Sân khấu

Nghệ thuật múa Việt Nam: Những nỗi lo và hy vọng

Phương Lan 28/12/2024 14:14

Sáng 28/12/10242024, tọa đàm với chủ đề “50 năm nghệ thuật múa Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất – Thành tựu và phát triển” đã diễn ra thành công do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và biên đạo múa từ khắp nơi trên cả nước.

anh-1.ban-chu-tri-dieu-hanh-toa-dam.jpg
Ban Chủ trì điều hành Tọa đàm

Buổi tọa đàm không chỉ nhằm nhìn lại hành trình phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam từ năm 1975, mà còn là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những thành tựu nổi bật trong nửa thế kỷ qua. Từ những khởi đầu đầy thử thách, nghệ thuật múa Việt Nam đã dần khẳng định giá trị và phát triển mạnh mẽ qua nhiều thập kỷ.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm nhấn mạnh rằng nghệ thuật múa không chuyên đang dần tiệm cận với nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Điều này cho thấy sức lan tỏa của nghệ thuật múa trong đời sống xã hội, không chỉ giới hạn ở các sân khấu lớn mà còn lan tỏa vào cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức và thẩm mỹ của người dân.

Tuy nhiên, tọa đàm cũng ghi nhận những trăn trở về việc bảo tồn và phát huy giá trị của múa dân tộc. NGND Phùng Hồng Quỳ chia sẻ: “Múa dân tộc chứa đựng nhiều giá trị văn hóa quý báu, nhưng các tác phẩm chưa thật sự hấp dẫn, đặc biệt là đối với giới trẻ. Chúng ta cần những cách tiếp cận mới mẻ, nhưng phải giữ gìn bản sắc dân tộc.”.

anh-3.-toan-canh-toa-dam.jpg
Toàn cảnh Tọa đàm

NSND Vũ Hoài cũng đồng quan điểm, nhấn mạnh rằng nghệ thuật múa có bốn chức năng cơ bản: phản ánh, thẩm mỹ, giáo dục và giải trí. Việc kết hợp hài hòa cả bốn chức năng này là cần thiết, tùy thuộc vào từng giai đoạn để thu hút khán giả.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về những rào cản trong cơ chế và chính sách đối với văn hóa nghệ thuật. Đào tạo múa là một lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, nhưng chính sách hiện tại vẫn là một thách thức lớn khiến nhiều nhà hát và cơ sở đào tạo gặp khó khăn.

Văn hóa nghệ thuật trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm từ Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn còn nhiều rào cản mà các nghệ sĩ cần vượt qua. “Nghệ sĩ cần cống hiến nhiều hơn để được ghi nhận. Hãy theo đuổi sự sáng tạo đến cùng, công chúng sẽ đến với nghệ thuật” - NSND Ứng Duy Thịnh khẳng định.

Buổi tọa đàm khép lại trong không khí phấn khởi và đoàn kết, mang lại nhiều hy vọng cho tương lai tươi sáng của nghệ thuật múa Việt Nam. Những ý kiến và đề xuất tại tọa đàm sẽ là nền tảng quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu và triển khai các chính sách nhằm đưa nghệ thuật múa Việt Nam phát triển và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới./.

Phương Lan