Lý luận - phê bình

Mấy đặc trưng trong thơ Thăng Long - Hà Nội

Nhà thơ Vũ Quần Phương 06:55 13/10/2024

Để xác định những khác biệt của thơ Hà Nội so với thơ các địa phương khác cần nhìn lại cả quá trình phát triển của thơ từ thuở lập kinh đô, phải tính đến những tác phẩm không chỉ của những nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, mà còn của những nhà thơ từ những vùng quê khác về sống ở Thăng Long. Và chính họ, những nhà thơ bị (hoặc được) phong cách sống, phong cách thơ của Hà Nội đồng hóa, vốn đông đảo hơn các nhà thơ nguyên quán Hà Nội, đã đóng góp nhiều hơn để tạo nên phong cách trữ tình cho thơ đất đế đô.

den-ngoc-son-nhin-tu-tren-cao-anh-vietnamnet.jpg

Thời Lý, đạo Nho chưa độc tôn, đạo Phật đang nhập thế, quan hệ giữa vua quan và dân chúng chưa gay gắt, đời sống tinh thần, cả tư tưởng lẫn tình cảm còn nhiều cởi mở, đã tạo nên một thời kỳ phát triển lộng lẫy của nền thơ dân tộc. Thơ thời Lý vừa cụ thể, thiết thực giúp cho việc trị nước, an dân, khích lệ niềm vui sống, lòng yêu đời vừa thâm viễn, biện chứng bàn tới cõi huyền vi của sống chết, hưng vong. Đây là thời kỳ đất nước ta mới giành được độc lập thống nhất sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, cảm hứng thơ Thăng Long vì vậy có sức tự tin rất lớn (Mãn Giác, Từ Đạo Hạnh, Không Lộ... ). Sức tự tin này càng nổi trội trong thời Trần, thơ in dấu ba lần chiến thắng Nguyên Mông.

Nếu các thi sĩ thời Lý phần lớn là các thiền sư thì các thi sĩ nổi tiếng thời Trần lại là vua và các đại thần. Thơ thời Trần triết lý bản thể gắn nhiều với chính sự, võ công, khá đậm hơi hướng anh hùng ca, đặc biệt bàn nhiều về cách ứng xử, về những quan hệ. Đạo Phật trong thời Trần có những cải cách phù hợp với lối sống tích cực, nhập thế, cư trần lạc đạo. Thơ gần đời, ngay cả thơ của vua.
Thời Lê, tinh hoa thơ ca tụ lại ở Nguyễn Trãi và nhóm Tao Đàn với Lê Thánh Tông làm chủ soái. Thơ thời Lê tinh tế hơn trong những nỗi niềm cá thể, bộc lộ một lịch lãm hiểu người Non cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay, (Nguyễn Trãi); một cô đơn nhân tình thế thái, tự biết mình Lều cỏ việc đời không dính dáng/ Bóng non như cũ chiếu bên mình. (Lê Thánh Tôn). Đến thời Nguyễn, một loạt thi sĩ tài năng đã góp phần nâng cao cấp độ phản ánh hiện thực xã hội của thơ (Truyện Kiều), ngay cả ở các thể thơ vốn quen hình ảnh ước lệ (với Nguyễn Khuyến, Tú Xương), từ đó đặt nền móng cho chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Những thành tựu đó của thơ đã được thu hút và kết tụ ở thơ Thăng Long - Hà Nội, tạo nên phong cách thơ vừa đại diện cho thơ cả nước, vừa đặc thù cho thơ chốn đế đô.

Sang thời hiện đại, phong trào Thơ Mới, mới về hình thức (từ bỏ Đường luật), mới về nội dung (cái tôi của chủ nghĩa lãng mạn) đã diễn ra chủ yếu ở Hà Nội, gắn bó chặt chẽ với thành tựu của thơ Hà Nội. Chủ nghĩa nhân văn cổ điển về quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi từ Nguyễn Du, Phạm Thái được phát huy với Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận và một loạt thi sĩ tài năng của giai đoạn 1932 - 1942.

Cách mạng tháng Tám 1945 tạo dựng một nền thơ mới về chất nhưng kế thừa hầu hết những đức tính của thơ quá khứ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Sự kế thừa này không phải đã đạt ngay trong một lúc mà là một quá trình khá gian lao, phải vượt qua nhiều cực đoan, ấu trĩ, hẹp hòi, không phải không ảnh hưởng tới sự phong phú của hơn nửa thế kỷ thơ ca cách mạng.

Phong cách trữ tình của thơ Hà Nội cũng như phong cách sống của người Hà Nội, ai cũng cảm nhận được nhưng diễn giải đầy đủ và cụ thể ra lại không dễ. Đó là một tổng hợp nhiều yếu tố liên quan hữu cơ với nhau:

Tính trữ tình lịch sử. Thủ đô, ở nước nào cũng vậy, đều là sân khấu của các sự kiện lịch sử dân tộc và thời đại. Thơ là ánh phản quang của các sự kiện đó qua tâm hồn các thi sĩ Thủ đô. Không khí cách mạng những ngày tháng Tám 1945, ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946 không chỉ tràn vào thơ của các nhà thơ cách mạng, mà có mặt ở hầu hết các nhà thơ lãng mạn, những người còn được gọi là các nhà thơ tháp ngà, hay trốn tránh thực tại. Sau này, ngày tiếp quản Hà Nội 1954, ngày đại thắng thu non sông về một mối 1975 đều in bóng rất đậm vào thơ ca Hà Nội. Nếu giở lại những tuyển tập thơ Hà Nội, chúng ta dễ dàng được sống lại trong hồn mình tất cả những vui buồn của những năm tháng đó. Thơ Hà Nội đã lưu giữ trong lòng nó những khoảnh khắc đáng nhớ của lịch sử. Tiếng quả sấu rụng trên mái tôn buồn thời Hà Nội tạm chiếm, sự im lặng thảm sâu giữa hai loạt đạn bắn hạ giặc trời hồi chống chiến tranh phá hoại… Thơ Hà Nội đã thành cuốn sử biên niên của dân tộc, cuốn sử ghi trên tâm hồn con người.

mua-sen-trong-van-mieu-tranh-son-mai-cua-hoa-si-nguyen-chi-nguyen.jpg
Mùa sen trong Văn Miếu - tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Chí Nguyện

Phẩm chất tinh tế, trang nhã, hào hoa… Có lẽ phải dùng nhiều hình dung từ nữa mới diễn đạt được đủ cái khái niệm thanh lịch của Tràng An. Thơ cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo, trên nền tảng công nông liên minh, nhưng lại do người Hà Nội viết nên vẫn cứ mang phẩm chất tinh tế hào hoa ấy. Đã có lắm rắc rối khi đánh giá phẩm chất này. Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng với những “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” đã bị phê phán khá nặng, trong nhiều năm vì cái gọi là tâm lý tiểu tư sản lạc lõng, thiếu ý chí chiến đấu. Thật ra đó chỉ là một khoảnh khắc tâm trạng của người trai Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, có cái hào hứng bồng bột đầy lãng mạn lúc ra đi không vương thê nhi thì tất yếu phải có lúc mơ dáng kiều thơm.Trong bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa”, Nguyễn Đình Thi mở đầu: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”. Sau này, bài thơ được sửa chữa thành bài “Đất nước”, cái dấu chân thơm trên cỏ bị xóa đi. Sinh thời, Nguyễn Đình Thi mỗi lần nhớ lại, vẫn tiếc, nhưng xóa đi cũng là tự anh, do anh nhạy cảm với từng thời điểm xã hội, thơ thời đó cần tác dụng cổ động, cần hòa với đa số. Ở đây cũng có những vấn đề đáng bàn, nhưng chúng tôi xin trở lại với khía cạnh hào hoa phong nhã của thơ Hà Nội. Trong quá trình trưởng thành, nền thơ cách mạng đã vượt dần những quan niệm thô thiển về chức năng thơ, tạo cơ hội cho thơ Hà Nội phát huy được yếu tố tinh tế sở trường mang tính thơ sâu đậm này.

Trữ tình của trí tuệ. Phong vị trữ tình Hà Nội kết tinh từ ngưỡng văn hóa dân tộc cao, hòa quyện với tinh hoa văn hóa nhân loại. Yếu tố này xuất phát từ trình độ dân trí của Thủ đô, nơi tập hợp những gương mặt trí thức lớn, những nhà thơ tài năng, nơi giao lưu những luồng tư tưởng mới, những cách tân thẩm mỹ. Phẩm chất trí tuệ của thơ Việt Nam thường được nâng cao từ những trung tâm giao lưu lớn như Sài Gòn, Huế, đặc biệt là ở Thủ đô. Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Việt Phương, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng,... từng tựa vào truyền thống thơ Thăng Long, từ các thiền sư đời Lý đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều... để đồng hóa những phẩm chất trí tuệ của thơ ca thế giới. Những cách tân thơ được khởi xướng ở nhiều nơi, nhưng thường đến đích ở Hà Nội. Phong trào Thơ Mới là một thí dụ. Thơ bậc thang, thơ chính luận rộng khổ cũng từng phát tích từ Hà Nội những năm 50, 60 thế kỷ trước. Hiện nay, các nhà thơ Hà Nội cũng đang nỗ lực một cách tự tin tìm tòi những hình thức mới cho thơ tương lai, góp phần tích cực của mình đối với nền thơ cả nước.

Chủ nghĩa nhân văn sâu đậm. Đây là đặc trưng bao quát, là hệ quả của các đặc trưng trên và xuyên suốt từ các thi sĩ lớn của các vương triều tới các nhà thơ tài năng đương đại. Đây chính là thiên lương của thơ. Thơ đương đại Hà Nội vừa tìm cảm hứng từ những đề tài lịch sử lớn lao vừa tỏ ra nhạy cảm với những buồn vui của từng cá thể người nhỏ bé. Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ Hà Nội là kết tinh của tình cảm và cả của nhận thức. Thơ Hà Nội thật sự lớn lên từ khi biết nghiêng xuống những phận người bé nhỏ. Nỗi khổ, nỗi oan khiên của nhân dân không bao giờ chỉ là của một người. Nguyễn Du với “Văn chiêu hồn”, Tản Đà với “Thăm mả cũ bên đường”… và những bậc tiên liệt khác của không gian thơ Hà Nội luôn luôn toả sáng khích lệ những trái tim thơ lương thiện. Phẩm chất nhân văn của thơ Hà Nội bộc lộ phong phú, đa dạng tùy từng thời điểm lịch sử. Thời cách mạng 1945, nhân văn là ca ngợi sức mạnh giải phóng người lao khổ, thời kháng chiến là thể hiện tâm tình người đánh giặc cứu nước, là ghi ơn những hy sinh cao cả và thầm lặng của nhân dân, và giờ đây là tham gia xây dựng bằng được một xã hội công bằng dân chủ văn minh, xứng đáng với xương máu của biết bao thế hệ cha ông đã đổ.

Chúng ta hãy thử so sánh những tương đồng trong thành tựu của thơ Hà Nội trong già nửa thế kỷ qua với những thành công trong thơ ông cha ta: giọng anh hùng ca trong thơ thời Trần với giọng anh hùng ca của thơ thời chống Mỹ. “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi với thơ mừng đại thắng 1975 của Chế Lan Viên. Sự chăm sóc cái tôi thời Thơ Mới với mối quan tâm tới từng cá thể người của thơ thời Đổi Mới. Thành tựu sau kế thừa thành tựu trước và phát triển theo yêu cầu của thời đại. Thí dụ cái tôi thời Thơ Mới đòi hỏi tự do tình cảm, cái tôi bây giờ đòi hỏi tự do nhận thức. Một thí dụ khác: Có thời, như trong kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954, thơ cố gắng nhận đường, tìm đường để ra khỏi những tâm trạng cá thể riêng tư, để nhập vào sự kiện xã hội rộng lớn. Cái thời mà nhiều câu thơ kỳ ảo của “Tây Tiến” (Quang Dũng) bị phê phán và cách cảm nghĩ thiên về nội tâm của Nguyễn Đình Thi bị nhắc nhở. Việc thời ấy có lý do của thời ấy. Chỉ tiếc trong quan niệm, chúng ta thiếu sự rành mạch, chi tiết nên khi vận dụng đại trà làm sai lệch cả chủ trương. Thơ nên tránh sa vào tâm trạng của người ngồi trong “tháp ngà”, tách biệt với đời sống toàn dân kháng chiến hồi ấy, chứ không phải thơ tránh “tâm trạng”, tránh nội tâm để chỉ kể sự kiện. Từ quốc sách Đổi Mới, trong thơ Hà Nội thấy hiện rõ một hướng tìm: khám phá tâm trạng. Do vậy mà thơ phong phú hơn, hàm súc hơn, thâu tóm việc đời hơn. “Cuộc chia ly màu đỏ”, dựa trên một tứ thơ ước lệ (màu áo đỏ) làm hiện lên chân thật tâm trạng lứa thanh niên ra trận, cao cả xót đau. Đến nay, tôi nghĩ bài thơ của Nguyễn Mỹ vẫn ở hàng đầu trong chủ đề tiễn biệt chia ly của mọi thời.

Một điểm cần ghi nhận là rất khó tách những đặc trưng của thơ Hà Nội ra khỏi thành tựu của thơ Việt Nam chỉ vì Hà Nội là Thủ đô, mọi tinh hoa, kể cả tinh hoa thơ, của cả nước tụ về. Và rồi từ đấy lại khuếch tán ra toàn quốc các nhà thơ mang hộ khẩu Hà Nội có quyền tự hào với nền thơ Hà Nội và càng cần đòi hỏi mình trong lao động thơ, sao cho xứng với những đóng góp to lớn vào Hà Nội của các nhà thơ từ mọi quê hương trong cả nước./.

Nhà thơ Vũ Quần Phương