Về giữa mùa thu cách mạng
Truyện - Ngày đăng : 12:45, 07/09/2020
Minh họa của Nguyễn Văn Đức
Phương hay ngồi cạnh cửa sổ hát mấy ca khúc cách mạng, những bài hát mà người ta hay gọi là “nhạc đỏ”, “nhạc tiền chiến”. Đó là những lúc bé Ly đã ngủ say. Còn lúc nào Ly đang học bài mà nghe thấy Phương hát, bé hồ hởi khen, đúng kiểu “mẹ hát con khen hay”. Ngoài song cửa, mấy chiếc lá khô bắt đầu trút xuống, có chiếc vắt ngang qua khe cửa, giòn ran.
Phương nói:
- Em muốn ra thăm lăng Bác đúng ngày Quốc khánh. Chúng mình không sống trong thời chiến, nhưng chúng mình cần hiểu hết nỗi niềm tự hào của con người thời chiến.
Anh nghe Phương nói vậy, ngờ ngợ cái khát vọng được ra thăm lăng Bác, được đứng trên mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến, dưới nắng vàng Ba Đình những ngày rợp bóng cờ đỏ sao vàng lớn lao đến nhường nào. Năm nào cũng vậy, hễ tháng Tám, tháng Chín là Phương muốn ra Hà Nội. “Ở ngoài đó không khí hơn nhiều”, Phương nói, cười. Nhưng vì bận chuyện gia đình, con cái nên Phương không thể ra ngoài Bắc được. Anh cũng không có thời gian đưa Phương đi. Đất Bắc, nơi có mộ phần của ba Phương, người chiến sĩ dũng cảm trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm ấy…
Anh gật đầu, chắc chắn:
- Nhất định năm nay chúng mình sẽ ra Bắc.
Phương cười, nụ cười của Phương bao giờ cũng hiền lành và đôi mắt của Phương bao giờ cũng bao dung như thế. Bao nhiêu năm Phương vun vén cho anh, cho bé Ly, cho cái gia đình nhỏ này. Trong bếp cơm canh bao giờ cũng nóng hôi hổi. Căn nhà bao giờ cũng ấm áp và không ngớt tiếng cười. Vậy mà, chỉ mỗi ước muốn ra Bắc tận hưởng không khí tự hào của đất nước hồi tưởng về mùa thu tháng Tám năm xưa, về ngày Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” trước Quảng trường Ba Đình… và hơn hết là để viếng mộ ba, với Phương, lại là một giấc mơ xa xỉ.
Bé Ly đã ngủ. Con bé thật hiền lành và đáng yêu. Những đứa trẻ chưa bao giờ sống trong bom đạn của chiến tranh vẫn giữ lấy cho mình sự hồn nhiên từ bên ngoài đến tâm hồn trong sáng. Phương cũng vậy và anh cũng vậy.
Phương rất tự hào về ba. Người chiến sĩ kiên trung, người mà mẹ xem là hình mẫu lí tưởng nhất của đàn ông Việt Nam những ngày đất nước có giặc và hết lòng tôn trọng. Ngày ba mất, đất Bắc cũng vào thu. Mùa thu xứ Bắc trong trẻo với vòm trời vời vợi xanh, với những con đường xác xao lá vàng và màu cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió dịu. Mẹ nghe lời trăng trối của ba nên để ba yên nghỉ trên đất Bắc, nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của ba, nơi ba chứng kiến hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước quốc dân, đồng bào. Ba nằm lại, nghĩa trang mùa thu lá vàng rơi xác xao. Hai năm sau, cả nhà dọn về Nam sinh sống. Mẹ nói miền Nam là nơi quê cha đất tổ, không thể bỏ được. Thế là cả nhà về Nam. Lúc đó, Phương còn trẻ lắm.
Mà bây giờ Phương cũng trẻ. Lấy chồng, sinh con, nhưng da dẻ Phương lúc nào cũng mịn màng và nụ cười lúc nào cũng thấp thoáng trên đôi môi. Chồng Phương rất yêu Phương, yêu bé Ly. Ba người sống trong một căn nhà trên con đường nhỏ giữa lòng thành phố đông đúc. Miền Nam hay miền Bắc đều để lại trong Phương những kí ức thật đẹp. Miền Bắc có mộ phần của ba yên nghỉ giữa những tháng năm đất nước thanh bình; miền Nam rộn rã người xe, phát triển bậc nhất cả nước. Phương tự thấy mình may mắn. Nhưng nhiều lần Phương cũng thấy hổ thẹn với ba, với những điều mà Phương tự nghĩ rồi tự bảo mình là ngớ ngẩn. Miền Nam với miền Bắc có xa xôi gì đâu mà mấy năm trời Phương vẫn chưa đặt chân đến.
Như những giấc mơ Phương thấy mình mơ về đất Bắc, về bóng dáng hiền từ của ba trong bộ quân phục màu xanh lá, có quân hàm, có huân chương đeo đầy ngực áo. Ba Phương đeo kính, tóc bạch kim, trên tay trái vẫn còn vết sẹo dài - vết thương năm ấy còn sót lại và chắc hẳn sẽ không bao giờ phai nhòa. Nước mắt Phương tuôn ra. Là nước mắt của tự hào, hạnh phúc.
Buổi chiều anh về sớm, mọi việc anh đã thu xếp chu tất, anh gọi điện xin cô giáo cho bé Ly nghỉ học hẳn một tuần, những chuyện quan trọng anh nhờ đồng nghiệp thực hiện. Anh chìa ra trước mặt Phương ba tấm vé máy bay anh đã mua sẵn, nơi đến là Hà Nội. Phương cầm tấm vé trên tay, run run:
- Mình về Bắc hả anh?
Anh gật đầu:
- Ừ, về để thăm mộ ba. Về để hòa mình vào không khí của lịch sử, của ngày Bác đọc “Tuyên ngôn độc lập” năm xưa.
Nước mắt Phương chứa chan. Tự dưng Phương thấy mình vui, vui hơn cả lúc Phương cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học trên tay, chạy ròng ròng khoe khắp xóm…
Anh thỏ thẻ vào tai Phương:
- Em đã cực nhọc vì gia đình nhỏ này, anh xin lỗi vì thời gian qua có mỗi chuyện đưa em về Bắc thăm mộ ba, về để tự hào… cũng không thực hiện được. Anh xin lỗi.
Phương ngả đầu vào vai anh. Nếu không có bé Ly đang ngồi tô màu ở đó thì Phương đã hôn lên má anh một cái rõ kêu.
Chưa bao giờ Phương thấy ân hận khi lấy anh làm chồng.
Máy bay cất cánh. Lần đầu tiên bé Ly được đi máy bay đường dài, thích vô cùng. Anh đặt vé cạnh cửa sổ để con bé ngắm nhìn non sông Việt Nam đẹp như tranh, mây tầng tù mù trắng xóa ngoài ô cửa, những dòng sông uốn khúc giữa sắc màu núi non trùng điệp. Đẹp vô cùng. Bé Ly reo lên:
- Ba ơi, sông kìa! Mẹ ơi, núi kìa! Mây kìa. Chỗ nào là nhà bà ngoại? Chỗ nào là nhà bà nội vậy mẹ?
Con bé cứ tíu tít như thế. Hai vợ chồng cười râm ran, xoa đầu con:
- Bé Ly có vui không? Mình sắp được thăm mộ ông ngoại rồi.
- Vui, vui lắm ạ! - Con bé đáp gọn, mắt lấp lánh - Ông ngoại đánh giặc giỏi lắm phải không mẹ?
Phương cười:
- Ừ, giỏi lắm! Mẹ khâm phục ông ngoại lắm!
Phương nhìn ra ô cửa máy bay. Còn anh nhìn Phương, nỗi hạnh phúc dâng đầy trong từng tia mắt của Phương.
Đứng trước mộ ba, ngôi mộ cuối con đường trong khuôn viên nghĩa trang rộng rãi, thoáng đãng và linh thiêng. Tháng Tám, tháng Chín, cây cơm nguội vàng trút lá. Phương chỉ tay về phía mộ ông, nước mắt rưng rưng, nói khẽ:
- Ly, con thấy không, mộ ông ngoại đó con. Ông ngoại là chiến sĩ năm xưa tham gia cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám, dũng cảm và oai vệ lắm!
Bé Ly đi về phía mộ ông, như một người lớn, con bé cúi xuống lấy tay phủi phủi vào bia mộ của ông ngoại. Phương cười mà nước mắt chứa chan. Con bé còn quá nhỏ để hiểu tổng khởi nghĩa tháng Tám là gì, nhưng chắc hẳn nó sẽ tự hào vô cùng về ông ngoại, về truyền thống đánh giặc của dân tộc Việt Nam. Và con bé cũng thế, nó được sinh ra và mang trong mình dòng máu của những người anh hùng không biết sợ bạo tàn, không bao giờ khuất phục trước khó khăn giông bão…
Hà Nội mùa thu, nắng vàng ngập lối. Thoáng chốc Phương thấy lòng mình yên lành hẳn đi. Đứng bên anh, tay nắm tay, Phương nhìn dòng người lặng lẽ, không cố ý nhưng thật thứ tự. Những chú bộ đội mặc quân phục đạp chiếc xe còng còng trên con phố, sắc cờ đỏ sao vàng rực rỡ bốn phương trời. Lòng Phương hồ hởi. Một cảm giác lạ lắm, sâu sắc và nồng nhiệt hơn những mùa thu tháng Tám đứng trên mảnh đất phương Nam.
Anh đan tay anh vào tay Phương, hỏi thầm:
- Em vui lắm phải không?
Phương cười:
- Về cội nguồn không vui sao được, anh ha?!
Về Bắc cũng chính là tâm nguyện của mẹ Phương, người đàn bà sống qua hai cuộc chiến, giờ đây già nua, tóc bạc hết, không còn sức lực để ngồi máy bay đường dài, không thể về thăm mộ chồng. Nhưng trong thâm tâm không lúc nào nguôi hướng về phương Bắc…
Hà Nội rợp sắc cờ. Từ nghĩa trang của ba cùng những liệt sĩ khác nằm lại vĩnh viễn trong lòng đất Hà Thành giàu trầm tích văn hóa, anh, Phương và bé Ly đi về phía quảng trường Ba Đình, ngắm lăng Bác trong ánh nắng thu vàng trải nhẹ. Khắp nơi hoa cỏ xanh mướt. Bốn phương hoa lá tụ hội về lăng Bác tỏa sắc, tỏa hương. Trong thanh âm của chim hót véo von, của tiếng lá vọng vào lòng người, chợt Phương nghe bé Ly lẩm bẩm đọc bài thơ, miệng bé Ly chúm chím xinh xắn:
Nắng Ba Đình mùa thu
Thắm vàng trên lăng Bác
Vẫn trong vắt bầu trời
Ngày Tuyên ngôn độc lập… (*)
Cô bé đã lớn, đã hiểu phần nào về nguồn cội thiêng liêng. Chắc chắn rằng cô bé sẽ trở thành người con có ích cho gia đình và xã hội mai sau, trên hết là biết hướng về cội nguồn, biết tự hào về trang sử vẻ vang của dân tộc.
Mùa thu Hà Nội đẹp, không khí thu nô nức lòng người. Phương ngẩng mặt lên cao hít một hơi thật dài, thật đầy không khí trong lòng muôn thuở. Những nỗi niềm cứ xốn xang, nhảy múa. Hà Nội để nhớ, Hà Nội để thương. Hà Nội trong trái tim người muôn phương đã từng đến và chưa một lần được đến…
-----------
(*) Thơ Nguyễn Phan Hách.