Lý luận - phê bình

Dòng chảy hiện sinh trong thơ hiện đại Việt Nam

Hương Giang 06:33 31/12/2024

Trong triết học phương Tây hiện đại, chủ nghĩa hiện sinh nổi bật như một cuộc đối thoại sâu sắc với thân phận con người, đặt ra những câu hỏi day dứt về sự tồn tại và mối quan hệ giữa cái hữu hạn - cái vô cùng.

background-book-sach-canh-hoa-dao.jpg

Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn và có không ít biến thể khác nhau, nhưng chủ nghĩa hiện sinh luôn xoay quanh một vấn đề cốt lõi duy nhất: vấn đề nhân vị. Đó là triết học của sự lo âu, của những khắc khoải trước hư vô, nơi con người phải tự mình tìm ra ý nghĩa trong một thế giới đầy bất định. Chủ nghĩa hiện sinh là triết học về con người, về tự do, về sự tồn tại trong từng giây phút dằng dặc ấy. Nó tôn vinh sự độc đáo và tuyệt đối của cá nhân, đặt con người vào trung tâm của vũ trụ, với mọi nỗi lo lắng, tìm kiếm và khát khao. Chính vì vậy, triết lý này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn học, mở ra những chiều kích mới cho sáng tạo nghệ thuật, nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu, với sự góp mặt của những tên tuổi tiên phong nổi bật như Heidegger, Sartre, Jaspers,...

Văn học Việt Nam không nằm ngoài quy luật giao lưu tiếp nhận. Đã có những cuộc gặp gỡ tiếp xúc mạnh mẽ với tư tưởng bút pháp mang khuynh hướng hiện sinh này. Trên thực tế, có thể khẳng định, trong nhiều thăng trầm biến động của thời gian lịch sử, dấu ấn hiện sinh đã luôn có mặt, chảy xuyên suốt trong thơ hiện đại Việt Nam. Chủ nghĩa hiện sinh, trong những thập niên 1960, đã trở thành một trào lưu sống động và phổ biến ở miền Nam, không chỉ trong đời sống thực tế mà còn thấm sâu vào văn học. Qua việc tiếp thu và thể hiện sinh động các nguyên lý của triết học hiện sinh, đã tạo dựng một không gian sáng tác riêng biệt, nơi bi kịch nhân sinh được phản ánh qua những trăn trở, lo âu và sự băn khoăn về phận người. Văn học hiện sinh trong giai đoạn này không chỉ phản ánh những nỗi bất an, sự đổ vỡ, mà còn thể hiện sự thức tỉnh về ý thức lựa chọn và thái độ sống đúng đắn. Nhờ vào việc sử dụng ngôn ngữ sắc bén và kỹ thuật mô tả hiện tượng luận, các tác phẩm này đã góp phần hình thành một dòng văn học hiện sinh với đặc trưng riêng biệt, mang đậm dấu ấn thời đại. Những nhà thơ tiêu biểu như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Thị Hoàng, Bùi Giáng, Du Tử Lê, Nguyên Sa... đã thể hiện rõ nét những nỗi trăn trở này trong tác phẩm của mình.

Sau chiến tranh, đặc biệt từ khi Đổi mới vào năm 1986, đất nước trải qua những biến đổi sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến tâm thức con người và ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học. Những khái niệm về tính chủ thể, tự do, sự phi lý, cũng như về dấn thân nổi loạn trở nên hết sức phù hợp để giải thích và nhận diện con người trong giai đoạn này. Vì vậy, dấu ấn của hiện sinh vẫn còn vang vọng và tiếp tục thu hút sự quan tâm, mở rộng trong các hoạt động nghiên cứu cho đến ngày nay. Đặc biệt là bước ngoặt từ năm 1986, với sự bứt phá của tinh thần hiện sinh trong xã hội Việt Nam, nó trở nên rõ ràng và không thể tránh khỏi, như quy luật khách quan để thể hiện những suy tư cá nhân trong văn học và trong sáng tạo.

Cảm thức hiện sinh có thể được khám phá và thể hiện qua nhiều phạm trù khác nhau, trong đó nổi bật nhất là khía cạnh “nỗi cô đơn“ hiện sinh, một yếu tố trung tâm trong triết lý này. Trong thơ ca đương đại, ta bắt gặp Trương Đăng Dung với nỗi bất an trước hiện thực cuộc sống và sự suy tư về cõi chết, luôn ý thức về sự hữu hạn của đời người qua các tác phẩm “Những kỉ niệm tưởng tượng” và “Em là nơi anh tị nạn”; một Nguyễn Quang Thiều với cảm giác lạc lõng, tìm kiếm chính mình qua những chân trời mơ hồ trong “Sự mất ngủ của lửa” và “Những người đàn bà gánh nước sông”; hay một Mai Văn Phấn thể hiện nỗi cô đơn của con người trong một cuộc sống đầy rẫy mâu thuẫn và xung đột, khi bước vào hành trình tìm lại ký ức trong “Cầu nguyện ban mai”, “Nghi lễ nhận tên” và “Bầu trời không mái che”… Đây là những gương mặt thơ mang dấu ấn hiện sinh đậm nét cho thơ ca đương đại. Những mất mát tổn thất trong và sau chiến tranh đã thúc đẩy con người đi tìm lại chính mình, khát khao tự do, khám phá bản thể. Thơ ca trở thành phương tiện để thể hiện sự trăn trở, âu lo, và thức tỉnh về bản ngã, với khát vọng tìm lại cái tôi đích thực. Với những sáng tác ấy, chủ nghĩa hiện sinh trong văn học, thực chất, là sự phát triển tiếp theo của chủ nghĩa hiện thực phê phán, nhưng với một tinh thần tự nhiên, thẳng thắn và đôi khi gay gắt hơn, thậm chí có phần châm biếm, với mục đích “hạ bệ” những thần tượng và lý tưởng chính trị - xã hội, đưa chúng trở lại với bản chất đời sống thường nhật. Điều này đúng với câu cách ngôn mà Karl Marx ưa thích: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”.

Trong công cuộc tìm kiếm thức tỉnh bản thể, thơ ca đã trở thành thể loại thích hợp nhất để khám phá chiều sâu phức tạp và bí ẩn của con người. Theo cố nhà giáo, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn “Cái tôi của thơ đương đại là cái tôi bản thể”. Các phạm trù cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh, như sự phi lý, thân phận cô đơn, lạc lõng trong hành trình tìm kiếm bản ngã, hay những con người nổi loạn, vượt ra ngoài chuẩn mực luân lý gắn liền với tình yêu và tình dục, đã được các nhà văn sử dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và rộng rãi trong tác phẩm của mình. Còn nhà phê bình Trần Hoài Anh thì nhận định, khuynh hướng hiện sinh trong văn học Việt Nam hiện đại là sự tìm kiếm “cái tôi đã mất”, với nội dung chủ yếu là những suy tư về thân phận và khát khao tự nhận thức cá nhân. Khi con người nhận thức được sự phi lý của cuộc đời, họ càng cảm thấy cô đơn và khát khao vươn lên. Kết quả là, sau 1986, trên văn đàn hiện sinh không chỉ là những nhà thơ tóc bạc trăn trở suy tư mà một thế hệ nhà thơ trẻ đã xuất hiện, không ngại đổi mới và thể hiện những sự thật đôi khi trần trụi về thân phận con người. Những nhà thơ trẻ đương đại như Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyệt Phạm, Lê Minh Quốc, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Hữu Hồng Minh,... với những nỗ lực khẳng định và gìn giữ bản ngã trong một thế giới đầy bất ổn và phi lý, đã như một dòng chảy hiện sinh mạnh mẽ phản ánh nỗi buồn, cô đơn, sự khủng hoảng và thiếu vắng niềm tin. Những chủ đề như cô đơn, bản thể, hư vô, dục tính… trở thành những đề tài trọng tâm trong thơ ca đương đại, đặc biệt là trong các tác phẩm của những nhà thơ trẻ. Sự thể hiện này đã mang lại một diện mạo mới cho thơ ca Việt Nam, đồng thời cũng phản ánh ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu thơ hiện sinh trên thế giới.

Với ảnh hưởng của khuynh hướng hiện sinh, thơ ca tập trung khám phá số phận và tâm tư của con người trong những hoàn cảnh cụ thể, tạo cơ hội cho con người tự nhận thức bản thân và vượt qua những giới hạn ngột ngạt của sự đơn điệu, vô nghĩa, từ đó tìm kiếm ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Có thể thấy, thời kỳ đổi mới đã tạo ra một môi trường thuận lợi để con người giải phóng cái tôi cá nhân và nhận thức lại đúng đắn về ý nghĩa, giá trị của nó. Con người được nhìn nhận một cách toàn diện hơn, với sự quan tâm không chỉ đến những nhu cầu đời sống vật chất mà còn đến các khía cạnh tâm linh, vô thức và đời tư.

Như vậy, việc xác định bản sắc của cái tôi mang tâm thức hiện sinh - với những trải nghiệm cô đơn cá nhân và bản thể - cùng quá trình vượt qua và chinh phục sự cô đơn, truy tìm bản thể của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam đương đại có ý nghĩa lớn để định vị và kiến tạo diện mạo thơ Việt Nam hiện đại. Bởi vậy, qua bao thăng trầm, khuynh hướng hiện sinh vẫn khẳng định được vị thế trong thơ ca và đời sống đương đại như một dòng chảy xuyên suốt và ngày càng mãnh liệt./.

Hương Giang