Tác giả - tác phẩm

Từ trong ta một tiếng người...

Đặng Huy Giang 10:27 30/10/2024

Trong môn chạy bộ đường dài Marathon, vận động viên không chỉ cần có sức bền tốc độ và phải có các bước bứt phá, mới hy vọng trở thành người thắng cuộc. Có sức bền tốc độ, đã khó. Có các bước bứt phá tiếp theo, xem ra còn khó khăn hơn nhiều. Không đáp ứng cùng lúc hai đòi hỏi trên, vận động viên không thể giành được thứ hạng cao. Trong văn chương nói chung và thi ca nói riêng, cũng vậy!

tho-chon-dang-cuong-lang.jpg

Với niềm đam mê văn chương một cách tự thân, trong mười mấy năm qua, nhà thơ Đặng Cương Lăng đã tự mình làm một cuộc Marathon trong thơ. Ông đã trải qua 18 chặng đường thơ với 18 tập thơ đã xuất bản - đó chính là sức bền tốc độ trong thơ. Còn các bước bứt phá trong thơ - đó là rất nhiều giải thưởng mà ông giành được ở nhiều cuộc thi do Bộ Giao thông Vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp và Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, Báo Văn nghệ, Tạp chí Người Hà Nội tổ chức… Chưa kể, tên tuổi của ông còn được đánh giá cao qua các cuộc thi thơ mang tên: “Ngàn năm hồn Việt”, “Đạo nghĩa”, “Thơ ca & nguồn cội”, “Tiếng vọng từ trái tim”...

Thơ Đặng Cương Lăng có nhiều bài mạnh về cấu tứ như “Sự thật hiển nhiên”, “Giọt thu Hà Nội”, “Khoanh thứ mười”, “Tự do”, “Nói với con trai về cầu vượt”, “Xuôi và ngược”, “Phúc - họa”, “Lặng yên”, “Nút thắt cuộc đời”, “Mã Pì Lèng”, “Những con đường”... Trong những bài thơ này, tình và ý, tâm hồn và lý trí luôn hòa quyện, trở thành một thể thống nhất, khó mà tách bạch một cách rành rẽ.
Đây là những câu thơ lạ trong “Giọt thu Hà Nội”: “Giọt rơi vào phố cổ/ Thân phận bao mái nhà/ Giọt rơi vào phố cũ/ Những tháng ngày hai ta/ Hoàn nguyên bao dang dở/ Rất gần lại rất xa”. Đây là những câu thơ lạ trong “Đất nước”: “Cả đời tôi/ ôm nặng nghĩa tình/ nhân - chia - cộng - trừ cùng đất nước”. Đây là những câu thơ lạ trong “Tổ quốc”: “Khi Tổ quốc bịt bùng giông tố/ Mẹ mơ con thành Phù Đổng mỗi ngày”... Đây là những câu thơ lạ trong “Miền Trung ngày giông tố”: “Miền Trung túi bão táp/ Oải tay cầm tháng năm/ Nổi chìm trong vùi dập/ Những dập dềnh lo toan/ Ngày dài và đêm sâu/ Nén khổ đau thành đá”. Đây là hai câu thơ lạ trong “Đồ Sơn 2”: “Thời gian trơ cạn tháng năm/ Đuổi theo con sóng trăm năm bạc đầu”... Đó là những câu thơ lạ, không chỉ ở cách nói, mà còn ở cách cảm, cách nghĩ rất riêng.

Đặng Cương Lăng là nhà thơ sở hữu nhiều câu thơ hay, để lại ấn tượng mạnh. Những câu thơ hay này như là một cách tác giả “để tiếng” với độc giả.

Câu “Rời nhà là gặp đường” trong “Những con đường” và tứ thơ “Những con đường” được nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá cao. Về câu thơ và tứ thơ này, nhà thơ Vũ Quần Phương viết: “Rời nhà là gặp đường”. Câu thơ mở đầu bài thơ “Những con đường”, dễ dàng như một câu nói về một sự, ngỡ như là đương nhiên. Đương nhiên như nói dưới trời là đất. Nhưng nếu nghĩ câu nói ấy đã đề cao đất hay hạ độ thiêng liêng của trời thì câu nói đã thành thơ, một câu thơ không dễ có. Không dễ khi định viết nhưng lại không khó khi viết ra. Nó như tự đến. Vì thế nên người đời mới nghĩ là trời cho. Trời cho nhưng người phải biết dùng”.

Câu “Cô đơn thành thói quen” trong “Mã Pì Lèng”, viết về một đỉnh núi cao nhất nước Việt, cũng là một câu thơ đáng nhớ.
Thơ Đặng Cương Lăng có nhiều câu thơ tài hoa: “Vui như khói/ buồn như sương/ Nhòa trong trời đất/ con đường/ và tôi...” trong “Nhập nhòa”, “Thời gian trơ tháng cạn năm/ Đuổi theo con sóng trăm năm bạc đầu” trong “Đồ Sơn 2”, “Buồn lắng xuống/ Vui trào lên/ Yên không lặng/ lặng không yên/ cõi người” trong “Lặng yên”...
Nhiều bài thơ có xu hướng triết lý trong thơ Đặng Cương Lăng, cũng không thiếu. Đó là “Phúc - họa” với: “Những người đi cầu phúc/ Phúc ở bến mù khơi/ Những người đi giải họa/ Họa ở chín tầng mây/ Mà sao người không biết/ Phúc - họa đầy trên tay”. Đó là “Thật và giả” với: “Giả giống y như thật/ Thật giống giả dễ gì/ Đã không cảnh chia ly/ Làm sao ra nước mắt!”. Đó là “Xuôi và ngược” với: “Mưa rơi trên cao/ Nước chảy xuống thấp/ Thác trời đổ xuôi/ Dòng đời chảy ngược”...

Về tình yêu, Đặng Cương Lăng có một tứ thơ thật hay: “Biển muốn lặng/ Sóng lại gào/ Sông muốn lặng nước ào ào chảy nhanh/ Cây muốn lặng. Gió rung cành/ Còn em im lặng, anh thành bão giông”.
“Một tôi cộng một” là tác phẩm gần đây nhất của Đặng Cương Lăng. Chỉ xoay quanh một tôi và thêm một thôi… mà ông có cả một tập thơ có bản sắc, có nhiều nét biển ảo, đọc lên là nhớ: “Và tôi cộng một...là gì?/ Đi với ở, ở với đi xoay vần/ Phù du ở sát phù vân/ Dẫu xa thế, trời vẫn gần không xa/ Và tôi cộng một là ta/ Trái đất vẫn một mái nhà, bạn ơi/ Cùng chung số phận con người/ Hôm nay khóc, ngày mai cười, thế thôi!”.

Với bản lĩnh và phẩm chất của một thi nhân, Đặng Cương Lăng luôn dằn vặt, trăn trở với kiếp người. Ít nhất trong “Thơ chọn Đặng Cương Lăng” có đến “quá tam ba bận” trở đi, trở lại với cuộc người:

Thế giới - trò chơi
Được - thua - thua - được
Thế giới - trò chơi
Thực - hư - hư - thực

Thế giới - trò chơi
Thấp - cao - cao - thấp
Thế giới - trò chơi
Mất - còn - còn - mất

Thế giới - trò chơi
Trắng - đen - đen - trắng
Thế giới - trò chơi
Thẳng - cong - cong - thẳng

Cuộc người, cuộc người
Thế giới - trò chơi!
(Thế giới trò chơi)
Đi vướng núi
về vướng sông
bao nhiêu giăng mắc
có - không - đêm - ngày
Đi vướng đá
về vướng cây
ta bị vây bủa
đó đây cuộc người.
(Cuộc người 1)
Chẳng lo Tết đến sau lưng
Chỉ lo lửa cháy không ngừng quanh ta
Phù du mọi kiếp ấy mà
Chưa bốn chín đã năm ba đến rồi

Cuộc người là cuộc người ơi!
(Cuộc người 2)

Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất trong thơ và trong đời của Đặng Cương Lăng. Nhưng cũng không vì thế mà ông bớt yêu thương cuộc đời và con người. Là người nhân bản, ông luôn muốn “trở về với trong veo”, muốn “từ trong ta một tiếng Người”, muốn “một chữ Người lên ngôi”... Với Đặng Cương Lăng, chữ Người lúc nào cũng phải viết hoa. Chấp nhận đời sống này, sống với đời sống này, ông tỏ ra rất hiểu quy luật của đời sống: “Người đây/ kẻ đó/ lắm khi/ Giời ơi sum họp/ chia ly/ chuyện thường”. Nhiều lúc, ông ví ông và thơ của ông như hoa mai vậy.

Âm thầm đối diện mùa đông
Không nghiêng không ngả và không một lời
Suốt đời ngạo nghễ… mai ơi
Trong sương giá vẫn ngời ngời sắc hoa.

Đặng Huy Giang