Tác giả - tác phẩm

“Chuyện người Hà Nội”: Phác thảo chân dung người Hà Nội tử tế

Minh Đan 13:49 14/10/2024

Người Hà Nội từ lâu đã trở thành một danh xưng, tuy nhiên hiểu về danh xưng ấy là một điều không dễ. Đã có nhiều tác phẩm đi sâu khai thác, làm nổi bật khái niệm người Hà Nội từ ngôn ngữ ăn nói, nếp sống thị dân lâu đời, cung cách ăn mặc, ứng xử... “Chuyện người Hà Nội” (NXB Văn học, 2024) là một trong số đó. Qua những câu chuyện, ghi chép nhân văn, cuốn sách góp phần phác họa sắc nét bức chân dung về người Hà Nội tử tế.

bia-sach-chuyen-nguoi-ha-noi.jpg

Tác giả “vẽ”, độc giả chiêm nghiệm

Góp mặt trong cuốn sách về Hà Nội này có cả những người “muôn năm cũ”, những người đang hoàn thành công trình nghiên cứu của cuộc đời và những người đang khảo cứu, tiếp nối truyền thống mảnh đất Kinh kỳ như: đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà văn hóa Phan Kế Bính, nhà cách mạng và nhà hoạt động văn hóa xã hội Hoàng Đạo Thúy, nhà nghiên cứu dân gian Trần Văn Mỹ, nhà giáo Đặng Thiêm, con gái của nhà thơ Quang Dũng - nhà giáo Bùi Phương Thảo, nhà báo Đặng Thủy…

Dòng thời gian của cuốn sách, vì vậy, mang tính bao quát, trải rộng từ thời phong kiến, qua các triều đại, những cuộc kháng chiến đến đầu thế kỷ XXI. Những phác thảo bối cảnh của tác phẩm cũng rất rộng, đi khắp từ huyện Gia Lâm đến quận Bắc Từ Liêm, quận Tây Hồ, quận Hà Đông (Hà Tây cũ), hồ Hoàn Kiếm… Và có thể đang vừa ở giữa sân đa, mái đình lại bước vào trong một ngôi nhà, đến thăm nhà thầy thuốc, chứng kiến một tình bạn, một đám ma, một giờ học… “Nhân vật chính” trong từng câu chuyện cũng có xuất thân khá phong phú, từ dân làng, người học trò, danh y, người thầy, ông Nghè, quan Tổng đốc, nhà thơ, nhà văn…

Sự thay đổi không gian, thời gian và tác giả trong cuốn sách khiến người đọc có cảm giác như đang được quan sát một bức phác thảo về Hà Nội, không phải ở cảnh sắc mà ở những con người rất Hà Nội. Xem và chiêm nghiệm những phác thảo này, người đọc sẽ không cần phải lựa chọn ai mang đặc điểm “Hà Nội nhất” hay nhìn vào đâu sẽ thấy rõ cốt cách của người Hà Nội nhất bởi tất cả đều là… Hà Nội. Cái hay là ở chỗ, dù tự mình trải nghiệm, chứng kiến hay trích ra từ chính sử, tộc phả các dòng họ, chuyện kể dân gian, những bài viết trong sách đều có một điểm chung là tái hiện rất thật, rất sống động và chuyện nào cũng mang hơi thở thời đại.

Sự thông tỏ về lịch sử, chữ Nho, chữ Quốc ngữ, điển tích… cũng đã được một số tác giả thể hiện rõ trong không ít tác phẩm. Với cách sắp xếp khoa học, có những chú thích, lý giải ngắn gọn, vừa đủ về bối cảnh (một số bài về chính tác giả), các tác giả giúp người đọc dễ dàng theo dõi, chứng kiến câu chuyện, nhân vật.

Kể chuyện bằng lối viết ý nhị, sâu sắc

Từ trước đến nay, những câu chuyện, đặc biệt là chuyện kể từ (và kể về) những nhân vật có thật luôn dễ nhớ và dễ đi vào lòng người nhất. Nhóm tác giả và người biên soạn “Chuyện người Hà Nội” càng hiểu rõ điều này hơn ai hết. Vậy nên không khuyên răn, dạy bảo, họ chỉ kể chuyện bằng lối viết ý nhị, sâu sắc để đưa ra những bài học. Đó là những bài học “muôn đời đúng”, là những lẽ thường giản dị như: ăn ở thật thà, có chí thì nên, làm người thì phải trung thực, làm quan thì phải liêm khiết, dạy con cái thì phải vừa khéo léo vừa kỷ luật, yêu trẻ thơ, cung kính người già, làm trò phải tôn sư trọng đạo, làm con phải giữ chữ hiếu…

fc8b1f61-ca84-412e-9a2e-0c5d1e366770.jpg

Trong bài viết “Bát cháo cá trê nấu sắn ấm tình người”, tác giả Đặng Thiêm ngoài kể câu chuyện xúc động về tình cảm hai vợ chồng đã bỏ cả làm để chăm sóc thầy giáo trẻ, còn khéo léo đưa ra công thức về món ăn rất lạ: “Ông Nghinh thấy vậy phấn khởi lắm. Ông nói: “Các cụ tôi dạy, cái anh cá trê nấu sắn này là nhất. Mà cũng dễ thôi, cá làm sạch, khứa hai bên, ướp mắm muối, đảo qua rồi cho nước lã vào. Chỉ nước lã thôi. Chớ có cho nước sôi mà tanh. Đun sủi lên. Sắn, phải chọn loại sắn da xoan nó mới bở, xắt khúc nửa gang tay tra vào. Chớ có thái nhỏ mà nó lỏn nhỏn. Khi nào khúc sắn bở ra, lấy đũa đánh, rút bỏ lõi, xương cá, đầu cá bằng hết, khỏa đều luôn tay cho nhuyễn, cho khỏi sát, là xong!”.

Con gái nhà thơ Quang Dũng - nhà giáo Bùi Phương Thảo viết về tình bạn trọn nghĩa giữa cha mình và nhà thơ Trần Lê Văn: “Sau khi cha tôi mất, cũng là bác Văn viết lời điếu đọc trong lễ tang của cha tôi. Điếu văn có đoạn: “Xưa nay những nghệ sĩ tài năng dù có sống đến trăm tuổi vẫn là quá ít đối với người đời, vẫn là những con chim sơn tiêu bay qua rừng cây, rừng người rồi bay đi mất. Chim hiếm quý có gửi lại một cánh lông rực đẹp cũng là đáng quý”. Rồi một năm sau, nhân ngày giỗ đầu của cha tôi, bác Văn cùng những người bạn văn của ông tổ chức một buổi tưởng niệm tại Thư viện Hà Nội, khán phòng chật kín bạn bè và người yêu thơ Quang Dũng. Nhiều bài viết, bài phát biểu về cuộc đời và tác phẩm của cha tôi tại buổi tưởng niệm đã thực sự gây xúc động”.

Những nét đẹp trong cách ứng xử của người Hà Nội xưa và nay, như nhà nghiên cứu dân gian Trần Văn Mỹ - Chủ biên cuốn sách có nói trong trang giới thiệu: “Phẩm chất đặc biệt của người Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội qua 10 thế kỷ làm ăn và xây dựng: Trong chiến đấu giữ nước thì rất đỗi anh hùng; trong làm ăn thì cần cù, khéo léo; trong cuộc sống thì đôn hậu, lịch lãm trong từng đường ăn nét ở”.

Khi mới đọc cuốn sách, tôi vẫn nghĩ nếu những câu chuyện trong sách được phân rõ thành từng chương theo dòng thời gian, các giai đoạn lịch sử hoặc giữa những người viết theo chuyện kể và chuyện tự mình trải nghiệm… thì sẽ dễ theo dõi hơn. Nhưng rồi khép quyển sách lại, tôi lại có cái nhìn khác hơn rằng lối sắp xếp tự nhiên, đan xen vào nhau như hiện tại cũng là một cách hay để người đọc giữ tỉnh táo, hiện diện trong từng trang sách để nắm bắt bối cảnh cụ thể hơn; và cũng sẽ thấy dù ở thời nào, đang đứng ở góc nào của Hà Nội để quan sát thì thông điệp nhân văn vẫn sẽ luôn rải khắp như vậy.

Sau cùng, quyển sách sẽ phù hợp với những người muốn bước vào một bầu không khí văn minh, dễ chịu; muốn cắt nghĩa cốt cách thanh lịch, tử tế và muốn mình cũng biết cách để trở nên như thế thì đều nên đọc “Chuyện người Hà Nội”. Và cuốn sách này cũng có thể trở thành một thức quà đẹp của Hà Nội, dành cho những người yêu Hà Nội từ xưa đến nay./.

Minh Đan