Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước mang lại, các cây bút trẻ thời nay - những người luôn ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm của bản thân với đất nước - một lần nữa làm sống lại hình tượng đất nước trong văn chương.
Hướng về lịch sử bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc
Để đất nước hòa bình, thống nhất và phát triển như hôm nay, biết bao thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, xếp những giấc mộng riêng tư nhất của đời mình để lên đường làm tròn bổn phận với non sông. Những tưởng hình ảnh đất nước trong những ngày chiến tranh gian khó đã ngủ yên trong những trang văn ra đời vào thế kỷ XX. Nhưng không, những trang viết về đất nước trong mưa bom bão đạn vẫn xuất hiện mà cội nguồn chính là cảm hứng hướng về lịch sử, nhận thức lại lịch sử và tấm lòng biết ơn sâu sắc của những cây bút trẻ.
Liệt sĩ Lê Đình Chinh - người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 từng chia sẻ:“Không sợ kẻ thù, chỉ sợ bị lãng quên”. Với người trẻ may mắn khi không phải sống trong những ngày khói lửa, hình dung về chiến tranh đã khó, viết về chiến tranh lại càng khó hơn. Bởi họ chưa từng kinh qua chiến tranh, chưa có những trải nghiệm nhất định, trong khi văn học đòi hỏi những trải nghiệm quý báu. Ấy vậy, tiếng “Tổ quốc” vẫn cứ thổn thức trong sáng tác của họ. Bằng những cách khác nhau, các cây bút trẻ đã tiếp cận với lịch sử dân tộc, với những người đã sống trong thời kỳ chiến tranh lẫn hòa bình, những người mang trên mình những vết sẹo và một tâm hồn bị tổn thương nặng nề.
Tuy chưa để lại tiếng vang như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh hay “Mưa đỏ” của Chu Lai; song những tác phẩm viết về đất nước thời chinh chiến bởi các cây bút trẻ ở thế kỷ XXI vẫn phần nào làm sống dậy tinh thần của một giai đoạn đầy thử thách đã qua, đánh thức trong mỗi độc giả tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào mãnh liệt với bề dày lịch sử, cũng như truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh. “Cửa sổ phía Đông” của Nguyễn Thị Kim Hòa, đạt giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ VI, khắc họa tình cảnh con người sống thời hậu chiến vẫn không thôi day dứt, ám ảnh bởi chiến tranh. Chiến tranh với hình ảnh đất nước điêu tàn, những em bé nhiễm chất độc dioxin, những cánh đồng còn bom mìn chưa nổ hết... tất cả hiện ra sống động và nguyên vẹn đớn đau trên trang viết của Nguyễn Thị Kim Hòa. Trước đó, tác giả này đã từng thành công với “Đỉnh khói” - tập truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh, góp phần đưa tên tuổi của chị đến gần hơn với độc giả.
Cùng trong âm vọng của đất nước những ngày chiến tranh khốc liệt, không thể không kể đến những sáng tác của Nguyễn Đình Tú mà tiêu biểu nhất là hai tiểu thuyết: “Hoang tâm” - viết về chiến tranh biên giới Tây Nam và “Xác phàm” - viết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Cái hay của Nguyễn Đình Tú khi viết về thời khói lửa là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất kỳ ảo và hiện thực, khiến chiến tranh hiện ra vừa chân thực đến từng chi tiết, vừa có sức khái quát cao. Một số tác giả trẻ khác cũng thể nghiệm thành công với đề tài này có thể kể đến: Phong Điệp (truyện ngắn “Chuyến đêm”), Đoàn Dũng (truyện ngắn “Âm thanh của ký ức”), Đinh Phương (tập truyện ngắn “Đợi đến lượt”), Huỳnh Trọng Khang (tiểu thuyết “Những vọng âm nằm ngủ”, “Mộ phần tuổi trẻ”), Thương Hà (tiểu thuyết “Vùng biên không yên tĩnh”), Hồ Kiên Giang (tập truyện ngắn “Trên núi Tưk-cot”)... Điểm gặp gỡ ở những cây bút này là sự bình tĩnh, khách quan, đa chiều cùng khát vọng nhận thức lại chiến tranh và người lính; đồng thời, sự vận dụng thành công những kỹ thuật sáng tác mới, dấu ấn hiện đại và hậu hiện đại đã giúp các tác giả “khoác tấm áo mới” cho một đề tài không mấy xa lạ.
Hướng về biển đảo với niềm tự hào vô tận
Biển đảo là phần máu thịt không thể tách rời của mẹ Việt Nam, và cũng là vùng chưa bao giờ được thật sự “yên tĩnh”, dù cho đất nước đã hòa bình, đã hội nhập và phát triển. Biết bao người trẻ đã rời gia đình, quê hương, vượt trùng khơi ra đảo xa đêm ngày canh giữ; biết bao cây bút trẻ thổn thức bởi tiếng biển dạt dào, viết về biển đảo như một cách để khẳng định chủ quyền dân tộc và gọi thức lòng yêu nước cùng trách nhiệm trong độc giả.
Tiếp nối sự thành công và mạch nguồn cảm hứng của các tác giả đi trước như Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Phan Quế Mai... các cây bút trẻ đã thể hiện tình yêu biển đảo trong sáng tác mới, ở nhiều thể loại khác nhau. Năm 2008, Nguyễn Xuân Thủy - nhà văn đầy triển vọng và nhiệt huyết với văn chương - cho ra mắt tiểu thuyết “Biển xanh màu lá”.
Hình tượng người lính biển hiện lên sống động và chân thực, từ cuộc sống vất vả, gian nan trên vùng lãnh hải của Tổ quốc đến đời sống tâm hồn, ý chí kiên trung, dũng cảm của họ. Chiến tranh đi qua, đất nước bước vào kỷ nguyên mới với bao thách thức lẫn kỳ vọng, nhiều tác giả lựa chọn trường ca như một “đại trữ tình” để thể hiện những chiêm nghiệm mới về lịch sử biển đảo, ngợi ca hình ảnh người chiến sĩ hải quân. Có thể kể đến “Sóng trầm biển dựng” của Đoàn Văn Mật hay “Ngang qua bình minh” của Lữ Mai… Đặc biệt, trường ca “Ngang qua bình minh” của nhà thơ trẻ Lữ Mai gắn liền với hình tượng người chiến sĩ nhà giàn, người chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ. Một lần nữa, cảm hứng sử thi của văn học thời chiến lại ngùn ngụt trong những áng trường ca thời bình, hòa lẫn cùng cảm hứng thế sự, huyền thoại, sinh thái...
Đề tài biển đảo, Trường Sa, người lính biển... không chỉ dành cho đối tượng độc giả trưởng thành; mà còn có mặt trong mảng văn học viết cho thiếu nhi. Hình ảnh biển, đảo, người lính, bàng vuông... và những năm tháng hào hùng của ông cha được các tác giả tái hiện lại một cách trong trẻo, dễ hiểu, đầy hình ảnh, màu sắc... góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về biển đảo Tổ quốc mình cho trẻ em. Một gương mặt tiêu biểu, không thể bỏ qua khi nhắc đến những sáng tác cho thiếu nhi về đề tài biển đảo là Bùi Tiểu Quyên. Sau chuyến đi công tác tại Trường Sa, chị viết các tác phẩm “Cà Nóng chu du Trường Sa”, “Phong ba nơi đầu sóng”, “Trường Sa - Biển ấy là của mình”, đều là tác phẩm thành công, góp phần đưa tên tuổi Bùi Tiểu Quyên đến gần với độc giả (nhất là độc giả thiếu nhi). Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới nhưng đem lại những tín hiệu khả quan đối với một tác giả trước giờ chỉ viết cho người trưởng thành.
Ở bất kỳ giai đoạn nào, âm vọng Tổ quốc, hồn thiêng đất nước... vẫn trầm hùng, rạng ngời trong văn chương Việt Nam. Viết về Tổ quốc không còn là sở thích, lựa chọn, ưu ái... mà là trách nhiệm, sứ mệnh của mỗi cây bút đối với đất nước mình. Bởi lẽ, nói như Trần Mai Ninh: “Có mối tình nào hơn thế nữa?/ Trộn hòa lao động với giang sơn/ Có mối tình nào hơn/ Tổ quốc?”.