Hà Nội xưa - nay

Chuyện kể ngày tiếp quản Thủ đô

Nguyên Thảo 17:22 08/10/2024

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 10/10 là các cựu thanh niên xung phong (TNXP) công tác tiếp quản Thủ đô trong ngày giải phóng năm xưa lại gặp nhau. Dẫu số lượng người tham dự ngày càng ít đi vì người mất, người ốm đau, bệnh tật nhưng mỗi lần gặp lại, những kỉ niệm về ngày tiếp quản Thủ đô lại ùa về trong họ, như chưa từng có dấu vết của thời gian…

“Hôm ấy, tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại của đồng đội báo rằng, tôi có mặt trong một bức ảnh phóng to đang được trưng bày tại triển lãm ảnh “Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 qua ống kính của người dân Hà Nội” tổ chức tại Nhà Triển lãm Tràng Tiền. Tôi vội vã đi ngay và lặng người trước bức ảnh lần đầu tiên nhìn thấy, được chụp vào đúng thời khắc lịch sử của Thủ đô. Và rồi, không chỉ được gặp lại chính mình, tôi còn được hội ngộ với tác giả của bức ảnh, nhiếp ảnh gia nghiệp dư Thân Trọng Ninh. Tính ra đó là lần thứ 2 nhưng lại có thể coi là lần gặp đầu tiên giữa người chụp ảnh và người trong ảnh. Tôi xúc động và hạnh phúc vô cùng như đang nhìn thấy hình ảnh của chính mình mấy chục năm về trước, trẻ trung rực rỡ và tràn đầy lý tưởng.

3.jpg
Gặp mặt truyền thống đội TNCT tiếp quản Thủ đô năm 2009.

Bức ảnh ấy ghi dấu sự có mặt của Đội Thanh niên công tác (TNCT) tiếp quản Thủ đô trong Ngày Giải phóng 10/10/1954”. Đó là chia sẻ của bà Vương Thị Hiếu, thành viên của đội. Năm đó, bà Hiếu vừa tròn 20 tuổi. 9 năm trước, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cô bé Hiếu 11 tuổi theo gia đình đi kháng chiến và được học tập dưới mái trường Việt Bắc. 9 năm sau, cô gái ấy đã được lựa chọn cùng gần 400 học sinh, thanh niên ưu tú ở các trường trung học kháng chiến vùng tự do từ Nghệ An đến Việt Bắc tham gia vào đội TNCT trở về tiếp quản Thủ đô.

Đội TNCT tiếp quản Thủ đô ngày ấy được thành lập với một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: tuyên truyền giải thích cho người dân Hà Nội hiểu rõ về đường lối, chính sách của Chính phủ mới, gây dựng và phát triển các phong trào thanh niên trong xã hội mới, cùng nhân dân chuẩn bị đón bộ đội về giải phóng Thủ đô. Đội được chia thành nhiều phân đội, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Một số người “vào thành” từ trước ngày 10/10 để cùng bộ đội tiếp quản các cơ quan hành chính Pháp. Một số người được giao nhiệm vụ đến từng nhà, gặp từng người dân để làm “công tác tư tưởng”, giải thích đường lối chính sách của Chính phủ Cụ Hồ, một số người khác lại cùng thanh niên địa phương dọn dẹp phố phường sạch đẹp, chuẩn bị cờ hoa để đón đoàn quân chiến thắng, một số người lại chuẩn bị cho công việc gây dựng phong trào thanh niên sau khi bộ đội tiếp quản… Mỗi người một nhiệm vụ. Hà Nội khi đó vẫn giới nghiêm, đường phố vắng lặng nhưng ẩn giấu bên trong là một “cơn sóng ngầm” sẽ bùng nổ tưng bừng trong ngày giải phóng. Không khí trong đội rất khẩn trương, các thành viên hăng say thực hiện nhiệm vụ với khát vọng về một cuộc sống mới, tự do.

001.jpg
Bộ đội vào tiếp quản Thủ đô.

Bà Nguyễn Thị Giang (quê Mỹ Hào, Hưng Yên) năm ấy mới 17 tuổi, là thành viên trẻ nhất đội kể: “Không giống như chị Hiếu được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đa phần các thành viên trong đội TNCT tiếp quản Thủ đô chúng tôi đều xuất thân ở các miền quê Bắc bộ. Với nhiệm vụ công tác này, lần đầu tiên chúng tôi được về Hà Nội, về Thủ đô. Tôi đã được nghe kể rằng Hà Nội đẹp lắm… Những người Hà Nội luôn thiết tha nhung nhớ Thủ đô, góc phố và ngôi nhà tuổi thơ của họ khiến chúng tôi cũng rất tò mò. Từ Thái Nguyên, chúng tôi hành quân về Hà Nội, mỗi bước chân đến gần Hà Nội hơn, tôi lại càng thêm háo hức. Chúng tôi tập kết ở nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), rồi tỏa đi khắp Hà Nội làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ của tôi ngoài việc tập hợp thanh thiếu niên để tuyên truyền các chính sách của Đảng, tổ chức đội ngũ phong trào thì còn tham gia chỉnh trang đường phố, tổng vệ sinh các nơi công cộng, kẻ khẩu hiệu làm băng rôn cùng nhân dân Thủ đô chuẩn bị đón đoàn quân chiến thắng trở về. Và đúng như những gì tôi đã được nghe kể, Hà Nội rất đẹp, lại càng đẹp hơn trong rừng cờ hoa tưng bừng của ngày giải phóng”. Sau đó, bà Giang đã gắn bó cả cuộc đời mình với mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Mỗi lần gặp nhau, các cựu thành viên đội TNCT tiếp quản Thủ đô lại mừng mừng tủi tủi cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Mốc thời gian cứ lớn dần theo 50 năm trước, 60 năm trước và bây giờ là 70 năm trước… nhưng trong những đôi mắt đã nhăn nheo, họ vẫn là những chàng trai cô gái năm nào, những con người có những năm tháng thanh xuân gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc. “Ngày ấy rực rỡ lắm, oai hùng lắm. Ngày 8/10/1954, tôi và một số đồng đội được cùng bộ đội đi tiếp quản ngôi nhà số 10 Rue de la Chaux, nguyên là trụ sở Bộ Giáo dục của chế độ cũ. Cuộc bàn giao được tiến hành rất ngắn gọn. Sau khi viên sĩ quan Pháp đưa biên bản bàn giao, chúng tôi quan sát hiện trường và nhận ra một số dây điện đã bị cắt, bàn tủ đổ vỡ và một số trang thiết bị đã bị tháo dỡ. Chúng tôi yêu cầu họ kiểm kê kĩ và ghi biên bản rõ ràng. Đó là lần đầu tiên tôi làm việc trực tiếp với một viên sĩ quan Pháp. Bây giờ nghĩ lại thì thấy bình thường, nhưng hồi ấy, tôi mới có 23 tuổi, còn rất trẻ, phải đối mặt với một sĩ quan Pháp sừng sỏ. Nhưng phía sau tôi là chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, tôi đến đây với vai trò là người chiến thắng thì còn có gì phải sợ? Công cuộc bàn giao diễn ra suôn sẻ. Đồng thời với chúng tôi, các sĩ quan Việt Minh khác cũng thành công tiếp quản những công sở khác, thu lại toàn bộ tài sản của quân Pháp, để tập trung chuẩn bị cho công tác đón bộ đội vào thành giải phóng Thủ đô” - ông Kiều Lương viết trong nhật kí của mình.

70 năm đã trôi qua kể từ ngày “Một sớm thu trong đất thắm sao vàng/ Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng” nhưng trong kí ức của những con người “tạo nên lịch sử” vẫn như mới ngày hôm qua. Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng ban liên lạc đội TNCT tiếp quản Thủ đô chia sẻ: “Không biết rằng đến ngày kỉ niệm 75 năm, 80 năm của mùa thu lịch sử, chúng tôi có còn trên đời để gặp nhau ôn lại chuyện cũ hay không, nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn vì đã được giao một nhiệm vụ đặc biệt trong thời kì lịch sử đặc biệt của dân tộc. Chúng tôi tự hào về điều đó”. Đội TNCT tiếp quản Thủ đô từ gần 400 thành viên nay chỉ còn lại 132 thành viên. Và mỗi năm trôi qua, con số này ngày một giảm đi. Những chàng trai cô gái năm xưa có thể không còn, nhưng sự có mặt của họ trong lịch sử dân tộc vẫn sẽ còn lưu danh mãi./.

Nguyên Thảo