Theo sử sách ghi lại, kinh thành Thăng Long có 5 cửa ô như: Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác và Ô Quan Chưởng. Mỗi cửa ô đều được xây dựng như một chiếc cổng, ngày mở, đêm đóng và có rào, có tuần đi canh phòng nhằm ngăn ngừa đạo chích, canh chừng hỏa hoạn. Là cửa ô duy nhất còn sót lại của kinh thành Thăng Long. Ô Quan Chưởng (hay còn gọi là Ô Đông Hà, Ô Thanh Hà, Ô Cửa Đông), tên chữ là Đông Hà môn (tức cửa phường Đông Hà), nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Ô Quan Chưởng gồm 2 tầng, được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổng vọng lâu. Cổng có một cửa chính (cao 3m), trên có tháp canh và hai cửa phụ ở hai bên... ...tầng 2 có vọng lâu 4 mái uốn cong 4 góc, có lan can bao quanh. Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lầu là một khung hình chữ nhật, cao gần 1m, rộng khoảng 3m, có đắp nổi ba chữ Hán “Đông Hà Môn”. Cửa Ô Quan Chưởng đã được công nhận và xếp hạng di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Tường phía bên trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu Nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. Bao nhiêu năm dãi dầu mưa nắng, Ô Quan Chưởng đã bạc màu thời gian, dương xỉ, rêu xanh bao phủ lên những bức tường gạch sần sùi, lồi lõm... ... vẫn mang một vẻ đẹp mộc mạc và bình yên, mặc cho Hà Nội nhộn nhịp. Đối với những người gốc Hà Nội hay dân sinh sống lâu năm trên con phố Ô Quan Chưởng, Hàng Chiếu, Trần Nhật Duật..., Ô Quan Chưởng đã trở nên gần gũi và gắn bó không thể tách rời. Gắn bó với cửa Ô duy nhất còn lại của Thủ đô, ông là Tạ Văn Nhân hàng ngày không quản nắng mưa vẫn cần mẫn quét dọn, trông coi Ô Quan Chưởng. Chia sẻ với PV Người Hà Nội, ông Tạ Văn Nhân cho biết, 20 năm trước, Ô Quan Chưởng có nhiều cây dại mọc hoang, mùa mưa rễ cây bám xum xuê ra cả tường gạch rêu phong. Đồng thời, cửa ô thường bị lấn chiếm, cơ quan chức năng tuyển chọn bao nhiêu người tới trông coi nhưng cứ đến rồi đi mà không ai bám trụ được lâu. Trong lúc cơ quan chức năng tìm người thì ông Nhân xung phong đến trông coi cửa di tích... ...ông Nhân luôn mong muốn được góp chút sức lực nhỏ bé cống hiến cho Tổ quốc, gìn giữ sự thiêng liêng của dấu tích Hà Nội xưa Mùa Thu tháng 10 thong thả đi qua, bao thăng trầm, Ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đó, cố giữ gìn cho Hà Nội nghìn năm văn hiến một kỳ quan mộc mạc mà quý giá đến vô cùng. Người Hà Nội trân quý biết bao những di tích, nơi lưu dấu kỷ niệm đẹp của đời mình như Ô Quan Chưởng./.
Đình Thế