Lý luận - phê bình

70 năm văn học Thủ đô nhìn từ thế hệ và thành tựu

Nhà văn Bùi Việt Thắng 19:55 13/10/2024

Hội Nhà văn Hà Nội hiện nay có gần 700 hội viên thuộc các ngành sáng tác thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật và khảo cứu. Chưa có một thống kê cụ thể và đầy đủ số lượng các nhà văn chuyên môn hóa sáng tác khi lựa chọn thể loại văn học nhưng ước tính thì số người làm thơ và viết văn xuôi là không bên nào áp đảo bên nào. Nói hình ảnh thì thơ và văn xuôi là hai dòng chủ lưu thao thiết chảy tạo nên diện mạo cũng như khí sắc văn học Thủ đô trong vòng bảy thập kỷ qua (1954-2024). Đặc điểm của đội ngũ nhà văn Hà Nội thường là “2 trong 1” (vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội). Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Hà Nội là Thủ đô với ưu thế tập trung tinh hoa, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của cả nước. Tạo tác nên thành tựu văn học Thủ đô qua các chặng đường văn từ 1954 - 2024 là sự nỗ lực của các thế hệ nhà văn, theo quy luật tre già măng mọc.

Trong bài viết nhỏ, chúng tôi chỉ giới hạn bàn luận về những đặc điểm cơ bản trong lĩnh vực sáng tác văn xuôi Thủ đô trên tiến trình sử văn 70 năm nhìn từ thế hệ và thành tựu chính. Văn xuôi trên chặng đường 70 năm (1954-2024) đã tạo nên “mặt tiền” của văn học Thủ đô, vùng địa linh nhân kiệt có truyền thống lịch sử hơn một ngàn năm.

Bảy mươi năm văn học Thủ đô - nhìn từ thế hệ

Thế hệ tiền chiến: Sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) các nhà văn thế hệ trước 1945 như Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Bùi Hiển, Tô Hoài, Thanh Châu,... vẫn đang ở độ tuổi tráng niên trong nghề chữ. Ngay cây đại thụ Nguyễn Công Hoan (sinh 1903) thời điểm lịch sử này đã vào độ tuổi ngũ thập tri thiên mệnh nhưng vẫn rèn bút không nghỉ để viết một công trình có tính nghề nghiệp viết văn súc tích và thâm hậu “Đời viết văn của tôi” (hồi ức, 1970). Nó như một tập đại thành về nghề chữ, hay nói cách khác là một kiểu bảo bối, cẩm nang “lao động nhà văn”.

z5891043566773_fd61b6e42bbd54865c1689ee11bc1a01.jpg

Trong lớp nhà văn tiền bối này có hai cây bút tượng trưng cho hai cực đầy và vơi là Tô Hoài và Kim Lân. Nhưng dẫu đầy hay vơi thì tác phẩm của họ cũng vẫn trở thành mẫu mực của lao động chữ nghĩa lúc nào cũng uy nghiêm và trang trọng. Vẫn là những trước tác cho học sinh cấp THPT đọc để tri nhận vẻ đẹp của đời sống và con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đáng ghi nhớ nhất (“Vợ nhặt” của Kim Lân, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài đều đứng chân trong SGK Ngữ văn 12). Riêng Tô Hoài, một trưởng lão làng văn Thủ đô khi đã qua tuổi 80 vẫn ra tiểu thuyết thuộc loại best-seller “Ba người khác” (2005), chưa tính đến “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều”, những tập hồi ký “hot” được tái bản nhiều lần với số lượng lớn, như là biểu trưng cho nỗi mong mỏi của nhà văn thời nay viết sách vừa hay - vừa bán chạy.

z5891043524716_866c59611dff704b12c351194cf03b0f.jpg

Nguyễn Tuân tài hoa và độc đáo trong “Sông Đà” (1960), “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (1972), hai tập ký được viết ở ngưỡng tuổi 50 - 60 chứng tỏ không phải chỉ “vang bóng một thời”, mà thời nào cũng vang bóng. Bùi Hiển sau 1954 vẫn miệt mài sáng tác truyện ngắn và ký, ông viết và đóng góp trong lặng lẽ. Tập truyện ngắn “Tâm tưởng” (1985) ra mắt lúc nhà văn 66 tuổi ghi dấu sức nghĩ, sức viết theo tinh thần đổi mới văn học.

Thế hệ chống Pháp và Mỹ: Đông đảo và hùng hậu hơn cả là những nhà văn trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đó là những cây bút chủ lực trên văn đàn và ngày càng trở nên quen thuộc với độc giả như Lê Minh, Hồ Phương, Vũ Tú Nam, Từ Bích Hoàng, Phù Thăng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Xuân Sách, Dũng Hà, Nguyễn Trọng Oánh, Hữu Mai, Hà Minh Tuân, Nguyễn Xuân Khánh, Sao Mai, Lê Bầu, Hà Ân, Nguyễn Dậu, Xuân Cang, Vũ Thị Thường, Vũ Bão, Lê Văn Ba, Ông Văn Tùng, Ma Văn Kháng, Hoàng Quốc Hải, Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Văn Toại, Nguyễn Bắc Sơn, Lê Lựu, Hà Phạm Phú, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Đào Thắng, Phạm Ngọc Chiểu, Nguyễn Đắc Như, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Đình Chính, Khuất Quang Thụy, Trần Huy Quang, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Bảo, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Lê Hoài Nam, Phạm Ngọc Tiến, Đoàn Tuấn, Nguyễn Trọng Văn, Thế Đức, Bùi Thanh Minh, Trung Sỹ,... Đây là những cây bút trải qua lửa đỏ và nước lạnh, sống qua cả hai thời chiến tranh và hòa bình. Hơn ai hết, viết văn với họ trước sau tuân theo nguyên tắc văn hóa - đạo đức - thẩm mỹ “Viết để chống lại sự lãng quên lịch sử và con người”.

z5891043562580_3453d9e7c0ecbd5e62b39a927416ab74.jpg

Thế hệ hậu chiến và đổi mới: Là sự bổ sung lực lượng sáng tác Thủ đô với những tên tuổi mới và đóng góp mới của Vũ Ngọc Tiến, Phạm Lưu Vũ, Bùi Việt Sỹ, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Thị Trường, Lê Phương Liên, Trần Chiến, Phạm Hoa, Xuân Ba, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Y Ban, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà, Vũ Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Thu Huệ, Thùy Linh, Phan Đình Minh, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Lê Anh Hoài, Hà Nguyên Huyến, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Bình Phương,... Đặc điểm của thế hệ hậu chiến là nhờ được hưởng ân huệ của thời gian và lịch sử trong Đổi mới nên tinh thần tự do sáng tác cởi mở, nhiều tiền đề thuận lợi cho khích lệ, cổ vũ những tìm tòi cá nhân, trình diện cao độ cái tôi nghệ sĩ. Giải thưởng thường niên năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho Một ví dụ xoàng (tiểu thuyết) của Nguyễn Bình Phương là một ví dụ điển hình về sự dũng cảm của tác giả và sự cởi mở của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trong tư duy mới về văn học.

Thế hệ F (7X, 8X, 9X...): Đang là niềm hy vọng của xã hội vào những bước tiến ngoạn mục của văn học Thủ đô và nước nhà. Tên tuổi và tác phẩm của họ đang chiếm lĩnh cảm tình của độc giả, sách của họ bán chạy. Tiếp nối trước sau là Đào Bá Đoàn, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Như Bình, Nguyễn Phương Liên, Kiều Bích Hậu, Lưu Sơn Minh, Di Li, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Vĩnh Huỳnh, Nguyệt Chu, Đinh Phương, Nhật Phi,... Khi người ta trẻ thì suy nghĩ, cảm xúc và viết khác với các thế hệ trước là chuyện bình thường. Với họ, cái mới là cái khác lạ, là sự trình hiện cao độ cái tôi nghệ sĩ, là tìm tòi và bứt phá. Nguyễn Đình Tú nay say mê fantasy trong hình hài “Bãi săn” - đang là sách bán chạy (best - seller). Phạm Duy Nghĩa phóng khoáng đến tận cùng với “Người bay trong gió xanh” đang kiến tạo cho mình một dòng chảy văn học xanh. Lưu Sơn Minh, Uông Triều, Đinh Phương say sưa với lịch sử, làm sống lại dĩ vãng theo tinh thần “ôn cố tri tân”. Như Bình mê mài với “Bùa yêu”. Vẽ, viết văn, làm thơ rõ là một nghệ sĩ đang lên đồng sáng tác. Nhật Phi còn rất trẻ ở độ tuổi “tam thập nhi lập”. Một cây bút văn xuôi giàu nội lực và triển vọng. Kiều Bích Hậu đang ôm ấp giấc mơ công dân toàn cầu cả trong văn và trong đời. “Nắng Thổ Tang” (tiểu thuyết lịch sử) của Đinh Phương giành Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2021, là những ví dụ củng cố niềm tin của độc giả vào thế hệ F.

70 năm văn học Thủ đô - Nhìn từ thành tựu thể loại và phong cách nghệ thuật

Xem xét, đánh giá thành tựu thể loại là một phương pháp tiếp cận lịch sử văn học vì thể loại luôn được coi là “nhân vật chính” của mọi nền văn học. Ai đó nói thuyết phục rằng, thể loại chọn nhà văn chứ nhà văn không chọn thể loại (!?).

Trong các thể loại văn học thì tiểu thuyết luôn được coi là “cỗ máy cái” của một nền văn học trưởng thành. Tiểu thuyết lịch sử là mảng sáng tác văn xuôi thành công nhất của văn học Thủ đô (1954 - 2024) với sự đóng góp của các nhà văn Hà Ân (Quận He khởi nghĩa), Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly), Hoàng Quốc Hải (Bão táp triều Trần), Bùi Việt Sỹ (Chim bằng và nghé hoa), Nguyễn Trọng Tân (Thiên mệnh), Lê Hoài Nam (Mỹ nhân nơi đồng cỏ), Trần Thanh Cảnh (Đức Thánh Trần), Lưu Sơn Minh (Trần Quốc Toản), Uông Triều (Sương mù tháng Giêng),... Tiểu thuyết lịch sử giúp con người hiện tại tìm câu trả lời cho những vấn đề nóng hổi và cấp thiết của đời sống hôm nay.

Tiểu thuyết chiến tranh của Xuân Thiều (Thôn ven đường), Nguyễn Minh Châu (Miền cháy), Nguyễn Trọng Oánh (Đất trắng), Trần Huy Quang (Nước mắt đỏ), Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Chu Lai (Ăn mày dĩ vãng), Khuất Quang Thụy (Đỉnh cao hoang vắng), Trung Trung Đỉnh (Lạc rừng), Nguyễn Trọng Tân (Thư về quá khứ), Đoàn Tuấn (Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt), Vũ Minh Nguyệt (Khi cuộc chiến đi qua),... đã chứng minh nhận định của Chu Lai hoàn toàn đúng “Chiến tranh là một siêu đề tài, người lính là một siêu nhân vật”. Cùng với tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết chiến tranh hợp thành bức tranh toàn cảnh (panorama) về xã hội Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử nhiều biến động đáng ghi nhớ nhất trong thế kỷ XX.

Tiểu thuyết thế sự - đời tư của Tô Hoài (Ba người khác), Hà Minh Tuân (Vào đời), Ma Văn Kháng (Đám cưới không có giấy giá thú), Nguyễn Bắc Sơn (Lửa đắng), Hoàng Minh Tường (Thủy hỏa đạo tặc), Bùi Việt Sỹ (Người đưa đường thọt chân), Nguyễn Đình Chính (Đêm thánh nhân), Nguyễn Hiếu (Vàng dưới đáy sâu), Trung Trung Đỉnh (Ngõ lỗ thủng), Dạ Ngân (Gia đình bé mọn), Trần Chiến (Đèn vàng), Tạ Duy Anh (Lão khổ), Nguyễn Bình Phương (Một ví dụ xoàng), Y Ban (Xuân Từ Chiều), Thùy Dương (Chân trần), Võ Thị Xuân Hà (Tường thành), Nguyễn Việt Hà (Khải huyền muộn), Trần Thị Trường (Phố Hoài), Đỗ Bích Thúy (Cửa hiệu giặt là),... đã tạo nên bức tranh rộng và sâu về những bể dâu đời người, những số phận chìm nổi, những nước mắt và nụ cười, những vinh quang và cay đắng của kiếp người.

Truyện ngắn là thể loại văn học đang lên ngôi, ở thế thượng phong tạo nên “chân tủy” của văn học Thủ đô thời hiện đại. Các tác giả truyện ngắn tiêu biểu như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh, Hồ Anh Thái, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Duy Nghĩa,... đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển bền vững văn học. Mỗi tác giả đều viết từ 100 đến 200 truyện ngắn. Tất nhiên trong nghệ thuật quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” là bất di bất dịch. Ở đây người đọc nhận thấy số lượng và chất lượng cân đối, hài hòa. Và công lao của các nhà văn chính là ở chỗ góp phần “kê cao” nền truyện ngắn dân tộc vốn có truyền thống lâu đời từ trong văn học trung đại.

Ký của Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Băng Sơn, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Hồ Anh Thái,... được độc giả tiếp nhận nồng nhiệt. Đọc ký của các tác giả này chúng ta cảm nhận được dòng đời ào ạt tuôn chảy, ròng ròng sự sống và nhân tâm thời đại hiển hiện trên từng con chữ. Ký văn học đã đem đến những thông tin thẩm mỹ chắt lọc và bổ ích trong quá trình nhận thức thực tại ngày càng trở nên phong phú và phức tạp hơn trước. Ký vượt thoát con số và sự kiện, vượt thoát tính chất cập thời vũ góp phần bồi bổ và nâng cao mỹ cảm của độc giả. Một số trường hợp ký như thể là những bài ca lao động bằng chữ về vẻ đẹp của tạo hóa và đời sống của con người trong hăng say cống hiến. Tiêu biểu là “Sông Đà” của Nguyễn Tuân.

Phong cách nghệ thuật đa dạng là dấu chỉ ghi nhận sự giàu có của một nền văn học phát triển bền vững. Có thể nói đến phong cách cổ điển trong sáng tác của các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Thanh Châu, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu,... Lại có thể bàn luận về phong cách hiện đại mang dấu ấn thời đại của Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái khi xem xét chúng trong bối cảnh đổi mới văn học và xu thế toàn cầu hóa với quy luật hội nhập ngày càng sâu rộng khi văn học Việt Nam dần dần có vị trí xứng đáng trên bản đồ văn học thế giới./.

Vĩ thanh

Cảm hứng tương lai mới thực sự là giá đỡ cho mọi thành công. Nhưng ôn cố tri tân là động thái tinh thần tích cực cần thiết để tích lũy kinh nghiệm lịch sử cho các hoạt động của con người, trong đó có văn học nghệ thuật. Văn học Thủ đô nói chung, văn xuôi nói riêng trên hành trình bảy mươi năm đã đơm hoa kết trái dâng tặng nhiều quả ngọt bốn mùa. Bất luận là người Hà Nội gốc hay người yêu Hà Nội chân chính đều có thể tâm niệm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với mỗi người là một trái tim hồng.

Nhà văn Bùi Việt Thắng