Kiến trúc - Quy hoạch

Hà Nội công bố Quy chế quản lý kiến trúc đến năm 2035

Văn Thiện 20:42 14/01/2025

Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 là 2 nội dung rất quan trọng, cụ thể hóa một số nội dung được xác định tại các nghị quyết của Trung ương và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

image00320250114084540.jpg
Theo Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến 2035 được phê duyệt thì đến năm 2025, số lượng quận của Hà Nội sẽ là 16 quận...

Ngày 13/1, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua; cùng với đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 31/12/2024, UBND Thành phố có Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hà Nội và Quyết định số 6809/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 là 2 nội dung rất quan trọng, cụ thể hóa một số nội dung được xác định tại các nghị quyết của Trung ương và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trong đó bao gồm tập hợp các quy định, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án, chỉ tiêu, số liệu nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị thành phố để triển khai có kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm và tuân thủ theo quy hoạch được duyệt.

Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội có 4 chương, 17 điều và phụ lục. Nội dung là các quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế; quy định quản lý đối với các khu vực có yêu cầu đặc thù; định hướng kiểm soát không gian, kiến trúc, cảnh quan; yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc; quy định về quản lý kiến trúc các loại hình công trình; quy định về quản lý kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật; quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.

Về Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035, các mục tiêu cụ thể đã đặt ra bao gồm: chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình; các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị.

Bên cạnh đó, xác định các chương trình, kế hoạch phát triển các khu vực được xác định theo quy hoạch chung đô thị, các khu vực phát triển đô thị để tập trung đầu tư hình thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiến trúc cảnh quan đô thị theo từng giai đoạn cho các quận và các khu vực dự kiến thành lập quận.

Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2025. Nguyên tắc quản lý kiến trúc Thành phố Hà Nội là tuân thủ Luật Kiến trúc, phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và điều kiện thực tế tại Thủ đô; ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới kể cả nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ quốc phòng, an ninh, tài nguyên môi trường…

Theo Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035, chỉ tiêu đô thị hóa của thành phố Hà Nội được xác định đến năm 2025 là 63%; đến năm 2030 là 65%; đến năm 2035 là 70%.

Đến năm 2045, Hà Nội trở thành Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế. Thành phố xanh và sinh thái, với sông Hồng là biểu tượng phát triển.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng đạt 50%. Dự kiến sơ bộ tổng số vốn đầu tư phát triển tối thiểu dự báo đến năm 2035 là 2.987.303 tỷ đồng. Trong đó, tổng số vốn dành cho hạ tầng khung là 1.273.791 tỷ đồng. Vốn dành cho nâng cấp đô thị là 1.713.512 tỷ đồng.

Theo Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến 2035 được phê duyệt thì đến năm 2025, số lượng quận của Hà Nội sẽ là 16 quận (12 quận hiện có và 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Hoài Đức dự kiến thành lập quận).

Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ công nhận thành phố loại III - Sơn Tây trực thuộc Thủ đô; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc theo điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô để tiến tới hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh trong giai đoạn đến năm 2035; đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành thành phố phía Tây trong giai đoạn đến năm 2045; xây dựng phát triển đô thị tại khu vực Phú Xuyên, Thường Tín để hình thành thành phố phía Nam trong giai đoạn đến 2045./.

Văn Thiện