Nghệ nhân ưu tú Phương Hồng: Người ''ươm mầm xanh'' ca trù

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:09, 07/09/2020

Lần lượt trải qua các vị trí như: Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin Hà Tây (cũ) và hiện nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ca trù thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phương Hồng đã có chặng đường dài gắn bó với âm nhạc dân tộc nói chung và ca trù nói riêng. Dù tuổi đã cao, bà vẫn ra sức "ươm những mầm xanh” ca trù.
Nghệ nhân ưu tú Phương Hồng: Người ''ươm mầm xanh'' ca trù

1. Mới đây, khi biết tin Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III - năm 2021 cho NNƯT Phương Hồng cùng với 24 người khác, tôi đã đến tìm bà.

Những ngày này, do thời tiết thay đổi, vết thương chiến tranh dày vò nên bà thường bị đau mỏi lưng, chân, tay và phải vào Bệnh viện Châm cứu Trung ương chữa trị. Gặp bà trong sân bệnh viện, người nghệ nhân đã xấp xỉ tuổi 70 vẫn lạc quan yêu đời. Bà bảo: “Việc phong tặng danh hiệu với mỗi nghệ nhân là điều rất đáng quý, thế nhưng chúng tôi hoạt động nghệ thuật với mong muốn lớn nhất là lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ”.

Sinh ra trên “quê hương người gái đảm” - huyện Đan Phượng và được trời phú cho giọng hát ngọt ngào, năm 1971, cô gái Phùng Thị Hồng (tên khai sinh của bà) tham gia đoàn văn công xung kích Hà Tây phục vụ chiến trường. Không may, trong một trận phục kích của địch, cô bị mảnh đạn găm vào đầu, vào tay, ngay tại Binh trạm 34 (nay thuộc Thừa Thiên Huế). Sau đó, cô được chuyển ra Bắc, được cử đi học tại Đại học Văn hóa Hà Nội rồi về công tác trong ngành Văn hóa của tỉnh Hà Tây. Công việc này đã giúp người nghệ sĩ tiếp cận với các nghệ nhân và sớm có tình yêu với ca trù. NNƯT Phương Hồng nhớ lại, người truyền dạy đầu tiên và cũng là người truyền ngọn lửa đam mê ca trù cho bà khi đó là Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc ở thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức.

Ca trù ở mỗi vùng miền có màu sắc riêng, phong phú và đa dạng, vì thế, bà đã “tầm sư học đạo” các nghệ nhân ở CLB ca trù Thái Hà, sưu tầm nhiều băng đĩa của các “cây đa, cây đề” như NSND Quách Thị Hồ, NSƯT Phó Thị Kim Đức cũng như thường xuyên giao lưu học hỏi bạn bè ở các CLB ca trù khác. Trên cương vị công tác của mình, bà mạnh dạn đề xuất với ngành Văn hóa tỉnh Hà Tây (cũ) lập kế hoạch và triển khai thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Đó là mở các lớp học đàn, trống và hát ca trù cho các CLB ca trù trong toàn tỉnh và thành lập CLB ca trù của tỉnh; thường xuyên tổ chức biểu diễn giao lưu ca trù giữa các CLB trong và ngoài tỉnh, tổ chức liên hoan ca trù toàn tỉnh; tham gia các cuộc hội thảo, các cuộc liên hoan ca trù do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các tỉnh tổ chức...

2. Sau khi nghỉ hưu, nghệ nhân Phương Hồng được Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam mời làm Chủ nhiệm CLB ca trù. Bà tham gia truyền dạy và tư vấn giúp các địa phương thành lập các nhóm, các CLB ca trù. Với trách nhiệm truyền dạy ca trù, bà không ngại đường sá xa xôi, xuống các cơ sở trong và ngoài thành phố như CLB ca trù Hà Cầu (Hà Đông), Nhà văn hóa huyện Đan Phượng, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân và một số địa phương như Hà Nam, Bắc Ninh...

Bên cạnh đó, bà còn chủ động hợp tác với các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình từ địa phương đến Trung ương, tranh thủ mọi cơ hội để quảng bá nghệ thuật ca trù. Bà dành tâm huyết truyền dạy ca trù cho lớp trẻ vì cho rằng, việc phát triển nghệ thuật ca trù phải bắt đầu từ những người trẻ thì mới được dài lâu, bền vững. Với lớp trẻ, bà sáng tạo phương pháp dạy linh hoạt, truyền cảm hứng, tình yêu ca trù đến các học trò bằng nhiều cách khác nhau.

Nghệ nhân ưu tú Phương Hồng: Người ''ươm mầm xanh'' ca trù
Nghệ nhân Ưu tú Phương Hồng tham gia biểu diễn trong một chương trình.

Qua nhiều năm, với phương pháp chính vẫn là truyền khẩu, nhưng để cho việc truyền dạy hiệu quả hơn, nghệ nhân Phương Hồng đã soạn thảo giáo trình truyền dạy ca trù. Để giúp các học viên say mê, nhiệt tình hơn, với phương châm học đến đâu hiểu đến đó, bà luôn động viên và kịp thời uốn nắn cho từng học viên từng câu, từng phách, cách lấy hơi nhả chữ, phân tích kỹ về lịch sử ca trù. Bà còn thu vào băng đĩa các bài giảng, phát cho học viên để họ học thêm tại nhà. Sau mỗi bài học, bà đều tổ chức biểu diễn sát hạch để đánh giá khả năng của từng học viên, từ đó điều chỉnh nội dung giảng dạy trước khi truyền dạy bài mới.

Chính vì vậy, một số học viên của bà có khả năng truyền dạy tiếp cho các học viên khác, một số người đã thành danh như: NSND Lương Duyên (nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nam), nghệ sĩ Quế Hương (nhạc công Nhà hát Chèo Quân đội)... Nhắc về người truyền dạy ca trù cho mình nhiều năm trước, NSND Lương Duyên tỏ lòng biết ơn sự tâm huyết, tận tình của nghệ nhân Phương Hồng: “Ca trù là bộ môn khó, vì thế, những người lần đầu tiếp cận rất dễ nản lòng. Thế nhưng, bằng tình yêu và sự kiên trì, cô Phương Hồng đã giúp chúng tôi nhập cuộc với ca trù ổn thỏa, từ đó thấy ca trù cũng không phải là quá khó như mình vẫn nghĩ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ từng bài giảng mà cô đã truyền dạy bởi phương pháp dạy học của cô rất đặc biệt, khiến học sinh dễ nhớ, dễ thuộc”.

3. Với mong muốn lan tỏa ca trù, nghệ nhân Phương Hồng đã vận động nhiều người tham gia hoạt động giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể bằng cách tuyên truyền quảng bá sự độc đáo của nghệ thuật ca trù trên các diễn đàn khác nhau. Trong các dịp đón xuân, lễ hội, bà tổ chức truyền dạy và biểu diễn ca trù ở các không gian mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đình - đền Hào Nam, đình Kim Liên, đình Yên Phụ, Bích Câu đạo quán, đền Bạch Mã và khu phố cổ Hà Nội, chợ Đồng Xuân... Bà vinh dự cùng các nghệ nhân của Việt Nam đem ca trù giới thiệu với bạn bè quốc tế ở một số nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức...

Lúc chia tay, nghệ nhân Phương Hồng nắm tay tôi thật chặt rồi cười, bảo: “Còn sức khỏe là tôi còn truyền dạy”. Nhìn người nghệ nhân - thương binh với khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt sáng trong, nụ cười rạng rỡ là đủ thấy bà còn nặng lòng với nghệ thuật ca trù nhiều lắm.

NNƯT Phương Hồng (tên khai sinh là Phùng Thị Hồng) sinh năm 1952 tại thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2013, được Nhà nước phong danh hiệu NNƯT năm 2015. Trong suốt quá trình hoạt động biểu diễn, bà đã giành được Huy chương Bạc tại Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng năm 2000, Huy chương Vàng Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2005 và Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ), Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam...

hanoimoicuoituan