Văn học - Nghệ thuật

Văn chương từ góc nhìn của những nhà văn là người khuyết tật

Linh Nguyễn 19/12/2024 13:53

Hội thảo “Viết từ và vượt “giới hạn” cơ thể” diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội tối ngày 18/12 đã mở ra một cuộc trò chuyện sôi nổi về văn chương từ góc nhìn của những nhà văn là người khuyết tật.

Trong trường hợp tác giả văn chương là người khuyết tật, họ thường được tiếp cận theo một khuôn mẫu câu chuyện điển hình như hành trình vượt qua nghịch cảnh, vai trò của văn chương như “liều thuốc chữa lành”,… Những khuôn mẫu này có thể trói buộc các nhà văn, và một mặt khác, giới hạn cách hiểu khi tiếp nhận một tác phẩm văn chương viết bởi một nhà văn là người khuyết tật. Từ vấn đề này, Viện Goethe Hà Nội đã chủ trì sự kiện trò chuyện thú vị: “Viết từ và vượt những “giới hạn” của cơ thể”.

dien-gia-eva-eikhout-va-nguyen-thi-kim-hoa-cung-tro-chuyen-voi-su-dieu-phoi-cua-quyen-nguyen-2(1).jpg
Từ trái sang phải: nhà văn Eva Eikhout (đến từ Hà Lan) và Nguyễn Thị Kim Hòa (đến từ Việt Nam) - dưới sự điều phối của tiến sĩ văn học Anh Quyên Nguyễn cùng chia sẻ về góc nhìn, quan điểm văn chương. Ảnh: Goethe-Institut Hà Nội

Trong khuôn khổ của sự kiện, hai nhà văn Eva Eikhout (đến từ Hà Lan) và Nguyễn Thị Kim Hòa (đến từ Việt Nam) - dưới sự điều phối của tiến sĩ văn học Anh Quyên Nguyễn đã cùng nhìn lại hành trình văn học, những điều truyền cảm hứng để họ xây dựng ý tưởng và bắt đầu cầm bút, quan niệm văn chương, những ảnh hưởng của trải nghiệm thân thể và văn hóa đến góc nhìn văn chương của mỗi người.

Có thể thấy, một trong những cách tiếp cận với các tác phẩm văn chương phổ biến là thông qua việc đi tìm hiểu tiểu sử của tác giả. Nhưng cả Eva Eikhout dù bị cụt cả 2 tay, 2 chân và Nguyễn Thị Kim Hòa dù bị liệt tay phải vẫn đều là những tác giả đã lựa chọn hành trình viết vượt khỏi giới hạn cơ thể. Nếu Eva viết câu chuyện về bản thân mình nhưng luôn xây dựng một thế giới đời thường với đầy đủ những vui vẻ, hóm hỉnh thì Kim Hòa lại lựa chọn một thế giới để gửi gắm ước mơ, hy vọng trong những số phận nhân vật trong những tác phẩm của mình…

khan-gia-tham-gia-dat-cau-hoi(1).jpg
khong-khi-tai-su-kien2(1).jpg
Sự kiện thu hút đông đảo các độc giả, những người quan tâm đến thế giới văn chương dành cho người khuyết tật tham gia. Ảnh: Goethe-Institut Hà Nội

Phần chia sẻ của các diễn giả tại sự kiện đã tái khẳng định lại thông điệp: Trải nghiệm của việc là người khuyết tật có thể không phải là một chướng ngại cần phải vượt qua trên hành trình văn chương. Đó có thể là một nguồn cảm hứng, đưa đến cho mỗi người một góc nhìn khác biệt về thế giới.­­­­

Phần hỏi đáp của sự kiện cũng mở ra thêm nhiều góc nhìn thú vị, sâu rộng về chủ đề “Viết từ và vượt “giới hạn” cơ thể” khi có nhiều độc giả là những người khuyết tật đang quan tâm hoặc có nhu cầu được kể câu chuyện của họ với thế giới. Những rào cản được nhắc đến là họ không biết bắt đầu từ đâu, khác biệt và hạn chế về ngôn ngữ viết, khó khăn khi tiếp cận văn bản đọc cho đến câu hỏi lớn cuộc sống như thế nào là cuộc sống có hy vọng… Câu trả lời của những diễn giả đã tháo gỡ phần nào vướng mắc, tiếp thêm động lực để mỗi người đi tiếp trên hành trình của mình.

Hội thảo kết lại với sự mong đợi trong tương lai sẽ có thêm nhiều những những tác phẩm văn chương dành cho cộng đồng người khuyết tật truyền tải được đúng góc nhìn họ chờ đợi: Thay vì tập trung vào những khiếm khuyết, thần thánh hóa những số phận thì hãy truyền tải những cuộc sống với đầy đủ cung bậc cảm xúc như một người bình thường. Từ đó, văn chương có thể tạo nên một xã hội mà mỗi người đều có không gian để kể câu chuyện của mình, ai cũng được bao hàm, là một phần tạo nên sự đa dạng trong thế giới này.

Eva Eikhout là nhà sản xuất chương trình và người dẫn chương trình người Hà Lan của tổ chức truyền thông BNNVARA, và cũng là người điều phối sự kiện và diễn giả truyền cảm hứng.
Vào mùa xuân năm 2024, tác phẩm đầu tay của cô, “This Is Not a Book by a Girl Without Arms & Legs” (Đây không phải là cuốn sách của một cô gái không có tay và không có chân) đã được xuất bản. Eva đảm đương các cột báo (chuyên mục) hằng tuần cho nhiều tạp chí/ ứng dụng/ mạng xã hội ở Hà Lan, và đã từng làm biên tập viên khách mời.

Nguyễn Thị Kim Hòa nhà văn đến từ vùng đất “tiểu sa mạc” Ninh Thuận. Chị bắt đầu tham gia sáng tác năm 25 tuổi, viết nhiều về phụ nữ và trẻ em. Cho tới nay Nguyễn Thị Kim Hòa đã in 15 quyển sách (trong đó có 8 quyển cho thiếu nhi) và có một số giải thưởng văn chương. Một số sáng tác của chị đã được đưa vào giảng dạy ở nhà trường. Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ bản thân chị vẫn đang dùng văn chương để được sống nhiều cuộc đời trong một kiếp người./.

Linh Nguyễn