Nỗ lực cho những bước tiến của văn học nghệ thuật
Năm 2024, Hà Nội đang vững bước tiến tới mốc son 70 năm giải phóng Thủ đô, đưa Thủ đô ta bước lên tầm cao mới trên mọi lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế, thu nhập và mức sống từng người dân đủ chứa đựng những cứ liệu hùng hồn nhất về sự phát triển ngoạn mục vượt bậc này.
Riêng về văn hóa, chúng ta có thể đưa ra những số liệu rất khả quan về tỷ lệ người biết chữ, số trẻ em đi học, thời gian và chất lượng hưởng thụ văn hóa của người dân, mức phát triển đầu sách và văn hóa phẩm ngành xuất bản, mức phổ cập về công nghệ thông tin toàn cầu, cũng như sự giao lưu quốc tế sâu rộng của đời sống văn hóa Thủ đô hôm nay...
Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển văn học nghệ thuật (VHNT), đối với giới sáng tác và văn nghệ sĩ, chúng ta không dễ chỉ lấy một vài dấu mốc phát triển bề nổi về số lượng hay sự tăng trưởng đơn thuần trên hình thức bên ngoài như vậy để thay thế cho những chuyển biến sâu xa về chất, có thể còn ẩn kín bên trong. Nhìn lại quá trình phát triển VHNT trong bề sâu ấy, tôi muốn đề cập đến một số vấn đề trong suy tư nội tâm của người sáng tác, qua quá trình phát triển VHNT Thủ đô 70 năm.
Trước tiên, đó là tâm trạng tự do và chủ động, là ý thức tự giác của giới sáng tác VHNT đã được đề cao và nâng lên đúng tầm. Không phải ngay sau năm 1954, chúng ta đã có được ưu thế này. Những năm trước 1975, nhiệm vụ chính của toàn dân là chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người cầm bút và làm nghệ thuật cũng ý thức rõ được trách nhiệm ấy, nên đã tự nguyện (hoặc hòa nhập theo phong trào) đưa một phần lớn sức sáng tạo của mình nhằm làm tròn trách nhiệm công dân, đưa ý thức cộng đồng của khái niệm “Chúng Ta” lên trên “Cái Tôi” nhiều lần, từ đó dẫn đến chủ đề sáng tác phổ biến là lòng yêu đất nước, sự cổ vũ hết mình cho công cuộc kháng chiến cứu nước, ca ngợi hậu phương đang căng mình xây dựng và sản xuất. Tất cả các tác phẩm VHNT ở mọi lĩnh vực phải luôn phản ánh niềm vui của người ra trận, sự lạc quan trong chiến đấu, ca ngợi những tấm gương sáng của những người đi tiên phong trên mọi mặt trận khắp tiền tuyến và hậu phương, hạn chế hoặc không nên nói đến những nỗi đau, nỗi mất mát trong đời sống... Từ đó, nhiều tiêu cực của mặt trái đời sống xã hội cũng đương nhiên là bị bỏ qua, dù vẫn có yếu tố hiện thực sắc nét.
Về lý luận, những khuynh hướng này lại được “thể chế hóa” trong “phương pháp sáng tác hiện thực XHCN”, nó có một tiêu chí cốt lõi khi nhìn vào hiện thực đời sống, thì chỉ nên nhìn vào những yếu tố mới, những khía cạnh tiên tiến, đang “đi lên”, đang tạo ra những chuyển biến tích cực cho xã hội, chứ không được nhìn vào những gì xấu đang còn tồn tại, để đấu tranh và lên án nó, như chủ nghĩa hiện thực phê phán trước cách mạng đã từng làm. Những điều này, phải mãi tới sau năm 1986, bước vào Đổi mới và hội nhập, chúng ta mới khắc phục được, và sau đó, mới tạo ra được một thời kỳ phát triển vượt bậc của VHNT, với tâm trạng được “cởi trói”, “tự cứu mình”, như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói khi trò chuyện với giới văn nghệ sĩ thời ấy. Vì vậy, khi chúng ta kêu gọi phải có “tác phẩm đỉnh cao”, “ngang tầm thời đại”, thì chúng ta cũng không nên quên những dấu mốc lịch sử này, bởi nó thực sự đã ảnh hưởng tới bộ mặt VHNT Thủ đô ta suốt những thập niên gần đây.
VHNT phải là thước đo của tâm trạng xã hội, là hàn thử biểu chính xác của xã hội. May mắn, là chúng ta đã hiểu ra điều đó, đã có nhiều nỗ lực nhằm khôi phục lại được nó và đang tạo đà cho nó phát triển đúng hướng. Chúng ta cũng đã cho phép VHNT mở cửa và hội nhập, đã cho phép tiếp thu hợp lý những giá trị cách tân của VHNT thế giới, đã cho phép văn nghệ sĩ và công chúng được giao lưu rộng rãi, tạo điều kiện cho nhiều văn nghệ sĩ nước ngoài đến làm việc, biểu diễn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, nhất là khi Thủ đô đang nỗ lực để phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta đã thực sự coi trọng sự phát triển văn hóa và con người, song song với sự phát triển kinh tế, đã tổ chức một loạt các hội nghị văn hóa mang tính lịch sử nhiều ý nghĩa những năm gần đây.
Thành ủy Hà Nội đã dành một Quỹ sáng tạo để biên soạn một bộ sách lớn gần 150 đầu sách về mọi lĩnh vực, chủ yếu là lĩnh vực văn hóa, mà thành tựu nổi bật là đã cho ra đời một tủ sách quý, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc xây dựng rộng khắp các nhà văn hóa ở các quận huyện và việc xây dựng các thư viện trên địa bàn thành phố cũng được quan tâm, song song với việc cải tiến các làng nghề truyền thống và việc tổ chức các lễ hội dân gian, hay quan tâm trùng tu các di tích văn hóa và lịch sử. Trong nhiều các Nghị quyết của Đảng từ trung ương đến Hà Nội đều đặc biệt chú trọng và đề ra các chương trình hành động cụ thể đối với việc coi trọng phát triển văn hóa và lấy con người làm trung tâm, trong đó có việc quan tâm tuyển mộ những người giỏi, có tri thức tiên tiến vào làm việc trong các cơ quan chuyên môn, nhằm ngày một cập nhật với trình độ thế giới.
Tất cả những yếu tố trên đã làm bộ mặt văn hóa những năm gần đây rõ ràng có nhiều chuyển biến lớn lao về chất, được đánh giá cao, đồng thời đang tích cực mở rộng cánh cửa giao lưu với bạn bè thế giới. Đấy đều là những tín hiệu đáng mừng cho nền VHNT Thủ đô ta đang tiến những bước vững chắc cả về lượng và về chất tới mốc son lớn: 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô./.