Đời sống văn hóa

“Đệ nhất cổ tự” Cố đô Huế: Bảo vật Quốc gia “Đại hồng chung” với nghệ thuật đúc đồng tinh xảo, sắc nét (kỳ 2)

Hà Oai 28/12/2024 14:35

Bảo vật Quốc gia “Đại hồng chung” được chúa Nguyễn cho đúc năm 1710 để cúng dường đức phật có hình dáng cân đối với hoa văn được chạm trổ tinh vi sắc nét và là bảo vật Quốc gia Việt Nam.

Chùa Thiên Mụ không chỉ là ngôi cổ tự nổi tiếng với biểu tượng văn hóa và lịch sử của Việt Nam, của đất Thần Kinh (Thừa Thiên Huế) được xây dựng vào thế kỷ XVII dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà “Đệ nhất cổ tự” còn lưu giữ hai bảo vật Quốc gia Việt Nam.

Đại hồng chung là một pháp khí quan trọng được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc vào năm 1710 để cúng dường đức phật và được công nhận bảo vật Quốc gia Việt Nam năm 2013. Cụ thể, Đại hồng chung cao 240cm (thân cao 188cm, quai cao 52cm), đường kính miệng 140cm, đường kính thân 114,6cm và nặng 1.986kg. Đại hồng chung có hình dáng cân đối, hoa văn được chạm trổ tinh vi, sắc nét với đầu tiên từ trên xuống là phần quai chuông tạo hình con bồ lao 2 đầu quay ra 2 phía, 4 chân trước của bồ lao gắn với đỉnh chuông, thân bồ lao uốn cong, trên lưng là một bông sen như râu, mắt, vi, kỳ lưng và chân của bồ lao đều được chạm khắc rất tinh vi.

z6139492157322_5e470b6a5481acece6d98d19f56a9e7f.jpg
Bảo vật Quốc gia Đại hồng chung được bảo quản trong nhà chuông có hình lục giác.

Thân chuông trang trí nhiều hoa văn biểu thị tính tổng hợp, giữa đỉnh có một lỗ tròn nhỏ là nơi để thoát bớt sức ép của âm thanh mỗi khi đánh chuông nhằm tránh sự rạn vỡ thân chuông do tác động của âm thanh gây ra. Từ phần chân con bồ lao trở ra, có nhiều đường tròn nhỏ, thanh mảnh, bao quanh vai chuông và phân chia thân chuông thành nhiều phần trang trí khác nhau.

Phần thân chuông có những đường gờ trang trí chia thân chuông thành 4 ô đều nhau, mỗi ô có đúc nổi 4 chữ hán lớn. Cụ thể, ô thứ nhất có 4 chữ “Hoàng đồ củng cố”, ô thứ hai có khắc 4 chữ “Đế đạo hà xương”, ô thứ ba khắc 4 chữ “Phật nhật tăng huy” và ô thứ tư khắc 4 chữ “Pháp luân thường chuyển”. Dưới phần khắc chữ là một dải rộng 18cm tạo bởi 6 đường gờ nổi nhỏ song song bao quanh thân chuông và nối liền với bốn núm lớn (đường kính 20cm) là nơi đánh chuông được tạo hình mặt trời cách điệu với những cụm mây tỏa ra xung quanh có nhiều tầng, độ dài ngắn, đậm nhạt khác nhau.

z6139492124527_108765b096d0cddd71583f7bc273e2a3.jpg
Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ.

Phần kế tiếp phía dưới các núm tròn là dải các biểu tượng biểu trưng cho 8 quẻ trong bát quái “Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài” được đúc nổi trên thân chuông. Phía dưới dải biểu tượng của bát quái là các hình chạm nổi trong bộ bát bửu chạy quanh sát vành miệng chuông. Phần dưới cùng của thân chuông là một đường viền nhỏ, thanh với một dải hoa văn chấm tròn chạy quanh vành chuông và từ đường dải hoa văn này trở xuống là phần loe ra của miệng chuông chạm nổi văn thủy ba với 4 lớp sóng lớn, 3 lớp sóng nhỏ.

Ngoài ra, phần vai chuông kế tiếp trang trí 4 hình rồng và 4 hình chim phụng xen kẽ nhau. Hiện nay, Đại hồng chung được treo trên một giá đúc bằng bê tông sơn màu nâu giả gỗ trong nhà chuông có hình lục giác đều, mỗi cạnh có một cửa vòm.

z6139492148763_309da93cab576a857d73aa75a3ce1901.jpg
Quai chuông được tạo hình con bồ lao 2 đầu quay ra 2 phía.
z6139492119906_5167b592bb616596fac74f18b94d4464.jpg
Thân chuông được được chạm trổ hoa văn tinh vi, sắc nét.
z6139492130113_1c8cce55b036dfeebe66d15d847a7687.jpg
Miệng chuông chạm nổi văn thủy ba với 4 lớp sóng lớn, 3 lớp sóng nhỏ.

Theo Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế), Đại hồng chung được lưu giữ ở chùa Thiên Mụ là một trong những quả chuông chùa lâu đời và có giá trị nhiều mặt ở Cố đô Huế. Đây là công trình tiêu biểu về giá trị mỹ thuật trang trí cũng như hội tụ các nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng tinh xảo, đồng thời cũng đánh dấu sự phát triển của phật giáo Đàng Trong vào giai đoạn cuối thế kỷ XVII - XVIII./.

(Còn nữa)...

Hà Oai