Văn hóa – Di sản

“Hồi sinh” ở di tích lịch sử cấp Quốc gia A So Airport

Hương Giang 13/10/2024 06:55

Sau khi được khắc phục hậu quả chất độc hóa học, khu vực sân bay A So (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đã đảm bảo an toàn và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nằm giữa một thung lũng rộng lớn, sân bay A So (xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) có diện tích 5km2 (dài 1.200m, rộng 800m) và là một trong 3 sân bay do đế quốc Mỹ xây dựng ở huyện A Lưới. Vào năm 1960, đế quốc Mỹ cho mở rộng đồn A So và xây dựng một sân bay nhằm tăng cường tiềm lực quân sự để chống lại các hoạt động vũ trang của quân và dân ta. Cùng thời điểm đó, xây dựng thêm sân bay A Co ở xã Hồng Thượng và sân bay A Lưới ở thị trấn A Lưới với mưu đồ gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường sơn và ngăn chặn sự lớn mạnh của con đường chiến lược Hồ Chí Minh từ miền Bắc vào cũng như từ miền Nam ra.

z5921887410990_52839c224798ea61eaf1855a2bfb8a26.jpg
Di tích lịch sử cấp Quốc gia A So Airport.

Ngày 11/3/1966 các lực lượng vũ trang giải phóng và Trung đoàn 95 thuộc Sư đoàn 325B phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội địa phương (Huyện Đội A Lưới) cùng dân quân du kích tổ chức trận đánh, giải phóng Sân bay A So làm thất bại những mưu đồ của đế quốc Mỹ. Sau đó, đế quốc Mỹ cố gắng cứu vãn tình thế bằng cách dùng nhiều máy bay chiến lược B52 ném bom và rải một lượng chất độc dioxin (chất độc màu da cam) vượt quá mức cho phép xuống A Lưới.

Đế quốc Mỹ sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến, nơi chứa và đựng chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền trung Việt Nam. Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học, tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 16 nghìn người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và riêng huyện A Lưới có khoảng 5.000 người.

Năm 2023, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So bằng phương pháp chôn lấp cô lập và phân huỷ sinh học. Sau khi hoàn thổ và bàn giao đất sạch cho địa phương đã trồng cây trên diện tích 5,23 ha… bên cạnh đó người dân nơi đây cũng tiến hành trồng rừng kinh tế phát triển nông nghiệp bền vững.

Clip "hồi sinh" ở di tích sân bay A So (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Điểm di tích sân bay A So là nơi chứng minh sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm sáng tạo của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sân bay A So là di tích lưu niệm sự kiện đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào tháng 2/2013.

Hương Giang