Giữ nét riêng cho mỗi chùa làng

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:38, 08/09/2020

Câu ngạn ngữ “Phật chung chùa riêng”, đã phản ánh một thực tế, mỗi ngôi chùa làng có chức năng chung là thờ Phật, nhưng hơn nửa thế kỷ qua, do nhiều lý do, một số ngôi chùa làng còn là bảo tàng lịch sử của địa phương.
Giữ nét riêng cho mỗi chùa làng
Chùa Huỳnh Cung, xã Tam hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội

Đến chùa Phương Viên, phố Trần Xuân Soạn, thấy ở chính điện có ban thờ Chu Văn An, một nhà giáo mẫu mực đời Trần. Thấy lạ, người viết bài này hỏi vị sư trụ trì, vì sao lại có chuyện Nho - Phật đồng hành như thế? Vị sư trả lời: Ở bên số 3 phố này, đối diện với chùa, trước đây có ngôi đình thờ Chu Văn An của làng Phương Viên. Đình không có người trông nom, lâu dần rơi vào cảnh đổ nát. Không nỡ để một di tích quý rơi vào cảnh hương lạnh khói tàn, một vài người có gốc gác ở làng  bàn và giải hạ ngôi đình. Một số đồ thờ ở đình được chuyển sang chùa và lập ban thờ tại đây. Thế là, hơn 70 năm qua, chùa Phương Viên có thêm chức năng thờ Thành hoàng làng.

Thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì là nơi Chu Văn An mở trường dạy học. Học trò đến học có cả nghìn người, nhiều người thành đạt như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát làm quan to trong triều mà trước sau vẫn giữ lễ với thầy. Có trò là thủy thần đã không ngại hiểm nguy, làm mưa cứu lúa của dân khỏi bị hạn đã được dân làng Hoằng Liệt dựng đền thờ, vua phong sắc là Bảo Ninh Vương. Sau khi mất, các học sinh đã dựng đền thờ Chu Văn An ngay trên nền trường cũ. Sang triều Lê, đền thờ kiêm chức năng là Văn chỉ huyện Thanh Trì. Tại đây có đặt bài vị của 63 tiến sĩ triều Lê, người huyện Thanh Trì như: Chu Văn An, Nguyễn Như Đổ, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Công Thể, Bùi Huy Bích… Trong kháng chiến, đầu năm 1947, Văn chỉ Thanh Trì có nguy cơ bị phá hủy, một số các cụ ở làng Huỳnh Cung đã “bí mật” chuyển các di vật quý giá ở đây gửi ở đình và ngôi chùa làng. Giờ đây, du khách đến thăm đình làng Huỳnh Cung thấy có ban thờ Chu Văn An, với các hoành phi, câu đối và cả sắc phong thần. Tại tòa tam bảo của ngôi chùa làng cũng có ban thờ Chu Văn An. Tại đây còn giữ được mũ, áo của thần, một số bài vị ghi danh các vị tiến sĩ người Thanh Trì…

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, một số người tâm huyết với cha ông đã tìm được cách làm sáng tạo như trên, khi đất nước yên bình, tại các ngôi chùa làng đã giữ được rất nhiều di vật quý giá vốn là của các đình, đền, miếu. Điều đó đã giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu phong tục, tập quán của các làng quê.  

Nhưng tiếc thay, trong thực tế, không phải ngôi chùa nào cũng làm được các việc hữu ích như thế. Tại một làng ở bờ Nam sông Hồng, thuộc huyện Thanh Trì, trước đây có đền thờ bà Chúa dâu tằm. Bà là công chúa họ Mạc. Khi triều Mạc chấm dứt 66 năm nắm quyền ở Thăng Long, bà xuống thuyền xuôi dòng sông Nhị tìm đất sống. Đến bến sông làng này, thấy đất phù sa màu mỡ, bà dừng thuyền. Được dân cưu mang, bà vui sống cùng dân làng và dạy dân nghề trồng dâu chăn tằm ươm tơ. Khi mất, do có công dạy nghề cho dân, bà được dân tôn là tổ nghề dâu tằm và lập đền thờ, vua Lê phong sắc là Tây Lang Thị. Năm 1959, đất làng bị lở, dân chuyển tượng bà Chúa và các đồ tế khí vào ngôi chùa làng dựng ở xóm Nghè. Vào ngày rằm tháng Hai âm lịch, dân làng lại tổ chức giỗ bà Chúa. Năm 2005, ngôi chùa làng dựng lại khang trang, thì người dân không thấy ban thờ và tượng của bà. Gạn hỏi mãi, cuối cùng người ta mới biết, tượng bà đã bị các thợ sơn thếp tưởng là tượng bà Chúa thượng ngàn nên đã chuyển sơn từ màu nâu sang màu xanh. Sau đó, các cụ ở làng đã nêu nhiều chứng cớ xác đáng chứng minh đó là tượng bà Chúa dâu tằm, và nhà chùa đã lập ban thờ bà tại nhà Tổ của chùa.

Nêu vài ví dụ như trên để chứng minh, do chiến tranh và mưa nắng, và cả sự thờ ơ của con người, diện mạo di tích ở các làng quê từ 30 năm về trước có nhiều thay đổi. Khi nhiều ngôi đình, đền, miếu đã sập xệ, các đồ thờ tự sắc phong đều được gửi tại các ngôi chùa làng. Đây là một kho báu vô cùng quý giá giúp chúng ta tìm hiểu các vị Thành hoàng thờ ở đình, miếu. Các vị thần được dân thờ là các anh hùng có công với nước, những người có công khai ấp mở làng, các vị tổ nghề… Đã đến lúc, ngành văn hóa các địa phương cần có kế hoạch bảo quản lâu dài các di vật này. Các vị sư mới được chuyển đến trụ trì tại các ngôi chùa làng cần tìm hiểu kỹ lưỡng sự thờ tự của địa phương, thông qua lời kể của các “già làng”, tìm hiểu các thần tích, sắc phong để gìn giữ các giá trị truyền thống riêng có của mỗi làng. Đó chính là nét riêng độc đáo của mỗi ngôi chùa mà câu ngạn ngữ xưa đã nói. 

Trần Văn Mỹ