Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Chung sức đồng lòng thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Minh Lý 21:43 15/11/2024

Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã nêu rõ, lịch sử văn hiến hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân.

“Ý Đảng – lòng dân”

Thời gian qua, tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chỉ thị 30-CT/TU)

Tại quận Hai Bà Trưng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ quận đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị đồng bộ, sâu rộng. Quận đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị từ điểm cầu thành ủy tới điểm cầu quận và 18 điểm cầu phường với tổng số 721 đại biểu tham dự. Chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp với UBND quận hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quận xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn quận với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận, của địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua đó, người dân quận Hai Bà Trưng đã nâng cao nhận thức, ý thức và tự giác hành động để xây dựng và phát huy nếp sống thanh lịch, văn minh của người Thủ đô; nhiều nếp sống văn hóa tốt đẹp đã dần được khôi phục và trở thành thói quen giao tiếp hàng ngày.

Theo Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thị Việt Hà, tại Thủ đô Hà Nội, các đơn vị, địa phương đã cùng đồng lòng, chung tay thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Đồng thời, khích lệ những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng. Đã có hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng, việc triển khai luôn có sự sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống.

1.jpg
Việc triển khai các mô hình trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đem lại chuyển biến tích cực trong đời sống, xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Với quận Tây Hồ, song song việc thực hiện có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành uỷ, các nghị quyết, chương trình công tác của Quận uỷ về phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, quận Tây Hồ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các nội dung, nhiệm vụ đã được đề ra tại Chỉ thị số 30-CT/TU. Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 30-CT/TU, quận Tây Hồ đề ra những nội dung trọng tâm sẽ tập trung thực hiện gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; Đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền; Xây dựng phường văn hóa và phường đạt chuẩn đô thị văn minh, thực hiện có hiệu quả 02 Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn; Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật, TDTT; Phát huy hiệu quả các quy ước và giá trị văn hóa truyền thống tại cơ sở; Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội; Phát động phong trào thi đua gắn với kiểm tra, đánh giá.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hà Nội cho rằng, việc ban hành Chỉ thị 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” của Thành uỷ Hà Nội đã thể hiện đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, với sự tập trung cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Qua đó, để nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Con người ở vị trí trung tâm

Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.

Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, giá trị, sức mạnh con người Hà Nội được minh chứng không chỉ vừa là mục tiêu, vừa là động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, “nguồn lực quan trọng quyết định” cho sự phát triển bền vững Thủ đô trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

3.jpg
Triển khai thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn Thủ đô được các cơ quan, đơn vị và nhân dân hưởng ứng tích cực.

Hà Nội đã xây dựng, triển khai thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố); góp phần hình thành, giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thành phố đã không ngừng tổ chức triển khai, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm cho nhiệm vụ phát triển con người bằng nhiều chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp. Kết quả đến nay cho thấy, công tác xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô.

2.jpg
Các em học sinh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hưởng ứng, tuyên truyền xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đáng lưu ý, việc đặt con người ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững còn thể hiện ở chủ trương quan tâm đến đầu tư cho giáo dục – thế hệ tương lai của Thủ đô và đất nước; hình thành nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Thủ đô.

Song song với việc tiếp tục đưa bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội, Chỉ thị số 30-CT/TU đặt ra yêu cầu nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô theo Chương trình số 06-CTr/TU, nhằm tăng cường xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hình thành ngay trên ghế nhà trường. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ Thăng Long – Hà Nội.

0.jpg
Chỉ thị 30-CT/TU nêu rõ quan điểm về việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống... cho thế hệ trẻ Thủ đô; đề cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định, một chủ trương đúng và được thực hiện một cách nghiêm túc như môn “Hà Nội học” thì sẽ nhận được sự đồng thuận từ học sinh, phụ huynh. Chắc chắn rằng, kiến thức Hà Nội học đến được với các em học sinh ở lứa tuổi đam mê hiểu biết, đang tràn đầy sức sống, sẽ không chỉ có tác động đến nhân cách của các em trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Nó còn tạo ra động lực để các em học các môn học khác tốt hơn. Đó cũng là cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào thế hệ trẻ của Thủ đô.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là vấn đề quan trọng đối với mục tiêu phát triển văn hóa của Hà Nội, đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân đang sinh sống, làm việc tại Thủ đô nhằm chung tay xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, làm cho Hà Nội trở thành một “đô thị đáng sống”./.

Minh Lý