Văn hóa – Di sản

Hiện thực hóa ước mơ từ cổ phục

Cát Tường 07:08 25/12/2024

Trong Lễ hội thiết kế sáng tạo 2024 có một show diễn thời trang khiến tất cả công chúng trong và ngoài nước đều đắm mình chiêm ngưỡng. Đó là chương trình “Kế vãng khai lai 2024” - Nhìn lại sử Việt qua trang phục do thương hiệu Vạn Thiên Y thực hiện. Theo đuổi ước mơ bảo tồn di sản, nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga (biệt danh Coco, sinh năm 1988) - người sáng lập thương hiệu này đã cùng với các cộng sự đã quyết liệt, dấn thân vào cổ phục để làm sống lại những nét đẹp của mỹ thuật, văn hóa Việt.

img_7635.jpg

Chọn cổ phục để đi sâu vào di sản văn hóa

Trước khi “khai sinh” Vạn Thiên Y, dù yêu thích, trăn trở với văn hóa Việt nhưng Nga thuộc tuýp an toàn, không muốn xông pha hay ràng buộc mình vào một đam mê. Tốt nghiệp khoa Thiết kế thời trang, trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, cô vẫn được vùng vẫy trong khoảng trời thời trang với vai trò trợ lý cho một doanh nhân người Tây Ban Nha ở thương hiệu Chula. Diego - sếp của Nga là một người đặc biệt khi ông coi Việt Nam như quê hương thứ 2, “là người mà Việt Nam hơn cả tôi”.

“Biết khả năng và dự định ấp ủ về di sản văn hóa Việt của tôi, nhiều lần Diego tạo điều kiện và muốn tôi dấn thân thực hiện. Diego nói rằng người ngoại quốc dù có đam mê, dày công nghiên cứu văn hóa Việt Nam đến mấy thì vẫn có độ “vênh” nhất định, chỉ những người con đất Việt mới là những người hiểu nguồn cội văn hóa Việt sâu sắc nhất. Nhưng tôi vẫn chần chừ, chỉ thực sự được thúc đẩy sau khi Diego nói: “Bạn thực sự đang sống hay chỉ tồn tại thôi?”. Đúng vào đêm hôm đó, sau khi nhắn tin cho tôi, Diego đột ngột qua đời”, Nga chia sẻ.

6e5d6ff6-e581-4b9e-b437-39e43c1e769f.jpg

Lễ tang của người sếp và cũng là người bạn tâm giao mang đến cho Nga nhiều suy ngẫm về giá trị cuộc sống. Cô quyết “thử liều một phen” và gọi tên ước mơ của mình. Ước mơ của Nga là tìm về với những giá trị cội nguồn, tham gia bảo tồn di sản văn hóa của đất nước ngàn năm văn hiến. Và cổ phục chỉ là thứ bắt đầu để Nga hiện thực hóa ước mơ đó. “Hình ảnh luôn là thứ đầu tiên chúng ta chú ý vào người khác, vậy nên tôi muốn chọn làm cổ phục trước. Rồi từ cổ phục, chúng tôi sẽ làm những dự án nghệ thuật về văn hóa như âm nhạc, điện ảnh, nghi lễ, hoạt động nghiên cứu…”, Nga vạch rõ hướng đi.

Với kế hoạch rõ ràng, Nga công bố thương hiệu Vạn Thiên Y chính thức vào ngày 8/1/2023. Cô quyết tâm sẽ tạo dựng một môi trường để bản thân vừa làm vừa học, thu hút những câu chuyện liên quan đến di sản; và cũng là nơi để những bạn trẻ tìm hiểu, có đà để thực hành ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa. Phong cách làm việc của Nga luôn là làm cái gì cũng phải chỉn chu, bài bản nên không chỉ theo đuổi đam mê đơn thuần mà còn gắn cùng bài toán kinh doanh.

image1.jpg
Chủ yếu, các bộ trang phục cổ trong bộ sưu tập này được nghiên cứu, lấy cảm hứng từ cổ phục thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Ảnh: Quỳnh Như

“Càng đào sâu vào văn hóa Việt Nam, tôi càng thấy choáng ngợp về độ rộng lớn, bao la. Từ chất liệu đến hoa văn, họa tiết đến cách chế tác của cổ phục Việt đều vô cùng tuyệt vời. Nhưng theo thời gian, những giá trị này lại đang mai một nên tôi mong muốn được góp sức mình, dùng những thế mạnh của người trẻ về công nghệ thông tin, khả năng kết nối để đưa những giá trị văn hóa truyền thống sẽ đến gần với đời sống thực tiễn hơn chứ không chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu. Tôi cũng xác định muốn được xã hội, mọi người công nhận, phải tạo dựng cho các sản phẩm một đời sống, có giá trị và sức lan tỏa bền vững”, Nga nói về triết lý công việc.

Vận dụng kinh nghiệm điều hành công ty, những kết nối trong ngành thời trang, ngoại giao, Nga đã chèo lái con thuyền Vạn Thiên Y căng buồm ra khơi mạnh mẽ. Năm 2023, Vạn Thiên Y được lựa chọn đồng hành cùng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) trong chuỗi sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài tại các quốc gia Nam Phi, Pháp, Nhật Bản. Năm 2024, các sản phẩm mang dấu ấn văn hóa truyền thống Việt của Vạn Thiên Y tiếp tục lan tỏa tới Dubai, Brazil…

Công bố thương hiệu chưa tròn 2 năm nhưng các sản phẩm Vạn Thiên Y đã đồng hành cùng Lễ hội thiết kế sáng tạo 4 năm liền và đã xuất hiện trong các dự án giáo dục di sản tại một số trường đại học, cao đẳng và THPT… Các chương trình nghệ thuật do Vạn Thiên Y thực hiện rất đa dạng hình thức từ trưng bày, trình diễn thời trang, sử dụng trang phục trong các show hoạt cảnh, múa, âm nhạc…; Vạn Thiên Y cũng có một phòng trưng bày cổ phục tại Hoàng thành Thăng Long, cung cấp trang phục cho các nghi lễ truyền thống…

Khát khao lan tỏa giá trị di sản văn hóa

Để tạo ra một bộ cổ phục hoàn chỉnh, cần trải qua năm công đoạn gồm dệt vải, nhuộm màu, phơi khô, tạo kiểu và cắt may. Với định hướng trở thành một đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, phát triển văn hóa truyền thống, Vạn Thiên Y ưu tiên sử dụng chất liệu của người Việt như lụa Nha Xá, Vạn Phúc, Mã Châu… Đặc biệt một số loại vải lụa được đặt dệt riêng mang họa tiết hoa văn cổ, được đội ngũ tìm tòi nghiên cứu và phục dựng lại. Có những triều đại rất hiếm tư liệu được lưu giữ, Nga và cộng sự phải dày công nghiên cứu tài liệu liên quan như tượng, tranh… để tìm hiểu niên đại, xác định kiểu dáng của cổ phục.

Những chiếc Long bào đại triều phục (được nhà vua mặc trong các buổi thiết triều), áo Nhật bình đỏ thêu họa tiết song phượng (được quy định là trang phục dành cho hậu phi và các công chúa), áo Lập lĩnh ngũ thân tay chẽn (loại trang phục phổ biến nhất vào thời Nguyễn vì cả giới quý tộc lẫn thường dân đều có thể mặc)... tinh xảo lần lượt được Vạn Thiên Y cho ra mắt. Bên cạnh hoạt động trưng bày, Vạn Thiên Y thực hiện nhiều hoạt động trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa Việt qua trang phục như mặc thử cổ phục, chụp ảnh với cổ phục đã mang đến những cảm xúc vô cùng vui thích, xúc động cho khách hàng trong và ngoài nước.

imag1e.jpg
Công chúng được mãn nhãn với các bộ trang phục mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Ảnh: Quỳnh Như

Tuy nhiên, phía sau những bước tiến trong kinh doanh, Nga và các cộng sự vẫn gặp phải không ít khó khăn. Bởi bản chất cổ phục là một thị trường ngách, việc kinh doanh không dễ, mỗi sản phẩm đều phải đầu tư lớn, trang phục có nguy cơ hao hụt, bẩn, cũ… sau khi cho mượn. “Có những mẫu vải muốn may đúng như triều đại ngày trước thì không còn tìm được. Hay có những bộ đồ thêu tay đầu tư vài trăm triệu nhưng hiệu quả kinh tế không nhiều. Nhiều trang phục cầu kỳ, muốn làm đến nơi đến chốn đòi hỏi chi phí rất lớn, có khi lên đến tiền tỷ nhưng nguồn lực tài chính chúng tôi lại có hạn”, Nga cho biết.

Ngoài ra, một khó khăn khác khi làm về cổ phục là việc thu thập tư liệu. Anh Nguyễn Văn Hiệu - Trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm Vạn Thiên Y cho biết: “Đối với cổ phục, yếu tố lịch sử luôn phải đặt lên đầu. Quá trình nghiên cứu phải có thực chứng, các sản phẩm phải bám tư liệu gốc sát nhất có thể. Thường thì chúng tôi thu thập qua rất nhiều nguồn, từ hiện vật tại các di tích, hình ảnh, sách cho đến các ghi chép trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn thông tin bản địa. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo ý kiến từ các nhà văn hóa, nhà khảo cổ, nhà phê bình”.

Cũng theo anh Nguyễn Văn Hiệu, theo độ dày của tư liệu lịch sử, các sản phẩm của Vạn Thiên Y đi ngược theo dòng chảy lịch sử thời gian từ thời gần nhất lùi dần về sau, từ thời Nguyễn, Lê, Trần, Lý… Hiện tại, thương hiệu có khoảng 500 - 600 sản phẩm, trong đó các sản phẩm thời Nguyễn, thời Lê nhiều nhất. Những sản phẩm cổ phục luôn đặt tiêu chí hài hòa giữa hai yếu tố nghiên cứu và ứng dụng, thổi hồn đương đại vào giá trị mỹ thuật cổ. Có những dòng sản phẩm sâu, phục dựng lại hoàn toàn hoặc giống tối đa với bản gốc. Lại có những áo có sản phẩm ứng dụng ít như hoa văn, họa tiết, hình dáng… Các trang phục ngoài trưng bày, cho thuê còn có dịch vụ bán sẵn, may đo.

Trái ngược với quan điểm cho rằng giới trẻ Việt Nam đang yêu thích trang phục nước ngoài hơn Việt Nam, Nguyễn Thị Nga cho hay lực lượng đông đảo nhất lan tỏa tinh thần cổ phục ra công chúng của Việt Nam hiện nay chính là giới trẻ. “Có những người bắt đầu mặc rồi thích, nghiên cứu sâu. Có những người viết bài, quay video, chụp ảnh, làm về văn hóa, lịch sử, ứng dụng cổ phục vào các câu chuyện di sản. Có những người ban đầu mua 1-2 sản phẩm rồi lan tỏa cho gia đình, bạn bè. Thậm chí có người còn chọn cổ phục trong đám cưới của mình… Chính những điều này đã tạo ra một đời sống thực sự cho cổ phục”, Nga nói.

Nga cũng thẳng thắn chia sẻ nếu các bạn trẻ chưa yêu thích cổ phục thì là “do trách nhiệm của mình”. Bản thân cô tự đặt ra yêu cầu phải làm cho các bạn trẻ nói riêng, cộng đồng nói chung cảm thấy cổ phục đẹp, thực sự yêu thích và muốn được khoác cổ phục Việt lên người. Cô mong rằng mỗi người chung tay góp sức, tinh thần lan tỏa để cổ phục sẽ có đời sống mạnh mẽ hơn, từ đó thêm nhiều người yêu văn hóa Việt, tìm về với tiếng vọng lịch sử ngàn năm./.

Cát Tường