Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
Từ năm 1954, miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chung tay kiến thiết, tập trung sản xuất chi viện cho miền Nam. Trong không khí thời kì phát triển mới của Thủ đô và đất nước, nhiều công trình kiến trúc được xây dựng. Giai đoạn 1954 - 1986, Hà Nội bắt đầu xuất hiện kiến trúc xã hội chủ nghĩa ở một số công trình do Liên Xô viện trợ xây dựng, bao gồm: công trình công cộng (trụ sở cơ quan, trường học, công viên, cung lao động, cung thiếu nhi); công trình nhà tập thể (Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Trung Tự, Khương Thượng); công trình công nghiệp (nhà máy cơ khí, bóng đèn, phích nước, cao su, xà phòng, thuốc lá, dệt may, bánh kẹo, đường, vật liệu xây dựng).
Từ 1954 - 1965, thế hệ kiến trúc sư thứ nhất của Việt Nam chỉ học trong nước (trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). Bước sang những năm 1973 - 1986, thế hệ kiến trúc sư thứ 2 của Việt Nam được hình thành với nền tảng tốt nghiệp trong và ngoài nước, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Phong cách xã hội chủ nghĩa thời kỳ này có mối liên hệ với kiến trúc xã hội chủ nghĩa Đông Âu, thể hiện rõ ở những mặt bằng, hình khối đa dạng và sinh động; bố cục điểm - tuyến - diện - khối; cho phép giải phóng không gian tầng 1. Trong các công trình cũng có những bức tường hoa gió và được làm chắn nắng trên mặt đứng.
Nói về giá trị của kiến trúc thời bao cấp, KTS Vũ Hiệp - giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải phân tích: “Những giá trị có thể nhìn thấy rõ là sự thẩm mỹ, khoa học và công năng. Cụ thể hơn thì các công trình được tạo hình theo nguyên lý kiến trúc hiện đại; hạn chế chi tiết trang trí, đưa công nghệ bê tông vào xây dựng và giải pháp sinh khí hậu trong thiết kế; sử dụng rất chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong điều kiện kinh tế eo hẹp. Ngoài ra, những giá trị khác là kiến trúc thời kỳ này đã củng cố bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội, là biểu tượng cho một đất nước độc lập, thoát khỏi ách đô hộ thực dân cũng như bước vào hòa giải dân tộc (giai đoạn sau 1975)”.
So với năm 1954, Hà Nội có những bước tiến đáng kể. Trong bối cảnh không gian đô thị mở rộng, phát triển theo quy hoạch tổng thể, có rất nhiều công trình quy mô lớn, đa dạng và phong phú về thể loại, phong cách. Là một phần trong lực lượng kiến trúc sư giai đoạn này, KTS Trần Thanh Bình chịu trách nhiệm thiết kế các công trình: Trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (sau này là Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trung tâm hóa vật liệu hạt nhân (sau này là Viện công nghệ Xạ hiếm), Trường Đại học Giao thông vận tải, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Âm nhạc Quốc gia... Ông nhớ lại: “Tinh thần chiến thắng giặc Mỹ của cả dân tộc đang phơi phới nên tâm thế phải xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn cũng được thể hiện trong thiết kế. Phương châm thiết kế của thời kỳ này bao gồm: thích dụng, bền vững, kinh tế; phải đẹp và phải ở trong điều kiện có thể về kinh phí hạn hẹp, tiêu chuẩn thiết kế thấp (ở ngưỡng tối thiểu)”.
Thời kỳ này cũng có rất nhiều những kiến trúc công trình công cộng quy mô, đa dạng, phong phú về thể loại và phong cách đã ra đời như: Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (khởi công năm 1978), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (khởi công năm 1973), Khách sạn Thắng Lợi (khởi công năm 1973)… Với kiến trúc nhà ở, đây cũng là bước phát triển đoạn tuyệt với nhà ở “ký túc xá”, “công xã” và chuyển hẳn sang căn hộ khép kín. Hà Nội được nhận diện với những mẫu nhà lắp ghép với các cấu trúc căn hộ mới. Điều đặc biệt nhất là những công trình luôn hướng tới phong cách hiện đại ở hình khối và tính bản địa, phù hợp với điều kiện khí hậu.
Nhưng bên cạnh những công trình, ước mơ và khát vọng của những kiến trúc sư trong bối cảnh khắc nghiệt cũng cần được nhắc tới trong di sản kiến trúc thời bao cấp. Bởi đối mặt với những khó khăn về tình hình kinh tế và xã hội, vật liệu, không gian sáng tạo, sự giao lưu tri thức nhưng những kiến trúc sư vẫn luôn có khát vọng vươn lên để xây dựng một đất nước hiện đại, xây dựng một xã hội mới qua kiến trúc, mang lại cuộc sống tốt đẹp, thoải mái nhất cho người dân. Một trong những câu chuyện thể hiện rõ nét nhất là “cuộc cách mạng bếp - xí - tắm”.
Thời bao cấp, chỉ có cán bộ cấp trung (cấp cục trưởng) mới được phân 1 căn hộ 2 phòng, cán bộ cấp cao (cấp thứ trưởng) được phân 2 căn hộ. Còn với đa số cán bộ, công nhân viên, chủ nghĩa bình quân được áp dụng - thường hai, ba gia đình ở chung một căn hộ, thậm chí ở chung phòng, sử dụng chung nhà bếp, nhà vệ sinh và nhà tắm. Vào đầu những năm 1980, tỷ lệ hộ chia sẻ căn hộ/ phòng hay ở chung/ ở tập thể ở Kim Liên là khoảng 61% (“Kiến trúc Hà Nội thế kỷ 19 - 20”, Đặng Thái Hoàng, Nxb Hà Nội, 1985). Sau khi đi học từ Liên Xô về, Kiến trúc sư Trương Tùng là người có 5 năm trải nghiệm cuộc sống trong khu tập thể Văn Chương, ông rất thấm nỗi khổ của người dân khi không có những không gian sinh hoạt riêng. Vì vậy, ông là người đã đưa ra chủ trương thiết kế căn hộ 2 phòng nhỏ để tiện phân chia, đồng thời thiết kế căn hộ có bếp và phòng tắm riêng.
Nhưng từ chủ trương đến thực hiện được là một hành trình rất dài. PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, sau này đã sưu tầm tài liệu của các nhà khoa học và từng trò chuyện sâu với KTS Trương Tùng, chia sẻ: “Trong quá trình đi học ở Liên Xô, KTS Trương Tùng đã sưu tầm 21 bản vẽ của các nước ở Châu Âu về cách các nước thiết kế không gian sống, mang về Việt Nam để thuyết phục cấp trên thực hiện. Ông kiên trì cho đến khi thuyết phục được. Năm 1969 - 1971, công trình nhà tập thể có bếp - xí - tắm đầu tiên được thí điểm trong trường Đại học Bách Khoa. Công trình đầu tiên này phải xây bằng tấm bê tông lớn nhưng Việt Nam lúc ấy chưa có nhà máy bê tông. Trong một lần đi dọc sông Hồng, ông thấy người ta đổ xỉ than bỏ đi. Ông nói rằng “cái tôi cần thì người ta lại bỏ”. Và ông đã đề xuất sử dụng xỉ than để làm bê tông tấm lớn, vừa nhẹ, vừa tiện dụng. Những tấm bê tông lớn đầu tiên ở nước ta được hình thành nhờ việc phơi nắng”.
Dù đã được thí điểm, KTS Trương Tùng vẫn tiếp tục không ngừng bền bỉ đấu tranh cho đến khi mô hình nhà tập thể này được thực sự xây dựng rộng rãi. Phải tới năm 1987, Nhà nước mới chính thức đưa ra tiêu chuẩn thiết kế xây dựng nhà ở, trong đó “căn hộ phải được thiết kế độc lập, khép kín với đầy đủ các bộ phận: phòng khách và các bộ phận phụ trợ” (Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 1987). Những bài học từ ước mơ và khát vọng KTS Trương Tùng nói riêng hay thế hệ kiến trúc sư thời bao cấp nói chung trở thành một phần trong di sản kiến trúc.
“Ngoài tinh thần sáng tạo trong nghịch cảnh, bền bỉ và tâm huyết với ước mơ còn là sự ảnh hưởng lâu dài của kiến trúc thời bao cấp đến kiến trúc Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các giá trị về tính bền vững, thực dụng và tinh thần cộng đồng. Những ước mơ và khát vọng của thế hệ kiến trúc sư thời ấy cũng đã tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam hiện đại, và là nguồn cảm hứng cho thế hệ kiến trúc sư trẻ tiếp tục sáng tạo”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy đúc rút.
“Hào hùng và bi tráng” là vậy nhưng trong câu hỏi “Kiến trúc nào đại diện cho bản sắc Hà Nội?” (một khảo sát xã hội do KTS Vũ Hiệp thực hiện), kiến trúc thời bao cấp chỉ chiếm 9%. (Kiến trúc truyền thống chiếm 56%, kiến trúc Pháp chiếm 18% và kiến trúc đương đại chiếm 17%). Để lý giải cho tỷ lệ hạn chế về di sản kiến trúc thời bao cấp, KTS Vũ Hiệp đã thực hiện một cuộc tổng hợp ý kiến của các chuyên gia. “Kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986 được xây dựng trong giai đoạn đất nước khó khăn nên quy mô, sự phong phú về hình khối, cũng như chất lượng vật liệu không bằng các giai đoạn khác. Ký ức xã hội cũng khá phức tạp - trong khi vẫn nhớ về giai đoạn đó vì tự hào chiến thắng Mỹ nhưng lại muốn quên đi những khó khăn về kinh tế và đói nghèo do không được tự do kinh doanh và sản xuất. Kiến trúc giai đoạn này cũng ít được quảng bá đến công chúng. Khảo sát các sách lịch sử kiến trúc trong 10 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy sự thống trị của các cuốn sách về kiến trúc thuộc địa Pháp và sự vắng bóng của kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986”, KTS Vũ Hiệp cho biết.
Nhìn lại kiến trúc thời bao cấp trong bối cảnh 5 năm Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO có thể thấy kiến trúc thời kỳ này cần được đánh giá khách quan hơn. Hà Nội là thành phố lớn duy nhất ở Đông Nam Á có một hệ thống di sản kiến trúc XHCN rõ nét, đầy đủ: công trình công nghiệp, công cộng, nhà ở. Những công trình đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh quá khứ, văn hóa và bản sắc của thành phố, cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá trình phát triển của thành phố theo thời gian. Đây cũng là một nguồn lực đặc biệt của Hà Nội để xây dựng thương hiệu đô thị: Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo./.