Sự kiện & Bình luận

Đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB nước giải khát có đường

Thu Trang 20:09 17/10/2024

Ngày 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”.

ci1.jpg
Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”.

Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Trong đó, nội dung chính sách được bổ sung mới tại dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế” quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt”. Đồng thời, dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, CIEM thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường, từ đó cung cấp thêm các thông tin về những tác động đa chiều và toàn diện hơn. Dự thảo được xây dựng chưa đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế, trong khi dự thảo đưa ra nước giải khát có đường sẽ áp thuế TTĐB 10%, chắc chắn sẽ có tác động và ảnh hưởng trực tiếp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng ngành đồ uống. Song, trong 7 tháng đầu năm, ngành ăn uống và lưu trú thành lập mới giảm 10,7%, và tạm ngừng kinh doanh tăng 16,2%. Các ngành này giảm tác động trực tiếp tới ngành du lịch, nông nghiệp… Do vậy, dự thảo chưa có đánh giá rộng hơn các khía cạnh kinh tế, nếu áp theo tiêu chuẩn Việt Nam là chưa thực sự công bằng, đảm bảo tính thực tiễn. Trong khi đó, nghiên cứu tác động của CIEM đã chỉ ra, việc đánh thuế sẽ khiến quy mô ngành nước giải khát bị thu hẹp đáng kể, với giá trị tăng thêm giảm 5.650 tỷ đồng.

Đồng thời, việc áp thuế TTĐB không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Điều này khiến cho tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương 55.077 tỷ đồng. Cùng với đó, kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng; khấu hao tài sản cố định giảm ở mức -0,654% (tương đương giảm 7.767 tỷ đồng); lợi nhuận giảm với mức -0,561% (tương đương giảm 8.773 tỷ đồng).

CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, bởi thời gian qua, doanh nghiệp ngành nước giải khát liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp ngành nước giải khát suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn. Giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì ban hành các quy định có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng đề xuất cơ quan soạn thảo cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý. Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục.

ci2.jpg
Phó trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà chia sẻ tại hội thảo.

CIEM đề xuất Hiệp hội ngành hàng (cụ thể là Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)) cần chủ động cập nhật, phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở khoa học tới cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo Luật và các hiệp hội cũng cần hợp tác trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm; kịp thời thể hiện quan điểm chính sách; phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách, để đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp còn khó khăn hiện nay, để góp phần dự thảo luật được ban hành hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như góp phần đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp ngành nước giải khát dựa trên các cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, VBA kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chưa bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phó trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc áp dụng với thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường sẽ tác động lớn tới người tiêu dùng, doanh nghiệp. Vì vậy, cần có cơ sở đánh giá khoa học, cũng như có những bằng chứng thuyết phục hơn nữa về việc áp thuế hay không áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường. Các cơ quan liên quan đưa ra chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tình hình kinh tế Việt Nam và sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng. Hiện nay có nhiều luồng ý kiến về vấn đề này và cần thêm nhiều nghiên cứu cụ thể./.

Thu Trang