Hà Nội xưa - nay

Chuyện ở hàng nước mắm

Lê Phương Liên 06:56 13/10/2024

Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.

pho-hang-be-xua-chup-tu-nga-tu-cau-go-hang-be-hang-thung-hang-dau-.jpg
Phố Hàng Bè xưa (chụp từ ngã tư Cầu Gỗ - Hàng Bè - Hàng Thùng - Hàng Dầu).

Tôi nhớ nhất hàng nước mắm ở phố Hàng Bè. Đó là một ngôi nhà mặt phố có mặt tiền rộng. Ở giữa là lối vào nhà, hai bên là dãy cửa bức bàn được khép kín lại khi nhà hàng đóng cửa. Khi mở cửa bán hàng, những cánh cửa gỗ bức bàn được xếp lại, không gian cửa hàng thoáng rộng hiện ra, đi trên vỉa hè ngoài phố đã có thể nhìn rõ những dãy chum vại xếp bên trong. Có chiếc chum lớn cao cỡ mét rưỡi, đường kính non một mét. Có chum cỡ nhỏ hơn và thấp hơn, có cả loại chum xinh xinh. Có chum đựng nước mắm ngon, có chum nước mắm vừa và có loại thường (gọi là nước mắm dùng để nấu chứ không là nước chấm). Có chum đựng tương, chum đựng dấm nữa.
Ngoài các loại chum còn có thêm vại. Cũng làm từ đất nung, vai chỉ khác chum ở hình dáng. Miệng vại có hình tròn. Chum thường có miệng chum, giữa chum to và thắt lại ở đáy chum. Vại có hình trụ từ trên xuống dưới, đường kính bằng nhau thường để muối dưa, cà hay đựng muối… Ngày xưa, mỗi lần đi mua nước mắm, tôi thường đứng nhìn những dãy chum vại của cửa hàng mà tưởng tượng rằng chúng không phải là vật vô tri mà có thể cất tiếng trò chuyện với tôi lúc nào không biết.

nga-3-hang-bac-nhin-ra-hang-be-xua.jpg
Ngã 3 Hàng Bạc nhìn ra Hàng Bè xưa.

Ngoài chum vại, cửa hàng còn có thùng gỗ đựng nước mắm. Xưa, người ta thường vận chuyển nước mắm từ miền biển về Hà Nội bằng những chiếc thùng gỗ có đai và đậy nắp rất chặt. Những chiếc thùng gỗ ấy được xếp lên thuyền buồm theo đường biển rồi vào đường sông Hồng để tới Thủ đô Hà Nội. Có lẽ vì thế mà những phố Hàng Mắm, Hàng Muối đều ở rất gần bờ sông Hồng chăng?
Đã bao năm trôi qua, tôi không còn nhớ tên bà chủ cửa hàng nước mắm ngày nào mà chỉ nhớ cái dáng gầy gò, thanh thoát cùng gương mặt xương xương nhưng hồng hào, khỏe mạnh của bà. Bà thường mặc áo cánh vải trắng rất sạch sẽ, mái tóc vấn khăn vành dây gọn gàng, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Hôm ấy, cũng như mọi lần, tôi mang một chai thủy tinh đã rửa sạch tới hàng nước mắm. Tôi đưa tiền cho bà chủ cửa hàng và nói:

- Bà bán cho cháu nửa lít nước mắm ngon ạ.
Bà chủ khẽ gật đầu rồi đem cái chai của tôi ra gần chum đề chữ “Nước mắm loại 1”, múc một gáo đúng cữ nửa lít. Sau khi đổ hết gáo nước mắm vào chai của tôi, bà bỗng nhiên hỏi:

- Cô là cháu cụ… - Bà nói tên bà ngoại tôi.

- Vâng ạ - Tôi đáp lại.
Nghe xong, bà lại lấy gáo đổ thêm nước mắm cho đầy chai.
Nhìn thấy thế, tôi vội vàng kêu lên:

- Bà ơi, mẹ cháu chỉ đưa tiền mua nửa lít thôi ạ.
Bà cười vui vẻ:

- Tôi không lấy thêm tiền đâu, cô cứ mang về đưa cho cụ nhà nhé. Có gì đâu, chỉ thêm vài thìa để cả nhà chấm bữa rau luộc thôi mà.
Nói xong, bà mang chai ra đặt vào một chậu nước rửa sạch những giọt nước mắm rớt bên ngoài cổ chai. Dù đã nhiều lần biết hành động này của bà, nhưng lần nào tôi cũng đều cảm động vì sự sạch sẽ, cẩn thận và chu đáo với khách hàng.
Khi đưa chai nước mắm cho tôi, bà còn dặn thêm:

- Cô phải cầm tay trên tay dưới nhé! Cứ đi từ từ không việc gì mà vội.

- Vâng ạ!

Tôi vâng lời bà bán nước mắm, một tay nắm vào cổ chai ở phía trên và một tay đỡ ở đáy chai phía dưới, ung dung từ phố Hàng Bè qua ngã tư: Hàng Bè, Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Thùng. Thủa ấy, cái ngã tư này rất vắng, thỉnh thoảng mới có một người đi xe đạp thong thả và luôn tránh người đi bộ. Hãn hữu lắm mới có một chiếc xe ô tô xuất hiện. Mỗi lần nghe tiếng động của ô tô từ xa, người đi bộ thường dừng lại trên vỉa hè chờ cho ô tô đi khuất mới qua đường.
Việc đi lại trên vỉa hè khi ấy cũng rất nhàn nhã vì vỉa hè rất thoáng, không có nhiều vật cản. Ngày ấy, xe đạp rất quý nên không mấy nhà để xe đạp ngoài đường mà thường cất kỹ trong nhà. Hàng quán không ai để bàn ghế ra ngoài đường, chỉ bán hàng trong nhà. Hàng cơm, hàng phở, hàng giải khát, hàng nước chè tươi đều bán trong nhà. Bởi thế, bà và mẹ tôi hoàn toàn yên tâm khi giao tiền cho một đứa con gái bảy, tám tuổi đi mua đồ.

ngo-phat-loc-trong-sang-hang-be.jpg
Ngõ Phất Lộc trông sang Hàng Bè

Hôm đó, tôi mang chai nước mắm trở về nhà và kể lại chuyện bà bán nước mắm đã cho thêm như thế nào. Bà ngoại tôi nghe vậy lặng người một lát. Thế rồi, bà dặn tôi:

- Lần sau, nếu bà ấy cho thêm thì cháu bảo là bà cháu không bằng lòng đâu ạ. Một thìa nước mắm ngon là quý giá lắm. Mang được một thìa nước mắm từ tận ngoài biển xứ Nghệ về đến đây là bao công sức, bao nhiêu tiền của. Bà mà cho thêm nước mắm là bà cháu giận bà đấy!

Bà ngoại tôi kể chuyện ngày bà còn trẻ đã từng đi buôn bán theo thuyền đường thủy đi từ trong Nghệ An ra ngoài Hà Nội nên bà rất hiểu nỗi vất vả của những người buôn bán nước mắm.
Câu chuyện nhỏ này đã ở trong ký ức của tôi bao nhiêu năm qua. Tôi muốn kể lại để mọi người hiểu về đời sống của người Hà Nội trong những năm tháng quá khứ không bao giờ có thể trở lại nữa./.

Lê Phương Liên