Y tế - Giáo dục

Sân khấu hóa tác phẩm văn học: Bồi đắp sự “hoàn mỹ” cho học sinh

Vân Hồng 20:41 14/01/2025

Từ xa xưa, văn học là loại hình nghệ thuật được con người yêu thích và tôn vinh. Môn Ngữ văn vì thế luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triên nhân cách của học sinh, hướng tới những giá trị nhân văn và thẩm mỹ cao cả. Trong nhà trường, các em học sinh được tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển, hấp dẫn, lôi cuốn của Việt Nam và thế giới. Để các tác phẩm ấy trở nên sống động, hấp dẫn, lưu dấu ấn sâu đậm trong tâm trí, ngoài việc truyền thụ kiến thức của thầy cô thì “sân khấu hóa” là một hình thức rất hiệu quả.

z6224045812016_c357137d2d8d89ac08476adde109df9b.jpg
Các em học sinh “hóa thân” vào nhân vật trong các tác phẩm.

Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) liên tục tổ chức cuộc thi “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” cho học sinh toàn trường tham gia. Cuộc thi không chỉ giúp học sinh khám phá các giá trị của văn chương, thêm hiểu, thêm yêu văn học nghệ thuật mà còn phát huy tối đa sự sáng tạo và kỹ năng diễn xuất của các em.

Năm học này, các em học sinh được làm việc theo nhóm lớp. Qua bốc thăm ngẫu nhiên, hai lớp sẽ lập thành một nhóm để xây dựng kịch bản, đạo diễn và tập cùng nhau. Các em rất háo hức tham gia, nhiệt tình, sáng tạo để làm nên những phần diễn xuất thú vị, đem đến cho khán giả những tiết mục xuất sắc.

z6224045810329_4e2977267f01e164fbe2238b2f9d6309.jpg
Các em học sinh tham gia cuộc thi giúp hiểu thêm yêu văn học nghệ thuật.

Rất tuyệt vời là các em lựa chọn nhiều tác phẩm dân gian để sân khấu hóa. Trong số đó phải kể đến sử thi “Trường ca Đam san”, các câu chuyện ngụ ngôn, truyện cười với ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Những tác phẩm về tình yêu đất nước, những tấm gương thiếu nhi dũng cảm như Tuổi thơ dữ dội của nhà văn Phùng Quán cũng được các em học sinh khai thác, biên tập và trình diễn rất thành công. Một số trích đoạn của văn học hiện thực phê phán cũng được đưa lên sân khấu một cách chân thực và lôi cuốn: Sống chết mặc bay, Đồng hào có ma...

Em Ngọc Hà, học sinh lớp 9A5 tâm sự: “ Em rất thích Hội thi này. Nhờ có hoạt động Sân khấu hóa, em thêm hiểu, thêm yêu văn chương, tăng khả năng diễn xuất của mình theo từng năm. Năm nay, em được đóng vai Mừng trong Tuổi thơ dữ dội. Em cảm thấy rất xúc động và càng trân trọng hơn sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc”.

z6224045805824_99f69c4ef9693d86cf56ad1eb7c46209.jpg
Nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương chia sẻ tại Hội thi.

Nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương chia sẻ: “ Là một giáo viên dạy Văn, tôi luôn mong muốn làm thế nào để có thể khơi dậy cho các em tình yêu với văn chương, tạo cho các em một sân chơi bổ ích để từ đó các em thêm hiểu, trân trọng các tác phẩm văn học trong nhà trường. Sân khấu hóa chính là một hình thức hiệu quả giúp tôi thực hiện được mong muốn đó.”

Nghệ sỹ Thanh Chi, diễn viên kịch nói gạo cội của Nhà hát Tuổi trẻ, Trưởng ban giám khảo cho biết: “ Tôi rất vui được tham gia hoạt đồng ý nghĩa này với các em học sinh Chương Dương. Dù dàn dựng và diễn xuất còn mộc mạc, giản dị nhưng các em rất hứng khởi tham gia và có nhiều sáng tạo. Đó là điều rất đáng trân quý”.

z6224045832210_aff4b8a9db6fabb6ac9de002c9b19a18.jpg
Sân khấu hóa tác phẩm văn học là sân chơi bổ ích, hấp dẫn với học sinh.

Mặt khác, việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học còn là sân chơi bổ ích, hấp dẫn với học sinh. Trong đó có thể kể tới các tác phẩm được học sinh yêu thích lựa chọn như “Thầy bói xem voi” - mang đến tiếng cười sảng khoái cùng những bài học nhẹ nhàng, ý nghĩa về cuộc sống, sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau; “Bài học đường đời đầu tiên” trích “Dế Mèn phiêu lưu ký” - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài nhẹ nhàng mà sâu lắng…

“Mang tác phẩm văn học trong nhà trường đến gần hơn với học sinh luôn được thầy cô trăn trở. Sân khấu hóa tác phẩm văn học là hướng đi phù hợp, sáng tạo mà nhà trường có thể triển khai hiệu quả trong các tiết học Ngữ văn. Hội thi sân khấu hóa tác phẩm văn học trong nhà trường giúp học sinh hiểu về các tác phẩm đã được học, từ đó thêm yêu và cảm nhận tác phẩm đầy đủ hơn. Hoạt động đã mang đến một làn gió mới, một tín hiệu tốt mà các em dành cho môn Ngữ văn nói chung và tác phẩm văn học nói riêng”, Nghệ sỹ Thanh Chi, diễn viên kịch nói gạo cội của Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ./.

Vân Hồng