Đời sống văn hóa

Di sản văn hóa:Nguồn cảm hứng nghệ thuật cho các không gian sáng tạo tại Thủ đô

Phương Lan 09:42 27/12/2024

Nằm trong lòng Thủ đô Hà Nội, các di sản văn hóa không chỉ là biểu tượng của quá khứ, mà còn là nguồn cảm hứng dồi dào cho các không gian sáng tạo, nơi nghệ thuật hiện đại gặp gỡ và giao thoa với truyền thống. Việc khai thác và phát huy nguồn lực di sản văn hóa cho xây dựng các không gian sáng tạo tại các điểm đến của Thành phố đã góp phần định vị thương hiệu sáng tạo của Hà Nội và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Hà Nội là nơi tập trung số lượng đáng kể các di tích lịch sử văn hóa, từ những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước, đến các di tích lịch sử tín ngưỡng, tôn giáo, như các nhà thờ, chùa, đền, miếu… Theo báo cáo của Sở Du lịch Thành phố Hà Nội năm 2022, trên địa bàn thành phố có 5922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1160 di tích quốc gia, 1456 di tích cấp Thành phố… và có tới 1972 danh mục di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lớn.

tour-dem-hoang-thanh-thang-long..jpg
Tour đêm Hoàng thành Thăng Long.

Bám sát Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội đã và đang phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị của các di sản văn hóa mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Kể từ khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (tháng 10/ 2019), Hà Nội đã cam kết với UNESCO thực hiện 6 sáng kiến với 2 cấp độ địa phương và quốc tế. Một trong ba sáng kiến Hà Nội cam kết thực hiện ở cấp địa phương là “Xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo”. Để triển khai các sáng kiến cam kết, năm 2022, 2023 Hà Nội đã ban hành các kế hoạch thực hiện các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với 8 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ mở rộng mô hình chuyển đổi, cải tạo, tái hiện, phát triển các di sản văn hóa (di sản công nghiệp, di sản đô thị, di sản kiến trúc, di sản ký ức, các thiết chế văn hóa...) trở thành các không gian sáng tạo. Theo kế hoạch, Hà Nội tập trung xây dựng các không gian sáng tạo điểm đến trên cơ sở các thiết chế ngành văn hóa như Bảo tàng Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát múa rối Thăng Long…

trien-lam-tranh-dan-gian-trong-gen-z.jpg
Triển lãm tranh “Dân gian trong gen Z”

Những năm vừa qua, thành phố đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm mở rộng các không gian sáng tạo gắn với các di sản văn hóa. Những công trình kiến trúc cổ xưa như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long hay Nhà thờ Lớn Hà Nội không chỉ là biểu tượng của Hà Nội mà còn là những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của nhân loại. Mỗi viên gạch, mỗi họa tiết đều mang trong mình một phần lịch sử, một phần tâm huyết của các nghệ nhân. Các nghệ sĩ hiện đại thường tìm thấy cảm hứng từ những hình ảnh này để tạo ra các tác phẩm mang tính đương đại. Nhiều nghệ sĩ trẻ đã sử dụng hình ảnh các công trình này làm nền cho các tác phẩm nghệ thuật thị giác, từ tranh vẽ cho đến điêu khắc. Những sản phẩm này không chỉ đơn thuần tái hiện hình ảnh di sản mà còn mang lại cái nhìn mới mẻ, sáng tạo hơn về vẻ đẹp văn hóa truyền thống.

Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều hoạt động phong phú, sinh động như chương trình giáo dục di sản, triển lãm, trưng bày, cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đã góp phần làm cho giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Một số hoạt động có thể kể đến như: Đối thoại Thư pháp và Graffiti (2022); Talkshow“Ứng dụng chất liệu văn hóa trong sáng tạo nghệ thuật” (2023); “Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - Vietnam Design Week 2023” (Lần thứ 4 năm 2023); Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Chương trình “Tinh hoa đạo học” (hoạt động ứng dụng công nghệ 3D Mapping, năm 2023); Triển lãm tranh “Dân gian trong gen Z” (2024); Triển lãm tranh “Sĩ tử” với các workshop và talkshow trải nghiệm (2024); Trưng bày “Khơi nguồn đạo học” (2024);…

van-mieu-quoc-tu-giam-khong-gian-sang-tao-thu-hut-nhieu-cong-chung.jpg
Văn Miếu Quôc Tử Giám - không gian sáng tạo thu hút nhiều công chúng.

Hay tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng diễn ra rất nhiều các hoạt động sáng tạo như: Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” (2021 - 2024); Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội (2023, 2024); Không gian trưng bày “Báu vật hoàng cung Thăng Long” (sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo các hiện vật của khu di sản) (2023, 2024); Triển lãm tranh sơn mài “Dấu thiêng“ (2024); Trưng bày chuyên đề “Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất” (công nghệ trình chiếu 3D mapping, 2024)…

Không chỉ có di sản vật thể, Hà Nội còn nổi tiếng với những giá trị văn hóa phi vật thể như âm nhạc, múa và lễ hội. Nhiều nghệ sĩ đã sáng tác các bản phối mới, kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo, hấp dẫn. Những bản nhạc remix hay các tiết mục biểu diễn sáng tạo đã thu hút sự chú ý của giới trẻ, mang lại sức sống mới cho âm nhạc dân tộc. Lễ hội truyền thống cũng là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của Hà Nội. Đây không chỉ là dịp để người dân gặp gỡ, sẻ chia, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật. Các hoạt động trong lễ hội, các trò chơi dân gian đều được các nghệ sĩ khai thác và trình diễn lại một cách sáng tạo. Những hình ảnh sống động từ lễ hội không chỉ lưu giữ bản sắc văn hóa mà còn trở thành nguồn tư liệu phong phú cho các hoạt động nghệ thuật đương đại. Qua đó khẳng định vị trí của di sản văn hóa trong đời sống nghệ thuật hôm, góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo trong nghệ thuật.

Một trong những điều thú vị khi nói về di sản văn hóa và nghệ thuật sáng tạo ở Hà Nội là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Nhiều nghệ sĩ đã thành công trong việc kết hợp các yếu tố truyền thống vào các tác phẩm hiện đại, tạo ra những sản phẩm độc đáo. Ví dụ, việc sử dụng các hình thức nghệ thuật truyền thống như tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại đã tạo ra một làn sóng mới trong nghệ thuật Việt Nam. Sự kết hợp này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có sức hấp dẫn lớn đối với thế hệ trẻ, chứa đựng những thông điệp xã hội sâu sắc, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo tồn di sản văn hóa.

Có thể khẳng định, di sản văn hóa của Hà Nội là một nguồn tài nguyên vô giá, không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật. Việc kết hợp giữa di sản và nghệ thuật hiện đại không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, mở ra những hướng đi mới cho nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Với bề dày lịch sử và văn hóa, Hà Nội sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại hòa quyện trong một bức tranh nghệ thuật đa sắc màu./.

Phương Lan