Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Tấm lòng mẹ Cường

Nguyễn Ngọc Châu 09/10/2024 11:16

Tháng 1 năm 1954, đơn vị chúng tôi (C trợ chiến, D79, bộ đội Hà Đông) đóng quân ở đồi Đình, căn cứ du kích xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức. Tại đây, chúng tôi tiếp tục quán triệt Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Đông về phối hợp với chiến trường chính (lúc ấy chưa nói rõ là Điện Biên Phủ) tăng cường hoạt động đánh địch mở rộng khu du kích từ Bắc Mỹ Đức sang Nam Chương Mỹ nhằm tạo thế đứng chân cho bộ đội chủ lực khi về giải phóng Thủ đô.

Nam Chương Mỹ thời gian này còn dày bốt giặc, chỉ trong khoảng cách chừng dưới 20 km từ Ba Thá sang Chúc Sơn, có tới 3 bốt lớn: Phù Yên, Quảng Bị, Chúc Sơn. Ngoài ra, còn có các đồn lính ở Khôn Duy, và vùng phụ cận. Cách Quảng Bị không xa, địch còn cắm các bốt Miếu Môn, Cầu Tây, Núi Sáo.

6-tam-hung-bao-ve-can-bo.jpg
Trong những ngày chiến tranh, có biết bao người như mẹ Cường luôn sẵn sàng bao bọc, chở che cho những người lính. (Ảnh minh họa)

Như thấy quân ta về, địch tăng thêm lượt tuần tra ngày đêm, có lúc mò tới từng gia đình nghi là “ăn ở hai lòng”. Địch tăng cường hoạt động làm dân vùng địch hậu đã thiếu thốn về vật chất, lại thêm căng thẳng về tinh thần nên dân càng mong chờ bộ đội về giải phóng quê hương.

Chúng tôi về Chương Mỹ vào một đêm cuối tháng. Cái rét cuối đông còn sót lại cũng đủ sức tạo nên những mũi kim chích vào da thịt các chiến sĩ quần mỏng, áo sờn. Trời tối như bưng, mưa phùn dài ngày khiến nhiều đoạn đường trơn như đổ mỡ, mỗi bước đi là một lần vấp ngã. Trên không văng vẳng tiếng vạc bay đi ăn đêm. Chúng tôi hành quân lặng lẽ nhưng hối hả. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng súng địch từ các bốt Miếu Môn, núi Sáo bắn cầm canh. Pháo 105 của địch từ Phù Yên bắn tọa độ từng đợt, từng đợt làm vỡ tan không khí yên tĩnh vốn có của cảnh quê về đêm.

Khoảng 3 giờ sáng, chúng tôi qua sông Bùi về trú quân ở thôn Đồng Bầu (phía bên kia là chợ Sẽ Khê). Tại đây, cán bộ cơ sở “nằm vùng” từ trước dẫn chúng tôi đến các xóm, từng xóm gửi mỗi gia đình một, hai người. Tiểu đội của tôi lúc ấy có 9 người do anh Cơ, người Nho Tống (Phú Xuyên) làm Tiểu đội trưởng. Tám anh em trong tiểu đội là: Dư và tôi, ở Phù Lưu Tế (Mỹ Đức); Thắng và Xuân ở Thượng Lâm; Du và Luận ở Bột Xuyên; Lượng và Thắm ở Tử Dương (Ứng Hòa).

Dư và tôi được về nhà mẹ Cường, một ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Bùi. Ánh đèn dầu hỏa vặn nhỏ như con đom đóm nhưng cũng đủ ánh sáng cho chúng tôi nhìn thấy mọi vật trong căn nhà của mẹ. Nhà một gian, hai chái, khung bằng tre, mái lợp rạ. Gian giữa đặt bàn thờ, hai gian bên kê hai chiếc giường tre. Một bên kề giường là cái chum đựng ngô, cái vại đựng gạo. Một bên lại kê cái hòm chân đựng thóc, dưới gầm giường đổ khoai lang mới dỡ. Ngắm ngôi nhà, tôi hình dung nó như con gà mái xòe cánh ấp đàn con nhỏ khỏi chết cóng vì rét.

Mẹ Cường chừng sáu lăm, bảy mươi tuổi, dáng vẻ còn nhanh nhẹn lắm. Mẹ tươi cười đón chúng tôi vào nhà, chỉ chỗ cho chúng tôi rửa mặt, bê giỏ nước chè tươi ủ sẵn mời chúng tôi uống. Rồi mẹ quay xuống bếp lần thứ hai bưng lên rá khoai lang hầm thơm phức, mời chúng tôi ăn. Từng bước, từng bước chân mẹ thoăn thoắt, nhẹ nhàng nhưng vẫn phát lên tiếng chân chạm đất rậm rịch, đều đều tưởng như tiếng phách cầm nhịp của một dàn nhạc vậy.

Chúng tôi được lệnh “gói quân” trong nhà. Không ai được ra hè, ra sân, không được nói to, càng cấm không được cười đùa. Hình như được biết trước về yêu cầu đảm bảo bí mật cho bộ đội, mẹ đã chuẩn bị sẵn mẹt tro bếp, một ống bơ to đặt ở xó nhà. Khi sáng, mẹ đã nhắc khẽ chúng tôi có đi vệ sinh thì đi vào đấy.

Hai bữa ăn trong ngày đều do mẹ lo. Mẹ còn kể chuyện về mình làm hai chúng tôi vô cùng cảm động. Lấy chồng từ năm 18 tuổi, mẹ trải qua tám lần sinh con nhưng chỉ nuôi được hai. Năm 1947, chồng mẹ bị Pháp bắn chết. Năm 1949, anh con trai cả hy sinh trong trận đánh địch ở Mai Lĩnh để lại vợ và một con trai lên 5 tuổi. Năm 1951, anh thứ hai xin ra vùng tự do nhập ngũ nhưng từ đó chưa một lá thư gửi về. Gửi con dâu và cháu nội ở nhà quen trên phố Hàng Buồm ngoài Hà Nội cho an toàn, mẹ chờ cho bao giờ yên nước yên dân thì về. Hiện mẹ ở nhà một mình, sống nhờ hai sào ruộng cấy và khoai lang trong vườn nhà.

Đêm hôm sau, chúng tôi được lệnh đi công đồn. Mục tiêu là bốt Quảng Bị (cách Đồng Bầu chừng ba, bốn kilômét. Địch đóng ở đây vừa đông, vừa nhiều sắc lính. Chúng bố trí khá chắc chắn, trang bị hỏa lực mạnh. Từ 6 giờ chiều hôm trước đến bốn, năm giờ sáng hôm sau, cứ 15 phút một lần, địch bắn pháo sáng nhằm đe dọa dân, phát hiện bộ đội từ xa và báo cho nhau biết đồn bốt còn an toàn.

Do nắm chắc tình hình, lại được phổ biến kỹ phương án tác chiến trên sa bàn nên khi bộ đội vào gần đồn địch mà chúng không phát hiện được. Bộ đội triển khai về vị trí rất nhanh. Mọi con mắt hướng cả vào đồn giặc, sẵn sàng xông trận.

Khoảng 2 giờ sáng, tiếng súng lệnh tấn công nổ giòn, các mũi xung kích đồng loạt nổ súng. Gần 5 giờ sáng, quân ta san bằng bốt Quảng Bị.

Bảy giờ sáng, nhân dân quanh vùng biết tin Quảng Bị được giải phóng, nhiều bà con rủ nhau đến xem đồn thù tan tác như thế nào và mừng bộ đội ta đánh thắng. Trong số những người dân có mặt hôm đó, tôi thấy có cả mẹ Cường.

Sau trận đánh, mọi việc đều được giải quyết êm xuôi. Riêng việc mai táng các chiến sĩ hy sinh đã làm cho chỉ huy đơn vị rất lo lắng. Chỉ có 3 liệt sĩ thôi mà nhân dân phối hợp cùng bộ đội lo mãi mới được hai cỗ áo, còn thiếu một cỗ nữa biết mua ở đâu?

Các cụ phụ lão đi vận động bà con trong làng ai có ván nằm hay cánh cửa hãy ủng hộ để lo cho các anh, nhưng là vùng bị địch tàn phá nhiều lần nên không thể kiếm ra. Biết được nỗi lo lắng này của đơn vị, mẹ Cường xin gặp ban chỉ huy. Mẹ nói: “Tục quê tôi có từ xưa, hễ đến tuổi như tôi, mà lo được cỗ hậu sự trước thì cứ lo, để trước là chủ động khi “về quê”, hai là đỡ việc cho con cháu. Tôi đã làm được như vậy nhưng nay quê hương đã được giải phóng mà tôi còn đang khỏe, chắc còn thọ thêm. Tôi xin ủng hộ đơn vị cỗ hậu sự của tôi để đơn vị lo cho anh em vừa hy sinh”.

Chúng tôi theo về nhà mẹ lấy cỗ áo quan lo an táng cho cho anh em được mồ yên mả đẹp. Mang cỗ áo quan đi, lòng chúng tôi rưng rưng. Chúng tôi rời quê hương Chương Mỹ, đi hết mấy cuộc chiến tranh nhưng không ai nguôi nghĩ về mẹ Cường, về tấm lòng của mẹ./.

Nguyễn Ngọc Châu