Văn hóa

Xây dựng tiêu chí các danh hiệu văn hóa cần phù hợp với đặc trưng của Thủ đô

Lưu Anh 11/10/2024 20:02

“Tại quận Long Biên (Hà Nội), năm 2018, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt 91.2%, tỷ lệ tổ dân phố được công nhận “Tổ dân phố văn hóa” đạt 80,61%; năm 2023 tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt 94.1% (tăng 2,9% so với đầu kỳ), tỷ lệ tổ dân phố được công nhận “Tổ dân phố văn hóa” đạt 93,27 % (12,66% so với đầu kỳ)”, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương thông tin.

Chiều ngày 11/10, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức Hội nghị toạ đàm về xây dựng tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn Thủ đô năm 2024.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên; Nguyễn Thu Ngần, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ quận Long Biên.

4(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị.

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai lấy ý kiến các sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trực tiếp với các thôn, tổ dân phố tại quận Ba Đình, huyện Phúc Thọ; tham vấn ý kiến các chuyên gia lĩnh vực văn hóa.

Thời cơ và thách thức

Ngày 07/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2023/NĐ-CP Quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, Tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” thay thế Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. Theo đó, giao UBND các tỉnh, Thành phố rà soát, xây dựng tiêu chí chi tiết, cụ thể để tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù văn hoá, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Báo cáo đề dẫn Hội nghị, Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên cho hay, từ năm 2018, công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa được thực hiện theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. Nghị định 122 ra đời đã làm thay đổi về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về công tác xây dựng đời sống văn hóa trong gia đình và cộng đồng, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao dân trí, đảm bảo nhu cầu hưởng thụ về vật chất và tinh thần của nhân dân.

1(1).jpg
Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình Nguyễn Thành Tuyên phát biểu đề dẫn Hội nghị.

“Riêng tại Hà Nội, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Phong trào xây dựng danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hoá” đã mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho nhiều địa phương, làm thay đổi bộ mặt đời sống - xã hội”,

Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình Nguyễn Thành Tuyên

Theo thống kê, trên địa bàn Thủ đô, từ năm 2018 tới nay, tỷ lệ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” đạt từ 85-88%. Cùng với thực tế cho thấy, nhiều công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hệ thống đèn chiếu sáng được trang bị... Các phong trào văn hóa - thể thao nhờ đó cũng phát triển mạnh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Cùng với những kết quả đã đạt được, việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hoá trên địa bàn Thành phố vẫn còn bộc lộ những bất cập, khó khăn như: việc công nhận các danh hiệu văn hóa có nơi, có lúc còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng gia đình, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chỉ trên danh nghĩa, có khuynh hướng nặng theo chỉ tiêu hoặc tỷ lệ đạt rất cao nhưng thực tế có nhiều tiêu chí chưa đạt. Tiêu chí bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá” được ban hành và áp dụng chung cho cả nước, nhiều nội dung chưa phù hợp với đặc thù từng địa phương cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bình xét chưa sát thực tế.

Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định 86 không chỉ nhằm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật mà còn khắc phục những khó khăn, vướng mắc thực tế hiện nay.

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Theo báo cáo của quận Long Biên, việc tuyên truyền xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hoá”, “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh, văn minh đô thị” trên địa bàn quận được triển khai thực hiện kịp thời, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức.

Các phường duy trì thực hiện chuyên mục “Xây dựng đời sống văn hoá” trên Đài truyền thanh, cổng thông tin điện tử phường; tuyên truyền tại các hội nghị tổ dân phố, các ngành đoàn thể, hội nghị đại biểu nhân dân hàng năm; tuyên truyền trực quan, bảng tin tổ dân phố; lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội thi, liên hoan. Công tác thông tin, tuyên truyền đã kịp thời truyền tải các văn bản chỉ đạo, quá trình triển khai và kết quả xây dựng các danh hiệu văn hoá.

Đáng lưu ý, công tác đăng ký, đánh giá, công nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh, văn minh đô thị” được triển khai bài bản, đảm bảo đúng quy trình. Năm 2023, thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”, trên cơ sở chỉ đạo của Thành phố, UBND quận đã ban hành Hướng dẫn số 03/HD-UBND về việc thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Qua kiểm tra, đánh giá, UBND quận đã công nhận 02 phường đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2023 (phường Việt Hưng, phường Giang Biên) và tổ chức trao giấy chứng nhận tại hội nghị tổng kết thi đua khen thưởng năm 2023.

2(1).jpg
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương chia sẻ ý kiến tại Hội nghị.

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương chia sẻ, để đạt được những thành tựu đáng khích lệ đó, Quận ủy, UBND quận luôn quan tâm chỉ đạo, Ủy ban MTTQ, các ngành đoàn thể phối hợp chặt chẽ, Đảng ủy, UBND các phường, ban lãnh đạo tổ dân phố vào cuộc tích cực là tiền đề quan trọng, góp phần trong xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”. Tạo được sự đồng tình hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân trên địa bàn quận, góp phần triển khai thực hiện các danh hiệu đạt chỉ tiêu, mục tiêu và phát triển rộng khắp.

Kiến nghị - Giải pháp

Theo đại diện quận Long Biên, tiêu chuẩn, tiêu chí “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” còn một số hạn chế như: khung tiêu chuẩn rộng, dàn trải; có tiêu chí chung chung, chưa có định lượng; có tiêu chí chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn dẫn đến việc triển khai xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đôi khi thành hình thức, không thực hiện hiệu quả. Mỗi địa phương lại có cách cụ thể hóa tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau dẫn đến sự thiếu đồng nhất, đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác xây dựng “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” thường xuyên phát sinh các vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Ý thức người dân về đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, chấp hành các quy định đô thị, trật tự an toàn giao thông còn hạn chế….

Để công tác xây dựng các danh hiệu văn hoá đem lại hiệu quả thiết thực, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương đề xuất, việc xây dựng các tiêu chí cần có nội dung sát với thực tiễn đời sống, có định lượng, có tính khả thi trong đánh giá chấm điểm; đưa ra các tiêu chí phù hợp với danh hiệu, mang tính đại trà quần chúng và gắn với đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Tăng cường và nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hóa. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình hiệu quả, tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong xây dựng danh hiệu văn hóa.

“Riêng đối với danh hiệu “Tổ dân phố văn hoá”, “Gia đình văn hoá”, đề nghị Thành phố chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương, tập trung hướng dẫn triển khai Nghị định 86 của Chính Phủ đảm bảo tiến độ biểu dương “Gia đình văn hoá” vào dịp Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11)”"

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương đề xuất

3(2).jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Thông qua Hội nghị, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mong muốn tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của địa phương trong thực tế công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; từ đó hoàn thiện tiêu chuẩn chi tiết, cụ thể phục vụ công tác bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn Thủ đô đảm bảo sát với thực tiễn, phù hợp với đặc thù của các địa phương./.

Lưu Anh