Âm nhạc

Lan tỏa giá trị văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản

Hương Giang 15/12/2024 17:34

Ngày 14/12, Tại Viện Âm nhạc Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Văn Hoá, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) phối hợp cùng Trường Đại học Việt – Nhật – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Dịch và dịch ca từ Việt – Nhật” và “Liên hoan dân ca Việt – Nhật” lần thứ II.

c0.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tham dự hội thảo có: bà Kamitani Naoko, Bí thư thứ Nhất- Trưởng Ban Báo chí và Văn hóa-Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Ông Yoshioka Norihiko- Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam; ông Imagawa Muneki - Trưởng Ban Giáo dục tiếng Nhật, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam thuộc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản; GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật- Đại học QGHN; Ông Nghiêm Vũ Khải, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị VN Nhật Bản; PGS. TS. Ngô Minh Thủy- Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học...

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Ngô Minh Thủy - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) cho biết: Trong các loại hình văn hóa, nghệ thuật thì âm nhạc nói chung và bài hát nói riêng dễ đi vào lòng người nhất, dễ nhớ nhất và dễ giúp mọi người gắn kết nhất. Không dân tộc nào lại không có bài hát hoặc không hát. Chính vì vậy, những người vừa làm công tác nghiên cứu văn hóa- ngôn ngữ- giáo dục vừa yêu văn hóa- nghệ thuật- âm nhạc luôn mong muốn thúc đẩy việc dịch lời bài hát của các quốc gia. Đặc biệt là các bài dân ca mà bà Thuỷ cho rằng chứa đựng nhiều nhất tinh hoa văn hóa của mỗi dân tộc.

c2.jpg
PGS. TS. Ngô Minh Thủy - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF).

"Chính vì lẽ đó, trong các hoạt động của mình, bên cạnh việc nghiên cứu văn hóa- ngôn ngữ và giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và các chương trình, học liệu ngoại ngữ, Viện CLEF dành sự quan tâm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển lĩnh vực dịch thuật văn hóa- văn học, đặc biệt là ca từ. Việc nghiên cứu này luôn đi kèm với hoạt động giao lưu, quảng bá hai chiều các bài hát của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới riêng với lĩnh vực tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản,...

Chúng tôi rất vui mừng và cảm động vì luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan Nhật Bản và Việt Nam, của các trường đại học. Đặc biệt, chúng tôi rất biết ơn khi Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam thuộc Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản đã không chỉ phối hợp, đồng hành mà còn hỗ trợ một phần tài chính cho các hoạt động nghiên cứu, biên soạn sách hoặc giao lưu văn hóa- giáo dục Việt Nhật của Viện trong 4 năm qua.

PGS. TS. Ngô Minh Thủy - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF)

Dịch thuật là một lĩnh vực không thể thiếu trong hoạt động xã hội. Đó là một công việc đòi hỏi rất cao về năng lực của người thực hiện, bởi để dịch tốt, người làm công tác dịch thuật phải sử dụng thành thạo và hiểu biết sâu sắc cả ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích, phải có những kỹ năng chuyên biệt của nghề dịch thuật, đồng thời cần có vốn kiến thức rất sâu và rộng về các vấn đề liên quan của hai quốc gia.

Đối với những quốc gia có mối quan hệ hợp tác khăng khít, sâu rộng như Nhật Bản và Việt Nam, công tác dịch thuật càng có tầm quan trọng. Mặc dù số lượng người học tiếng Nhật ở Việt Nam ngày càng tăng, mặc dù số người Việt Nam ở Nhật ngày càng nhiều, mặc dù các công cụ trực tuyến như google, AI v.v. ngày càng được cải thiện, nhu cầu dịch thuật Việt Nhật/ Nhật Việt vẫn luôn ở mức rất cao cả về số lượng của công việc lẫn chất lượng dịch thuật.

Dịch giả được coi là những đại sứ văn hóa, bởi họ kết nối các nền văn hóa với nhau. Và nhiều người gọi dịch giả là nghệ nhân dịch thuật, nhưng thực sự thì các dịch giả văn học còn hơn cả những nghệ nhân, bởi nghệ nhân thì có thể tự do tạo nên tác phẩm của mình mà hầu như không bị bó buộc bởi điều gì, trong khi các dịch giả văn học vừa phải đảm bảo tính chính xác của văn bản và lưu giữ được ở mức cao nhất sắc thái của tác giả trong bản gốc, vừa phải làm sao cho bản dịch của mình cũng là một sản phẩm sáng tạo, phải là một tác phẩm hay- tức là họ cần sáng tạo trong một phạm vi, một khuôn khổ nhất định, bà Thuỷ cho hay.

c3.jpg
Diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học đã trao đổi học thuật trong lĩnh vực dịch thuật nói chung, dịch thuật lời bài hát Việt – Nhật nói riêng, qua đó thúc đẩy việc học tập và nghiên cứu văn hóa - ngôn ngữ Việt Nam và văn hóa - ngôn ngữ Nhật Bản. Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục Nhật Bản và Việt Nam cùng với các giảng viên và sinh viên đang dạy và học tiếng Nhật. Một số khách mời là đại diện các cơ quan văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, diễn giả Việt Nam và Nhật Bản đã trình bày 6 tham luận, đó là: “Bốn cấp độ của dịch thuật: trường hợp dịch ca từ Nhật – Việt” của nhà nghiên cứu, dịch giả Ngô Tự Lập, hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Nguyên Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN.

“Kiến thức văn hoá - xã hội và tiếng Việt: yếu tố quan trọng trong dịch thuật Nhật - Việt” của PGS.TS. Ngô Minh Thủy, Viện trưởng CLEF, Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Ngữ, ĐHQGHN.

“Dịch ca từ” của GS. Terasaki Katsushi, Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Keio; Giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Ngoại ngữ, Đại học Doji; Giáo sư danh dự tại Đại học Mejiro.

“Chia sẻ một số kinh nghiệm và bài học rút ra từ công việc phiên dịch” của Ông Phạm Hưng Long, Nguyên Phó trưởng khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội.

“Vài nét nghiên cứu và giới thiệu dân ca Việt Nam tại Nhật Bản” của GS. Shine Toshihiko, Đại học Tư thục Tōyō (ACRI-TOYO).

“Sự khác nhau trong cách thể hiện ca khúc Việt - Nhật” của Bà Dương Thùy Linh, Thạc sĩ chuyên ngành xã hội học trường Đại học Saga Nhật Bản; Giám đốc đào tạo Công ty Haio Education.

c1.jpg
Liên hoan dân ca Việt – Nhật” lần thứ II.

Tiếp nối hội thảo là Liên hoan dân ca Việt – Nhật lần thứ II. Liên hoan giới thiệu các bài dân ca đặc sắc của Việt Nam tới khán giả Nhật Bản cũng như các bài dân ca đặc sắc của Nhật Bản tới khán giả Việt Nam.

Các bài hát do hai dịch giả Ngô Tự Lập và Shine Toshihiko thực hiện với nguyên tắc không chỉ trung thành về nghĩa, mà còn phải phù hợp với giai điệu để hát và chuyển tải được vẻ đẹp văn chương của nguyên bản.

Tất cả 18 bài dân ca đều được trình bày song ngữ với các giọng ca Nhật Huyền, Trần Ngọc Bảo, Quốc Huy, Nguyễn Đức, Dương Linh, Lê Ngọc, Thu Hương, Thanh Hiền và Ban nhạc Sông Ngân. Chương trình có sự hợp tác và cố vấn của Nhóm tác giả M6 (Giáng Son, Nguyễn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trần Đức Minh, Nguyễn Lê Tâm, Ngô Tự Lập).

Trên tinh thần tiếp nối những giá trị và thành tựu đã đạt được, Hội thảo “Dịch và dịch ca từ Việt – Nhật” và “Liên hoan dân ca Việt – Nhật” lần thứ II tại Hà Nội được tổ chức đã tăng cường kết nối, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước và góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản./.

Hương Giang