Chuyển động Hà Nội

Viết tiếp những trang sử vẻ vang của Thủ đô văn hiến, anh hùng

Khánh Thư 10:54 10/10/2024

Năm 2024 đánh dấu mốc son 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Nhìn lại quãng thời gian 2/3 thế kỷ kể từ sau ngày giải phóng, có thể thấy những bước chuyển mình của Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực. Những thành quả đã đạt được góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang của Thành phố anh hùng, Thủ đô ngàn năm văn hiến.

hoc-sinh-nu-truong-cap-ii-yen-hoa-ha-noi-dang-ky-phong-trao-ba-dam-nhiem-sau-nay-duoc-bac-ho-dat-ten-phong-trao-ba-dam-dang-.jpg
Học sinh nữ Trường cấp II Yên Hòa, Hà Nội đăng ký phong trào “Ba đảm nhiệm” (sau này được Bác Hồ đặt tên phong trào “Ba đảm đang”). Ảnh tư liệu TTXVN

1. Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cơ cấu kinh tế mất cân đối, chủ yếu là kinh tế thương nghiệp, dịch vụ, các cơ sở sản xuất rất nhỏ và lạc hậu; nông nghiệp sa sút nghiêm trọng… Để ổn định tình hình, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã lãnh đạo nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân.

Trong 10 năm đầu sau giải phóng (1954 - 1964), ở vùng ngoại thành Hà Nội, nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi thi đua sản xuất và cải tiến kỹ thuật. Nhiều công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo một cách hòa bình bằng hình thức công tư hợp doanh. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên. Nhiều trường đại học lớn ra đời. Một số bệnh viện cũ được cải tạo, nâng cấp, nhiều bệnh viện mới được xây dựng. Mạng lưới giao thông vận tải được phục hồi, thông tin liên lạc đã được lắp đặt. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục không ngừng được củng cố và phát triển. Đời sống nhân dân được cải thiện…

moi-hoat-dong-cua-thu-do-nhanh-chong-tro-lai-binh-thuong-sau-ngay-giai-phong.-ha-noi-buoc-sang-mot-trang-su-moi.jpg
Mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường sau ngày giải phóng. Hà Nội bước sang một trang sử mới. (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, nhân dân Hà Nội còn hưởng ứng và phát động nhiều trong trào hướng về miền Nam ruột thịt như phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa”, “Ngày thứ bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”...

Thực hiện kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong hoàn cảnh hòa bình, nhân dân Hà Nội đã nhanh chóng ổn định đời sống, lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất nông nghiệp, từng bước chuyển dần từ một thành phố tiêu thụ sang một thành phố sản xuất theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và phồn vinh.

hop-tac-hoa-nong-nghiep-o-huyen-dong-anh-phuc-vu-cong-cuoc-xay-dung-cnxh-o-mien-bac..jpg
Hợp tác hóa nông nghiệp ở huyện Đông Anh phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc.

2. Giai đoạn 1965 - 1975, cùng với nhân dân miền Bắc, Hà Nội bước vào thời kỳ mới, vừa chiến đấu đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa xây dựng hậu phương, làm tròn nhiệm vụ với tiền tuyến miền Nam. Từ thời bình, Hà Nội chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế sang thời chiến nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đời sống; bố trí lại lực lượng sản xuất theo phương hướng sơ tán, phân tán; đẩy mạnh việc làm hầm trú ẩn, tăng cường hoạt động phòng không nhân dân. Công tác xây dựng lực lượng (chiến đấu, dân quân tự vệ) và tổ chức đánh địch cũng được tiến hành khẩn trương ở Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Nội đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo trong cuộc đối đầu với không quân Mỹ, đồng thời tiếp tục giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần củng cố hậu phương lớn miền Bắc, bảo đảm phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam.

Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng vĩ đại này góp phần đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Trong giai đoạn phát triển mới, Hà Nội không ngừng nỗ lực hàn gắn “vết thương chiến tranh”, khôi phục và ổn định kinh tế xã hội. Nhiều xí nghiệp được xây mới và mở rộng. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp bước đầu phát triển, thu hút lao động. Nông nghiệp được phục hồi, thu mua lương thực đạt kết quả cao. Xây dựng cơ bản và quản lý đô thị có kết quả. Giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, hệ thống chính trị được kiện toàn vững mạnh…

3. Bước vào thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng do bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chủ động, linh hoạt triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, kể từ ngày 1/8/2008 Hà Nội đã chính thức mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu trang sử mới trên chặng đường xây dựng và phát triển Thủ đô.

Trước đó, kể từ sau ngày giải phóng (năm 1954), Hà Nội đã trải qua 3 lần điều chỉnh lớn về địa giới hành chính vào các năm: 1961, 1978, 1991, tuy nhiên lần điều chỉnh địa giới năm 2008 là quy mô nhất, mang tính lịch sử.

untitled-1.jpg

Với diện mạo mới, Hà Nội có nhiều điều kiện, tiềm năng, cơ hội mới để phát triển. Và thực tế từ đó đến nay đã chứng minh, Hà Nội có sự chuyển mình toàn diện cả ở bề rộng lẫn chiều sâu, tiếp tục thể hiện bản lĩnh mới với sức mạnh nội sinh bền bỉ. Trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn giữ vững đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2023 tăng 6,27%, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/ người/ năm. Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỉ đồng. Hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được quan tâm đẩy mạnh trở thành nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững của Thủ đô, khơi dậy tinh thần “Thành phố sáng tạo”. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa với tầm nhìn đến năm 2045 đã có chuyển động tích cực, đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Với sự tập trung chỉ đạo của thành phố, ngành du lịch Hà Nội góp phần làm cho gương mặt của Thủ đô thêm sinh động. Năm 2023, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch trong nước tăng 19,1%. Chất lượng giáo dục và đào tạo của Thủ đô tiếp tục giữ vững; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số, khoa học công nghệ được chú trọng; quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường; công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các hoạt động đối ngoại tiếp tục duy trì và phát triển… Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Công tác quy hoạch và quản lý, phát triển đô thị được đẩy nhanh tiến độ, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Thời gian qua, Hà Nội đã tiến hành đồng thời và hoàn tất 3 nhiệm vụ rất quan trọng: Sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

4. Với những cố gắng, nỗ lực bền bỉ trong suốt 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; đô thị ngày càng phát triển và mở rộng theo hướng hiện đại hóa. Hà Nội đã được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị chuyển biến chưa đồng bộ; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đặt ra. Kinh tế phát triển chưa toàn diện, các nguồn lực, tiềm năng chưa được khai thác tốt; công tác quy hoạch xây dựng quản lý đô thị còn nhiều bất cập; hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn chưa đồng bộ; tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông chậm được khắc phục; kết quả phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh chưa tương xứng với yêu cầu của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đây chính là những trở lực của sự phát triển, đặt ra những thử thách đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Để Thủ đô giữ vững vị thế và phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong các lĩnh vực đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Theo đó, Hà Nội cần tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển theo hướng bền vững; chủ động đi đầu trong việc thực hiện các thể chế mới; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế đô thị, nghề thủ công truyền thống; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức. Ngoài ra, cần huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, cần phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh...

Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới...

Để biến những mục tiêu ấy thành động lực đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Chặng đường 70 năm lịch sử với những bước trưởng thành và phát triển rất đỗi tự hào ấy chính là điểm tựa để Hà Nội hôm nay viết tiếp những trang sử vẻ vang của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng./.

Khánh Thư