Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần hai chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
Có cảm giác muốn nhập được vào nguồn mạch của sáng tạo và ý tưởng Lê Vĩnh Thái, ta cần sống trải cuộc đời to toan, bộn bề của anh. Thơ Lê Vĩnh Thái là một thanh âm lạ, đáng ghi nhận trong tiến trình thơ Huế đương đại, bên cạnh những người đã xác lập được tiếng nói riêng, theo những ngả rẽ riêng như Phạm Nguyên Tường, Nguyễn Lãm Thắng, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Fan Tuấn Anh, Bạch Diệp, Nguyễn Hoàng Anh Thư…
Mới đây, Lê Vĩnh Thái lại cho xuất bản một tập thi phẩm mới có tựa đề… khá lạ là Khúc rời những con chim quên tổ (Nxb Thuận Hoá, 2024). Và theo tôi, đây là một bước tiến mới trong hành trình thi ca không ngừng nghỉ của anh.
Thơ Lê Vĩnh Thái khó đọc bởi tư duy thơ của anh là tư duy hiện đại điển hình, với chủ ý phá vỡ cấu trúc và dòng chảy của thơ vần điệu truyền thống. Những bạn đọc nào quen với mỹ học Thơ mới sẽ khó cảm thụ thơ Lê Vĩnh Thái. Vì cơ bản, anh bỏ đi vần điệu, lại làm đứt gãy mạch tư duy tuyến tính thường thấy: “Con cúi đầu lạy sông - lạy ngọn nguồn Trường Sơn hùng vỹ - lạy tự thuở hồng hoang triệu triệu năm ư dư bộn bề ánh sáng - tả hữu từng đồi mênh mếng nhùng nhằng rung” [Con cúi đầu lạy sông].
Thơ của anh là sự giao hoà của thơ văn xuôi với thơ truyền thống, song dẫu như thế nào, bạn đọc đều đối diện với một thế giới nghệ thuật phi vần điệu, số lượng câu từ ở từng câu thơ dài ngắn bất thường. Đó là chưa kể trong thi phẩm của anh, bạn đọc đôi khi sẽ khó hiểu một số từ nhất định.
Một số từ hiếm gặp trong tiếng Việt, song cũng có nhiều từ là do chính anh bịa ra. Tôi mạnh dạn nghĩ vậy, vì “ư dư” hay “mênh mếnh” là những từ như thế nào, chúng ta chỉ có thể hiểu bằng cảm giác. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng, thiên chức của nhà thơ không phải như người thợ cần cù hay là người thư ký trung thành của thời đại. Nhà thơ là kẻ thám hiểm, thậm chí mạo hiểm trong ngôn ngữ. Thiên chức của thi sĩ là thể nghiệm, là khám phá ngôn ngữ và đổi mới ngôn từ tiếng Việt.
Cái mạnh nhất trong thơ Lê Vĩnh Thái là ý tưởng, chính ý tưởng và sự triết lý trong thơ Lê Vĩnh Thái tạo ra sự liên kết ý tưởng và kiến tạo dòng chảy cảm xúc trong thơ anh: “con dập đầu thắp nén linh hương - lạy tứ phương ngọn nguồn thủy tổ - u u anh anh minh minh cho con màu da hình hài đượm hương đất mạ Huế mình…” [Con cúi đầu lạy sông].
Cái tôi ấn tượng với Lê Vĩnh Thái, đó là thơ anh dày đặc biểu tượng, địa danh ở Huế, nên đây là một dạng thức thơ Huế trong bối cảnh hiện đại và hậu hiện đại. Dẫu hình thức tân kỳ, tư duy thơ mới mẻ, thì bản sắc Huế chứng minh Lê Vĩnh Thái là một người Huế đích thực, và trái tim anh yêu Huế theo cách của mình: “bây giờ - Thanh Tân chỉ là đêm huyễn hoặc - bước chân - anh trở về như nhúm than tàn… - giờ em đã ở xa sau mấy vòng nhìn không nhau - chiều Huế - ủ ê mấy vòng mưa nhớ - như từng đêm nhớ em” [Và em như chim bay qua tháng ngày anh]; “ngoài kia bạn bè rất đông đến gọi con chơi mỗi ngày, tuổi thơ của con hiền hòa - như dòng Bạch Yến qua An Hòa rẽ về sông Hương xanh ngát lời ru mặn môi của mẹ - tuổi thơ của ba có nắng mai và bầy sáo lên lưng trâu ra đồng, quê nội” [Những giấc mơ sông].
Tập thơ Khúc rời những con chim quên tổ có thể nói rất nhiều kỷ niệm riêng tư của Lê Vĩnh Thái về cha mẹ, về ký ức quê hương của mình... Lê Vĩnh Thái sinh ra lớn lên trong môi trường sông nước ở Huế. Sông ở Huế ngắn, nhỏ, song dốc và rất hay bão lũ. Người Huế bám vào sông mà sống, và sông cũng nuôi dưỡng tâm hồn của con người xứ sở thần kinh. Chính vì vậy, hình tượng sông xuất hiện nhiều, có ý nghĩa như một cổ mẫu trong thơ Lê Vĩnh Thái. Sông thường gắn với em, với mẹ, với những mối tình đã mất, do đó, sông mang tính nữ vĩnh hằng trong thơ của anh.
Hình tượng đồi núi cũng xuất hiện nhiều trong thi phẩm Khúc rời những con chim quên tổ của Lê Vĩnh Thái, bởi quê anh là một vùng bán sơn địa, vừa có đồi lại vừa có sông chảy qua. “lên đồi - lô nhô người - quẩn quanh cánh rừng xanh hun hút mắt - sâu thăm thẳm - đàn cá đói mồi đen đặc - hoa lềnh bềnh trôi” [Đồi]. “tôi về - đêm nay - trên ngọn đồi cả gió - trăng vẫn tròn đầy như thuở tuổi em xưa - dưới tán phượng già râm ran câu chuyện - mơ hồ lần đi” [Đêm trên đồi phấn].“em hứa đưa tôi lên ngọn đồi - nơi có căn nhà gỗ và đàn chim từng chiều bay nhảy - có gã di gan bóc từng viên sỏi thả vào ngày - em nói - con sói đã rời bầy đi khỏi ngọn đồi - chiều tiếng hú dội lên vách núi - nó sẽ cô độc - tiếng dội chẳng bao giờ cầm được” [Khi hoa vàng nở rực triền đồi].
Huế của Lê Vĩnh Thái là một Huế lạ lẫm so với những cung vàng điện ngọc, lăng tẩm đền đài vàng son. Tôi luôn thấy một Huế vùng ven, Huế ngoại biên trong thơ của anh. Cũng cần chú ý đến biểu tượng “đồi” trong thơ Lê Vĩnh Thái như một ẩn dụ về cha, và nam tính. Cha anh đã vĩnh viễn rời xa quê hương và những đứa con yêu thương của mình trong năm tháng vừa qua: “Ba đi - trời hẹp lại - trong anh em chúng con - đường thênh thang mà chật - con về qua lối mòn...” [Nhớ ba].
Thơ Lê Vĩnh Thái chính vì vậy, có khi tân kỳ, ra sức đổi mới, làm khác, song có khi mộc mạc chân thành, nhất là khi anh đối diện với chính mình trong thơ. Thật ra tôi vẫn nghĩ thơ Lê Vĩnh Thái không bao giờ cố ý làm dáng cầu kỳ, hay cố chạy theo những trào lưu tân thời, đương đại.
Trong thi phẩm mới xuất bản của Lê Vĩnh Thái, trong nhiều bài cho thấy hành trình thơ Lê Vĩnh Thái là liên tục, và quả nhiên anh đã đi được một con đường dài: “chúng ta đã ở lại trong xó xỉnh rách nát - những khuôn mặt rách nát - vá vào nhau - chúng ta đã bỏ nhau trong nhiều ngày - chúng ta thiếu vắng - cha mẹ bỏ chúng ta mà đi như ông bà rời xa cha mẹ - thời gian như chiến tranh xâm lăng tuổi trẻ chúng mình - vun cây gia phả cao xanh” [Điệu hát cũ]. Đây là những câu thơ rất hay, chí ít ra là đối với sự đọc của bản thân tôi. Tôi nghĩ, thơ Lê Vĩnh Thái có thể được xem như (một trong những) thành tựu của thơ ca Cố đô Huế đương đại.
Lê Vĩnh Thái là một người khiêm tốn. Anh ít khi phô phang, khoa trương để nói về mình. Muốn tìm hiểu về tâm hồn anh, có lẽ chân thực và đơn giản nhất, đó là tìm về những văn bản thơ mà anh đã viết như những khúc rồi. Tôi hy vọng Lê Vĩnh Thái sẽ có được những bạn đọc tri âm như thế./.