Đời sống văn hóa

“Khóa học” giáo dục di sản hấp dẫn tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024

Phan Anh 29/10/2024 07:17

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 09-17/11/2024 với hơn 100 hoạt động, đặc biệt Lễ hội còn là một “khóa học” giáo dục di sản hấp dẫn và thuyết phục cho các bạn lứa tuổi học sinh.

3(1).jpg
Các em học sinh trong chương trình giáo dục di sản tìm hiểu về Thầy giáo Chu Văn An tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Việc trải nghiệm Lễ hội không những giúp tạo hành trang kiến thức mà còn khơi gợi niềm tự hào, cảm giác gắn bó và giúp định hướng sự nghiệp tương lai, để những bạn trẻ có thể gia nhập và trở thành những chủ nhân của công nghiệp văn hóa – sáng tạo trong tương lai. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 còn là dịp để các bậc phụ huynh cùng con cái khám phá nhiều di sản kiến trúc, nhiều câu chuyện lịch sử còn ẩn giấu.

Ngoài chương trình giáo dục lịch sử địa phương đang được triển khai tại tất cả các trường phổ thông, tiểu học trên địa bàn, khó có thể kể hết những chương trình trải nghiệm di sản do các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai. Điển hình như chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long có hàng loạt hoạt động như: "Em tìm hiểu di sản","Em làm nhà khảo cổ”…

Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện có nhiều chủ đề của chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám dành cho học sinh các cấp, các lứa tuổi. Các chủ đề có tên gọi: Ơ kìa con nghê, Khám phá bia Tiến sĩ, Đi tìm linh vật trên kiến trúc cổ Văn Miếu, Lớp học xưa, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ... Mỗi chủ đề là một bài học về di sản đầy thú vị với các em học sinh.

van-mieuw2.jpg
Các em học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. (ảnh minh hoạ)

Trong xu thế toàn cầu, việc khai thác sức mạnh nội tại từ văn hóa và di sản sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh to lớn. Bởi vậy, những cách nhìn nhận trước đây về giá trị và vai trò của văn hóa đang được đảo ngược ở Việt Nam.

Trước đây, văn hoá được mặc định coi là hoạt động “tiêu tiền”, nhằm tuyên truyền, cổ động, thì ngày nay, với sự phát triển của công nghiệp văn hoá, văn hoá đang trở thành hoạt động… “in tiền”, đem lại nguồn thu và sức mạnh quốc gia.

Di sản văn hoá truyền thống là nền tảng, là nguyên liệu cho hàng loạt lĩnh vực công nghiệp văn hoá: du lịch văn hoá, mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, xuất bản, ngành game, các nội dung văn hóa giải trí số… Gieo mầm tình yêu di sản, văn hoá cho giới trẻ, cũng là mở một cánh cửa tới sự nghiệp tương lai cho chúng.

khai-mac-7.jpg
Một góc không gian trưng bày về mặt nạ tuồng truyền thống tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội .

Từ 9/11 đến 17/11/2024, tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội các bạn học sinh cùng cha mẹ và các thầy cô cũng như bất kỳ ai, sẽ có cơ hội khám phá hàng loạt di sản kiến trúc nổi tiếng: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Viện bảo tàng của trường Viễn Đông Bác cổ xưa kia), Nhà hát Lớn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Đông Dương dưới thời Pháp thuộc), Bắc Bộ Phủ…

Thông qua nhiều hoạt động sáng tạo trong tuyến trải nghiệm Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 ta thấy vẻ đẹp của kiến trúc Pháp, của kiến trúc thời đại “mưa Á, gió Âu”, khi kiến trúc phương Tây giao hòa với kiến trúc phương Đông. Và ở đó, còn ẩn giấu những câu chuyện lịch sử mà có lẽ thế hệ trẻ chưa biết đến, như những vết đạn còn in trên hàng rào sắt Phủ Thống sứ Bắc Kỳ hay Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) qua gần 80 năm với bao biến thiên về kinh tế, văn hóa xã hội.

Trên nền không gian ấy là hàng loạt những cuộc triển lãm, trưng bày, trình diễn nghệ thuật, những cuộc tọa đàm, workshop… kết nối quá khứ với hôm nay và mai sau. Đó không chỉ là hiểu về quá khứ, đó là những gợi ý và nguồn cảm hứng, khơi gợi tài năng sáng tạo cho nhiều bạn trẻ, để rồi sẽ có những bạn trẻ, sẽ tìm thấy đam mê và cú hích cho mình, để có bản lĩnh và niềm tin xây dựng sự nghiệp tương lai trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa – sáng tạo, làm giàu mạnh cho thành phố và cho đất nước mình./.

Phan Anh