Tác giả - tác phẩm

Sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc từ thời Lý đến nay

Thụy Phương 19:06 06/12/2024

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay". Không chỉ khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, phác họa bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời kỳ này cuốn sách còn góp phần khẳng định những giá trị của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, đồng thời đề cập tới những cơ hội, thách thức và các giải pháp phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Dưới triều đại nhà Lý, trải qua chín đời vua với 216 năm trị vì (1009 - 1225), quốc gia Đại Việt đã phát triển cường thịnh, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật..., đặc biệt là sự phát triển đỉnh cao của Phật giáo với tư cách là một quốc giáo. Những vị vua anh minh triều Lý đều là những phật tử, thiền sư, cùng với các vị quốc sư, thiền sư khác đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, chấn hưng đất nước. Phật giáo thời Lý đã trở thành nền tảng tư tưởng của xã hội, góp phần to lớn tạo nên nền văn minh Đại Việt.

bia-sach-1.jpg
Cuốn sách làm sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc từ thời Lý đến nay.

Có thể nói, Phật giáo thời Lý đã làm nên một trang sử vẻ vang, huy hoàng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phật giáo thời kỳ này có sức sống mãnh liệt bằng tinh thần vô ngã vị tha; thể hiện sức sống tự lực, tự cường với tinh thần độc lập dân tộc; đi đúng đường lối tu hành của đạo Phật và dung hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, tạo thành nét đặc thù cho Phật giáo Việt Nam. Phật giáo thời Lý kế thừa tinh hoa của hơn 1.000 năm tồn tại của Phật giáo ở Việt Nam, trở thành một trong những nhân tố tinh thần quan trọng nhất của thời đại khai phóng và phát triển của quốc gia Đại Việt độc lập và tự chủ, mở đầu bằng sự kiện dời đô của vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Sau nhà Lý, Phật giáo vẫn vững mạnh trong giai đoạn trị vì của nhà Trần. Các vị vua nhà Trần đã tiếp thu những di sản rực rỡ mà Phật giáo nhà Lý để lại, xây dựng nền văn minh của triều đại mình. Phật giáo nhờ đó đã phát triển vươn cao thêm một bước nữa, nâng cao vị thế Phật giáo gắn liền với dân tộc một cách hòa hợp.

Sang thời nhà Lê, Nho giáo đã phát triển lên đến đỉnh cao vào thời Lê Thánh Tông và được triều đình vận dụng trong quản lý xã hội, thống nhất đất nước. Nhưng cũng sau đỉnh cao đó, từ thời Lê Thánh Tông, các triều đại phong kiến Việt Nam thúc đẩy Nho giáo; Phật giáo bị lùi lại một bước.

Trải qua biết bao thăng trầm, bước sang thế kỷ XX , Phật giáo tiếp tục phát huy tinh thần nhập thế, hòa mình vào lịch sử dân tộc và có nhiều đóng góp quý báu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo trên khắp mọi miền đất nước đã trở thành những căn cứ che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng; nhiều nhà sư, tăng ni, phật tử đã nêu cao tinh thần đại sĩ chính nghĩa tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều vị tăng ni, phật tử trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, là chỗ dựa đáng tin cậy của Phật giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, hiện nay Phật giáo Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc với sự xâm lấn của nhiều luồng tư tưởng lai căng, lệch lạc. Vì thế, vấn đề phát huy giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong đời sống đương đại và góp phần to lớn hơn nữa cho sự phát triển bền vững, hùng cường của dân tộc trong thế kỷ XXI là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc.

Với mong muốn làm rõ những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát huy những giá trị tinh thần quý báu của Phật giáo, làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức biên soạn xuất bản cuốn sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay".

Cuốn sách được chia thành 2 phần (Phần 1 Tinh hoa và di sản phật giáo thời Lý và Phần 2 Phật giáo với xã hội Việt Nam hiện) tập hợp các bài viết của gần 30 tác giả là các nhà nghiên cứu, thượng tọa, hòa thượng cùng các cây bút trong giới chuyên môn...

Qua gần 400 trang sách, các tác giả đã phác họa bức tranh toàn cảnh về bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời Lý, trong đó tinh thần đạo Phật không tách khỏi tinh thần dân tộc, văn hóa Phật giáo trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc; đồng thời cho thấy di sản vật chất, tinh thần mà Phật giáo nhà Lý để lại cũng chính là tài sản quý giá, tài nguyên vô giá để Phật giáo hôm nay có thêm nhiều đóng góp cho sự phát triển của đạo và đời./.

Thụy Phương