự láu lỉnh. Họ cho rằng Nho sĩ phải là vuông vắn, có góc cạnh. Khi tả về người Thăng Long uống rượu Tết danh Nho Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) đã viết trong “Vũ Trung tùy bút” là uống chén nhỏ để mặt hồng hào cho câu chuyện thêm nồng.
Theo quan niệm của các triều vua, nhiều tục cổ bị bãi bỏ. Trong nửa cuối thế kỷ 20, nhiều tục bị cái tiếng hủ lậu nên cũng không còn, có mỹ tục biến mất. Ngày nay, nghi lễ Tết đơn giản, ăn uống không cầu kỳ, nhiều phong tục chỉ còn tìm thấy trong kho tàng di sản tư liệu./.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến