Đời sống văn hóa

Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là bảo vật quốc gia

Duy Minh 11:45 22/10/2024

Chum gốm hoa nâu Hiệp An là vật chứng tiêu biểu góp phần tạo nên truyền thống riêng biệt của nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỷ 13...

image00120241020204301.jpg
Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương vừa phối hợp với Hội Cổ vật Xứ Đông tổ chức trưng bày chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông – Hải Dương lần thứ nhất” và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là bảo vật quốc gia được công bố trong Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông - Hải Dương lần thứ I” tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Trưng bày sẽ mở cửa tự do phục vụ nhân dân tham quan từ nay đến ngày 3/11.

Nội dung trưng bày lần này giới thiệu tới công chúng 2 trong số 11 bảo vật quốc gia của tỉnh Hải Dương, hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương là Trống đồng Hữu Chung (được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2015) và Chum gốm hoa nâu Hiệp An.

Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào ngày 18/1/2024. Cổ vật này được phát hiện tại xã Hiệp An, huyện Kim Môn (nay là thị xã Kinh Môn) năm 1981. Đây là hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo và là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, quý hiếm, biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm, sứ thời Trần, phản ánh giá trị tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ thẩm mỹ của thời đại tạo tác.

Chum gốm hoa nâu Hiệp An là vật chứng tiêu biểu góp phần tạo nên truyền thống riêng biệt của nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỷ 13.

Ngoài hai Bảo vật quốc gia là Trống đồng Hữu Chung và Chum gốm hoa nâu Hiệp An, không gian trưng bày còn giới thiệu tới công chúng trên 800 cổ vật của gần 60 nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Những cổ vật được trưng bày đa dạng về chất liệu, phong phú về loại hình và phong cách trang trí mỹ thuật; được lựa chọn kỹ càng, có niên đại từ Văn hóa Đông Sơn đến đầu thế kỷ XX.

Hải Dương là vùng đất có bề dày lịch sử, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, đặc sắc. Địa phương hiện lưu giữ hơn 7.670 cổ vật tại các di tích và nhà truyền thống và được kiểm kê, lập hộ chiếu khoa học, cùng hàng nghìn cổ vật đang lưu giữ tại Bảo tàng và các nhà sưu tập tư nhân.

Dịp này, Hội Cổ vật Xứ Đông cũng ra mắt sách "Tinh hoa Cổ vật Xứ Đông", giới thiệu 455 bộ sưu tập gồm hàng nghìn hiện vật, là tài liệu quý trong công tác nghiên cứu, giao lưu, quảng bá các cổ vật./.

Duy Minh