Lý luận - phê bình

“Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam

Lời bình của nhà thơ Quốc Toản 15:32 11/12/2024

“Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.

5855_giengque5.jpg

Cây đa, bến nước, sân đình
Con đường gạch lát nối tình xóm thôn
Bếp nhà khói ấm chiều buông
Đêm thanh diều sáo trăng luồn bóng cau
Những ngày bão táp bờ lau
Ầm ào lối ngõ gọi nhau chống,
Người đi làng xóm trông theo
Người về nhộn nhịp quê nghèo mừng vui
Qua bao đói rét dập vùi
Lá lành lá rách ngọt bùi cháo rau
Làng nghèo tình nghĩa trước sau
Buồn vui san sẻ miếng trầu đón đưa
Làng xưa ngõ vắng giậu thưa
Lời ăn ý ở lựa vừa lòng nhau
Những năm bom đạn thương đau
Chung lưng chống giặc chụm đầu chở che
Đình thiêng trống giục hội hè
Câu ca xanh mướt lũy tre cổng làng
Sớm chiều tiếng trẻ học vang
Thầy cho con chữ cả làng cậy trông
Quanh năm bán mặt cho đồng
Đợi ngày tốt vụ trĩu bông mùa vàng
Tôi từ làng ấy tha hương
Đi qua chớp bể mưa nguồn bão giông
Hồn làng đẫm máu cha ông
Tôi mang theo sưởi ấm lòng ly quê.
Tha phương kiếp trọn ngày về
Làng xưa xóm cũ sông quê nơi nào
Lòng thầm nhớ mẹ nao nao
Nằm nghe tiếng gió chênh chao gọi mùa

(Tác giả Nguyễn Địch Long)

“Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”. Chỉ hai câu thơ, tác giả đã vẽ lên một bức tranh với những biểu tượng không thể thiếu trong làng quê, đã tạo nên hồn Việt. Cây đa, bến nước, sân đình là những hình ảnh gần gũi, thân thương, gắn bó với ký ức tuổi thơ của tác giả và của nhiều người con xa quê. Đó là biểu tượng cho cội nguồn, cho sự bền vững về văn hóa. Con đường gạch lát không chỉ là con đường dẫn người đi xa trở về mà còn là sự kết nối tình làng, nghĩa xóm.

Cũng phải nói thêm, cách đây chưa lâu, nhà thơ Nguyễn Địch Long đã cho ra mắt cuốn tự truyện “Năm tháng cuộc đời”. Điều mà bạn đọc dễ nhận thấy ở Nguyễn Địch Long đó là tình yêu quê hương, yêu mái ấm gia đình hơn bao giờ hết. Đọc “Năm tháng cuộc đời”, tôi thêm hiểu và đồng cảm cùng nhà thơ Nguyễn Địch Long. Ông luôn nâng niu trân trọng cuộc đời này. Ông bày tỏ lòng tri ân người mẹ, tri ân người vợ tảo tần chung thủy, cả cuộc đời hy sinh cho chồng con. Mỗi khi có dịp về quê, ông luôn cảm thấy thật ấm áp và yên bình: “Bếp nhà khói ấm chiều buông/ Đêm thanh diều sáo trăng luồn bóng cau”.

Những năm tháng chiến tranh khó khăn gian khổ người dân quê luôn đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi: “Những ngày bão táp bờ lau/ Ầm ào lối ngõ gọi nhau chống, trèo”, “Làng nghèo tình nghĩa trước sau/ Buồn vui san sẻ miếng trầu đón đưa”... Tình cảm quê hương được Nguyễn Địch Long thể hiện rõ nét qua những câu thơ đậm chất nhân văn. Dù làng nghèo nhưng tình người không nghèo. Người dân quê luôn sống với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tạo nên một cộng đồng gắn kết. Những ký ức về một thời chiến tranh đầy đau thương mất mát nhưng cũng đầy tự hào: “Những năm bom đạn thương đau/ Chung lưng chống giặc chụm đầu chở che”. Hai câu thơ khắc họa một thời kỳ lịch sử khốc liệt nhưng cũng cho thấy sức mạnh đoàn kết của dân làng trong việc bảo vệ quê hương. Giữa mưa bom bão đạn, người quê càng thể hiện tinh thần bất khuất và tình yêu quê hương mãnh liệt. Chiến tranh qua đi, đất nước thống nhất, tiếng trống hội làng lại được vang lên, câu ca xanh cùng thôn xóm, trẻ thơ đến trường, mùa vàng thêm trĩu bông… Đó là niềm hy vọng tương lai tốt đẹp hơn của dân làng.

Nhà thơ dừng chân để đón nhận cảm giác bất ngờ và xúc động khi nhận ra quê hương đã thay đổi ít nhiều sau nhiều năm xa cách. Những con đường, ngôi nhà, cảnh vật có thể không còn như xưa nhưng tình cảm và những kỷ niệm thì vẫn còn mãi.

Nguyễn Địch Long trở về làng mà bồi hồi xúc động. “Ngày về” đã trở thành nỗi khát vọng và luôn hiện hữu trong tâm hồn của người con xa xứ. Đọc thơ ông tôi lại nhớ năm tháng cuộc đời đầy nước mắt mà ông đã trải qua:

Tôi từ làng ấy tha hương
Đi qua chớp bể mưa nguồn bão giông
Hồn làng đẫm máu cha ông
Tôi mang theo sưởi ấm lòng ly quê.

Đây chính là nỗi day dứt của tác giả khi phải rời xa quê hương. Dù đi qua bao khó khăn gian khổ, thậm chí có những giai đoạn đầy đắng cay nước mắt, nhưng tình yêu quê hương vẫn đầy lòng trắc ẩn. “Hồn làng đẫm máu cha ông” không chỉ là ký ức đau thương mà còn là nguồn động lực, là sức mạnh giúp Nguyễn Địch Long vượt qua mọi thử thách. Làng là máu thịt. Làng là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn nhà thơ.

Trong bài thơ, tác giả cũng không khỏi tiếc nuối những giá trị văn hóa đã làm nên hồn cốt của làng đang dần mai một: “Tha phương kiếp trọn ngày về/ Làng xưa xóm cũ sông quê nơi nào”. Quá trình đô thị hóa đã khiến cho làng quê xưa thay đổi đáng kể, xóm thôn thành phường phố. Làng quê tác giả cũng không ngoại lệ và đó cũng là điều ông luôn trăn trở.

Ở cuối bài thơ, nỗi nhớ quê hương càng trở nên day dứt, khắc khoải. Trong lời kết của “Ngày về”, ông nhắc nhớ đến người mẹ tảo tần đã nuôi mình khôn lớn. Tình mẹ và hình ảnh quê hương đã hòa làm một. Quê hương là mẹ. Mẹ là Tổ quốc, là quê hương, trở thành nỗi nhớ và gắn bó không thể tách rời. Tiếng gió gọi mùa cũng là tiếng lòng của tác giả. Nó nhắc nhở mỗi người dù đi đâu, làm gì, cũng phải luôn nhớ về nguồn cội: “Lòng thầm nhớ mẹ nao nao/ Nằm nghe tiếng gió chênh chao gọi mùa.”

Có thể nói, “Ngày về” của nhà thơ Nguyễn Địch Long như một bức tranh quê, một lời ru với những hình ảnh chân thực, giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam. Qua những vần thơ lục bát dung dị, dễ đi vào lòng người, bạn đọc dễ dàng cảm nhận tình cảm sâu nặng của tác giả với làng quê, nơi ông sinh ra và lớn lên; nơi chất chứa đầy ắp những kỷ niệm vui buồn mà mỗi khi có dịp trở về, trong ông vẫn vẹn nguyên sự bồi hồi xúc động. Không chỉ ca ngợi vẻ đẹp bình dị của làng quê, bài thơ mà còn là lời tri ân, là sự tôn vinh những giá trị truyền thống và tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân quê. Với những ý nghĩa sâu sắc ấy, tôi tin “Ngày về” sẽ neo trong lòng bạn đọc những cảm xúc khó quên./.

Lời bình của nhà thơ Quốc Toản