Hà Nội xưa - nay

Xôi cây làng Tây Mỗ

Văn Hậu 13:24 29/12/2024

Phường Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có ba thôn là Miêu Nha, Phú Thứ và Tây Mỗ. Nhắc đến Mỗ, người ta nhớ câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”. Có danh hương từ bốn làng khoa bảng và hương nếp từ ngày hội thi xôi cây. Đình làng thờ Thủy Hải Long vương, Ả Lã nàng Đê - nữ tướng thời Hai Bà Trưng; đền làng thờ Phúc Vương Tranh - người con của vua Lê Thánh Tông.

le-hoi-ruoc-xoi-lang-tay-mo..jpg
Lễ hội rước xôi làng Tây Mỗ.

“Ăn nắm xôi nếp hoa vàng
Nhớ ngày hội làng mồng Tám tháng Giêng”.

(Ca dao)

Phường Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có ba thôn là Miêu Nha, Phú Thứ và Tây Mỗ. Nhắc đến Mỗ, người ta nhớ câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”. Có danh hương từ bốn làng khoa bảng và hương nếp từ ngày hội thi xôi cây. Đình làng thờ Thủy Hải Long vương, Ả Lã nàng Đê - nữ tướng thời Hai Bà Trưng; đền làng thờ Phúc Vương Tranh - người con của vua Lê Thánh Tông.

Theo khoán ước Tây Mỗ năm vua Duy Tân 1910 có quy định về lễ vào đám: “Ngày 7 tháng Giêng, 7 giáp, mỗi giáp sắm sửa 1 con gà, 1 mâm xôi, trầu cau vàng mã trị giá 45 đồng bạc. Ngày tế xuân 17 tháng Hai sắm 1 con lợn, 7 mâm xôi, giá trị khoảng 15 đồng bạc.

Ngày lễ cơm mới tháng Chín sắm lễ 1 con trâu, 7 mâm xôi, trầu cau vàng mã trị giá 35 đồng bạc. Ngày lễ tháng Chạp sắm 1 con trâu, 2 cân gạo xôi, trầu cau vàng mã trị giá 30 đồng bạc. Sau ngày tế thần nếu mổ bò, mổ trâu thì thủ bò, thủ trâu biếu quan viên chức sắc, còn bao nhiêu chia đều cho 7 giáp cùng uống rượu. Số tiền trâu, bò, lợn đáng giá bao nhiêu thì chia đều cho nhân suất”.

Ngày nay, dân làng vẫn tổ chức một năm hai kỳ hội. Chính hội vào ngày đầu xuân mồng 8 tháng Giêng tại đình. Ngày 27 tháng Ba, dân làng tổ chức lễ dâng hương tại đền Am có hát văn, chọi gà, cờ tướng. Theo lệ, 5 năm một lần mới có đại hội và tổ chức thi xôi cho ba xóm.
Xôi đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng cấy từ cánh đồng làng. Khi xay, giã, phải sàng sẩy nhiều lần để hạt gạo nếp mòn dần chỉ trơ phần lõi trắng. Nước đồ xôi phải chọn từ nước giếng đá trong. Luật chấm thi có lệ bẻ thử hạt xôi nếu vẫn sóng (còn nguyên) là được. Cỗ xôi nào có hạt xôi gãy đôi là bị trừ điểm. Xôi được xếp lên mâm sơn son thếp vàng đường kính khoảng 80cm, chân cao 60cm, trên bề mặt mâm quây bằng ba vòng cót hoặc giấy bìa màu hồng, đai cao 20cm. Vòng đai làm bằng nan tre cật già, đan lóng hình hoa gấm. Xôi đơm đầy vào ba đai. Khi tháo đai nan tre ra thành cây xôi cỗ thiêng liêng, phần dưới đỏ hồng, phần trên thân trắng nuột nà.

Cây xôi cao nặng nên cần ít nhất bốn người khiêng, theo đoàn rước có sư tử, cờ ngũ hành, bát bửu, kiệu rước văn, kiệu thánh, kiệu rồng... Tiếp đến là đội tế, sau đó là bà con dân làng và khách thập phương. Đám rước từ nhà các ông Đầu Mấu, vòng qua các xóm Lò, xóm Hạnh, xóm Thượng, xóm Dưới, xóm Dộc rồi về đình tế lễ. Ban tổ chức chấm xôi thi của ba ông Đầu Mấu. Các xóm đều được nhận giải, rồi rước về miếu thụ lộc. Cây xôi thơm ngon báo hiệu cả làng gieo cấy được mùa, lúa, khoai, ngô đầy nhà, nhân khang, vật thịnh. Họ hàng, xóm giềng, làng xã đều phấn khởi, đoàn kết để bước vào một năm mới./.

...........................................................................
Chi: tức Lệ chi - quả vải, qua - quả dưa.
Làng Trôi (Đức Giang, Hoài Đức) thờ Lý Bí cho nên đọc chệch chữ bí là bầu.

Văn Hậu