Hà Nội xưa - nay

Bản hùng ca làng kháng chiến của Thủ đô

Nhóm PV thực hiện 08/10/2024 10:57

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Thủ đô Hà Nội đã có nhiều “làng kháng chiến” ra đời. Chính ở những ngôi làng ấy, quân và dân đã cùng nhau đánh trận, diệt địch, thu giữ nhiều vũ khí, góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang, tạo thành bản hùng ca và thắp sáng truyền thống anh hùng cách mạng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tròn 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi tìm về những làng kháng chiến thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Mê Linh và Thanh Oai. Những dấu tích cùng những câu chuyện kể của những người dân nơi đây gieo trong chúng tôi niềm xúc động và cả sự trân trọng, tự hào.

Làng kháng chiến NAM HỒNG (Đông Anh)

Một ngày đầu thu, chúng tôi trở lại làng Nam Hồng (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh) - một trong những địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh giành độc lập của quân và dân Hà Nội trước thực dân xâm lược nhiều chục năm về trước. Với tinh thần kháng chiến anh dũng, bất khuất, quyết chiến, quyết thắng, một lòng một dạ trung kiên theo Đảng, Bác Hồ, quân và dân xã Nam Hồng đã bất chấp hiểm nguy để bảo vệ cán bộ cách mạng, bảo vệ bí mật của làng kháng chiến.

4-dia-dao.jpg
Ông Phạm Quang Dộc (xã Nam Hồng) giới thiệu về địa đạo trong căn bếp cũ ở góc vườn.

Làng kháng chiến Nam Hồng hình thành ngay sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946. Tại đây, quân dân xã Nam Hồng đã chủ động rào làng, đắp lũy, kết hợp với hệ thống giao thông hào liên hoàn tạo sự linh hoạt trong tác chiến. Phía trong làng, nhân dân đã sáng tạo nối thông các hầm bí mật thành hệ thống địa đạo chạy ngầm trong lòng đất. Địa đạo Nam Hồng có chiều dài hơn 11km, đi qua các thôn: Tằng My, Đoài, Đìa, Vệ và liên thông sang thôn Thượng Phúc (xã Bắc Hồng) và thôn Sơn Du (xã Nguyên Khê). Địa đạo có 465 hầm bí mật, 2.680 hố chiến đấu, hơn 8.000m thành lũy và hơn 600 cổng dong - tạo nên làng kháng chiến liên hoàn toàn xã và tạo thành pháo đài phòng ngự kiên cường, đánh địch hiệu quả.

2-dia-dao.jpg
3-dia-dao.jpg
Bên trong địa đạo làng kháng chiến Nam Hồng.

Ít ai có thể tin rằng trong kháng chiến chống Pháp, xã Nam Hồng là một chiến trường khốc liệt. Nằm ở phía Tây huyện Đông Anh, giáp giới với địa phận của tỉnh Vĩnh Phúc, vùng giáp ranh quyết liệt giữa ta và địch. Theo chân cán bộ văn hóa xã Nam Hồng Nguyễn Thị Thanh đến thăm địa đạo vào những ngày mùa thu lịch sử, chúng tôi được giới thiệu tỉ mỉ về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương Nam Hồng. Dưới mỗi bước chân đang đi của chúng tôi là đường hầm của địa đạo - chứng tích hào hùng của người dân Nam Hồng và huyện Đông Anh.

1-dia-dao.jpg
Hiện trạng chứng tích hầm, hào thôn Vệ làng kháng chiến Nam Hồng.

Dừng chân tại nhà cụ Phạm Quang Dộc, chúng tôi được cụ dẫn vào căn bếp cũ ở góc vườn - nơi lưu giữ lối vào của địa đạo năm xưa. Cầm trên tay chiếc đèn pin nhỏ chiếu sáng không gian địa đạo cho chúng tôi xem, cụ Dộc giọng đầy tự hào: “Ngày xưa, khi các cụ đào địa đạo này, tôi mới có vài tuổi. Bố tôi tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ canh giữ cửa hầm và che giấu cán bộ. Khi còn sống, cụ vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về những ngày giặc Pháp càn quét ở Nam Hồng”.

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi ở xã Nam Hồng là nhà ông Phạm Quang Hài - một ngôi nhà có một cửa hầm thuộc địa đạo. Ông Hài cho biết: “Mẹ tôi (cụ Phạm Thị Lai) kể, từ đầu năm 1947, đội du kích xã Nam Hồng sau khi được thành lập đã cùng thanh niên, nam nữ khỏe mạnh trong làng bắt đầu đào hệ thống giao thông hào sát vào lũy tre. Để có địa đạo này, các cụ đã dùng chiếc búa chim, đào ngày, đào đêm sau đó giấu đất vào bị cói hoặc chiếc khăn vuông rồi lén đổ xuống sông cho địch không phát hiện. Thực sự bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu làm sao có thể đào được địa đạo dài như vậy”.

Trong suốt 9 năm kháng chiến (1945 – 1954), quân dân Nam Hồng đã đánh 308 trận, diệt 354 tên, làm bị thương 153 tên, bắt sống 11 tên, 135 tên phải quy hàng; thu 72 súng trường, 3 súng tiểu liên, 780 lựu đạn, phá 3 xe lội nước, 1 trung liên, hàng chục mét đường sắt của địch. Hiện nay, các hầm hào, ụ chiến đấu hầu như bị san phẳng, hệ thống địa đạo còn dấu tích nhưng phần hiện hữu chỉ còn một đoạn ở thôn Vệ với tổng chiều dài khoảng 67m chạy ngang qua 4 gia đình (cụ Phạm Văn Dộc, Phạm Văn Cán, cụ Phiến và cụ Phạm Thị Lai). Một cửa địa đạo lên ở gian buồng nhà cụ Dộc, nơi đây cũng ghi dấu liệt sĩ Trần Xuyên kiên cường đánh địch và hy sinh anh dũng; một cửa địa đạo tại gia đình cụ Lai.

Ngoài địa đạo, làng kháng chiến Nam Hồng nay còn lại một ít dấu tích như một số đoạn hào, lũy chiến đấu, vọng gác, hòm thư bí mật… Nhưng ngay cả hào chiến đấu, lũy chiến đấu cũng đang bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên, và nếu không được giới thiệu, cũng không thể hình dung ra nơi này đã ghi dấu một thời chiến đấu oai hùng chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Hồng. Trong kháng chiến chống Pháp, địa đạo Nam Hồng đã góp phần làm nên trang sử vẻ vang của cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Quân và dân Nam Hồng đã đóng góp một phần trong “mảnh ghép” bảo vệ và giải phóng Thủ đô, làm nên nhiều chiến tích quan trọng. Thế hệ mai sau luôn ghi nhớ và khắc ghi những hi sinh và mất mát của người dân Nam Hồng trong những năm kháng chiến ấy.

Làng kháng chiến TIỀN PHONG (Mê Linh)

Rời xã Nam Hồng, chúng tôi di chuyển khoảng năm cây số để đến làng kháng chiến xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (trước là thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc). Đặt chân đến xã Tiền Phong, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi mới của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những con đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, hệ thống các công trình phúc lợi và trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang.

13.jpg
Đội du kích xã Tiền Phong chiến đấu bảo vệ dân làng.

Nơi đây, trong thời kháng chiến chống Pháp, có nhiều ao hồ, tường đất cao xây xung quanh và các lũy tre dày bao bọc. Nhân dân đã lập lũy xây làng, bảo vệ quê hương, giữa các xóm trong thôn đều có hệ thống chiến hào, tạo nên sự liên kết với nhau; mỗi xóm đều xây dựng hệ thống hầm bí mật.

Chúng tôi đến thăm cụ Hoàng Văn Năm - du kích xã Nam Hồng người đã từng chứng kiến những cột mốc lịch quan trọng của làng. Chia sẻ với chúng tôi, cụ vẫn nhớ rất chi tiết một thời trai trẻ tham gia lực lượng du kích cùng nhân dân trong xã đấu tranh chống giặc Pháp, bảo vệ quê hương. Lúc đấy cụ mới 17 tuổi, đội du kích của thôn Yên Nhân có 47 người, được tổ chức tốt, thường xuyên luyện tập các phương án đánh địch, bảo vệ xóm làng.

Cụ Năm kể, 5 giờ sáng ngày 17/10/1953, quân Pháp tổ chức càn quét, dùng pháo 105mm bắn vào thôn, rồi sử dụng nhiều xe tăng và xe cơ giới yểm trợ, chia làm nhiều mũi tấn công vào các xóm. Do có sự chủ động từ trước nên du kích thôn Yên Nhân và bộ đội ta bình tĩnh hiệp đồng chiến đấu, khôn khéo đánh trả từng đợt tiến công của địch.

Theo cụ Năm, sau nhiều lần tiến công không thành, địch dùng xe tăng và bộ binh đánh vu hồi vào phía đông của thôn. Đoán được ý định của địch, đợi cho xe tăng của chúng vào bãi vật cản, du kích mới giật mìn, vừa tiêu diệt địch tại chỗ, đồng thời khiến chúng phải lùi ra xa. Chưa từ bỏ ý định, địch dừng bắn pháo, từ nhiều hướng bất ngờ tiến công vào thôn. Lần này, chúng tiếp tục bị du kích và bộ đội địa phương lợi dụng vật cản, chông mìn, bắn gần. Lợi dụng đêm tối, quân địch chủ quan, ta bất ngờ tập kích diệt thêm nhiều tên địch, do bị thương vong nhiều, địch phải rút toàn bộ lực lượng về căn cứ.

Sau hơn một ngày đêm bám làng chiến đấu, tuy rất chênh lệch về lực lượng nhưng du kích thôn Yên Nhân và bộ đội địa phương đã dũng cảm, diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Cách đánh này đã làm thất bại ý định càn quét của địch, đồng thời củng cố được thế trận làng xã chiến đấu, góp phần phát triển thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương.

Cuối năm 1953 đầu 1954, địch lại ngoan cố đem quân về càn quét dữ dội vào xã và xây lại bốt chợ Yên, nhân dân xã Tiền Phong đã anh dũng phá tan được nhiều cuộc càn quét ác liệt dài ngày của giặc bao vây bốt chợ Yên và bức địch phải ra hàng toàn bộ. Trong 5 năm trực diện đấu tranh với quân Pháp (1949 - 1954) mặc dù địch nhiều lần lấn đất, xây bốt, tổ chức tề ngụy khắp các thôn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Tiền Phong vẫn kiên cường bất khuất giành giật với giặc từng thước đất và tích cực đóng góp nhân tài, vật lực cho kháng chiến, chi bộ Tiền Phong đã lãnh đạo công tác xây dựng cơ sở bí mật, tổ chức quần chúng đấu tranh với địch về mọi mặt chính trị, kinh tế với đấu tranh vũ trang như phá tề trừ gian, đánh phục kích, đồn thổ tiến lên nhổ hết đồng bốt giặc thành lập khi du kích (3/1953).

Nhìn lại những trang lịch sử trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Tiền Phong đã có 207 thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ, 247 người tham gia du kích, quân báo; 101 gia đình cơ sở, 1.640 lượt dân công phục vụ chiến dịch. Nhân dân trong xã đóng góp 153.466 kg thóc thuế nông nghiệp. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân xã Tiền Phong đã mở đường giúp quân và dân tiến về tiếp quản Thủ đô, quân và dân xã Tiền Phong đã bám đất, bám làng, anh dũng, kiên cường chiến đấu, đã đánh 457 trận, tiêu diệt 282 lính Pháp, bắt sống 49 tên, bắn bị thương 211 tên, vận động ra hàng 116 lính ngụy, phá hủy 3 tháp canh, 18 xe cơ giới (trong đó có 10 xe tăng và thiết giáp), 3 đại bác và trọng liên, 1 máy bay vận tải (bắn bị thương), thu được 3 súng đại liên, 4 súng trung liên, 15 súng tiểu liên, 2 súng phóng lựu đạn, 1 số cối 60 ly, 55 súng thường, 3 máy vô tuyến điện, 15 ngàn mét dây điện, đạn và quân trang quân dụng 15 tấn.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, trong công cuộc xây dựng và phát triển hôm nay, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, xã Tiền Phong đã, đang thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng xã Tiền Phong trở thành điểm sáng nơi cửa ngõ của huyện Mê Linh và Thủ đô Hà Nội.

Làng kháng chiến TAM HƯNG (Thanh Oai)

Ngược về huyện Thanh Oai, chúng tôi đến với xã Tam Hưng - vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, cùng truyền thống anh hùng cách mạng tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Trải qua hàng nghìn năm, nhân dân Tam Hưng đã hun đúc nhiều truyền thống quý báu, đó là truyền thống đoàn kết làng xóm láng giềng, dòng họ, đặc biệt là truyền thống dũng cảm trong chiến đấu, cần cù thông minh trong lao động sản xuất.

6-tam-hung-bao-ve-can-bo.jpg
Nhân dân xã Tam Hưng bảo vệ cán bộ, đưa cán bộ xuống hầm bí mật trong những ngày giặc Pháp càn quét.

Tam Hưng cũng là một trong những địa phương của Thủ đô có làng kháng chiến. Hơn 70 năm trước, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ và nhân dân Tam Hưng đã kiên cường bám đất, bám dân, rào làng kháng chiến trở thành một điển hình tiêu biểu lúc bấy giờ, được Đảng và Nhà nước tặng 4 chữ vàng “Tam Hưng anh dũng”.

Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẩu hiệu “Mỗi làng là một pháo đài kháng chiến”, năm 1947, nhân dân Tam Hưng nhất tề xây dựng làng kháng chiến. Được Huyện ủy - Ủy ban kháng chiến hành chính huyện phổ biến tài liệu “Đường hầm tân ký sát”, cán bộ và nhân dân Tam Hưng vận dụng vào thực tiễn của địa bàn và vị trí của các làng để xây dựng làng kháng chiến.

5-doi-du-kich-tam-hung.jpg
Đội du kích xã Tam Hưng trong những năm lập làng kháng chiến.

Có lực lượng dân quân du kích làm nòng cốt, nhân dân Tam Hưng đã lợi dụng những bờ tường đất cao ven làng, trên có các lũy tre, rặng cây, bụi gai, mây và nhiều đoạn bám liền với đồng ruộng để rào làng, làm cổng ra vào, kết hợp với đào giao thông hào, hầm chiến đấu. Dưới lòng đất, quân dân du kích đào giao thông hầm, có đoạn nối làng nọ với làng kia. Hệ thống hầm hào, chiến lũy, giao thông hầm dưới lòng đất đào hết sức công phu, kiên cố, tất cả đều có khả năng hỗ trợ cho nhau.

8-tam-hung-thoi-tu-va.jpg
Du kích canh gác bên cổng, thổi tù và báo động tại làng kháng chiến Tam Hưng.

Hệ thống đường hầm nằm sâu dưới lòng đất, rộng từ 1 - 1,2m, cao từ 1,5 - 2m. Toàn xã Tam Hưng đã xây dựng được hệ thống giao thông hào bao quanh làng với 7.884m, đường hầm liên hoàn chiến đấu dài 4.872m, đường giao thông hào xung quanh các làng 8.126m. Hệ thống các đường hầm tại Đại Định có 2 đường hầm với tổng chiều dài khoảng hơn 1km, có một cửa chạy vào chùa, ngách chạy ra lũy tre ao, ra đồng cũng một ngách thông ra sông Đỗ Động.
Hoặc tại Song Khê có 4 đường hầm, đường thứ nhất dài khoảng 160m, bắt đầu từ cổng đình, chạy dọc theo lũy vào nhà ông Nguyễn Văn Lạc nối tiếp với các đường hầm ra khu vực đền Đống. Đường thứ hai dài 220m, bắt đầu từ cổng nhà dân thuộc khu vực xóm Dền, chạy sang xóm Giữa, kéo dài đến xóm 3. Đường thứ ba có 3 ngách, ngách cửa chính ở nhà ông Bùi Văn Uyên, một ngách chạy theo đường lũy, một ngách dẫn đến nhà thờ Nguyễn Trực, một ngách vào điện Phật kéo dài đến nhà ông Lê Huy Bảo. Riêng hầm này còn có phương án bất ngờ tiêu diệt địch nếu chúng đóng quân tại chùa Bối Khê, tổng chiều dài của hầm là 320m. Đường thứ tư, dài 450m, bắt đầu từ nhà ông Trần Vĩnh Dụ, xuyên qua đường, chạy qua ngõ Trạ, kéo đến Kỳ cắt sang ngõ Dinh. Hầm này có rất nhiều ngách được bố trí giống như hình xương cá.

Đặc biệt, phía sau chùa Bối Khê xã Tam Hưng có căn hầm, cũng là địa đạo, từ thời kháng chiến chống Pháp, được xây từ tháng 1/1948. Theo chân Bí thư Đoàn xã Tam Hưng Nguyễn Văn Kiên đến chùa Bối Khê, anh Kiên cho biết, hầm - địa đạo tại chùa với 3 ngách chính. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Bối Khê là cơ sở cách mạng. Hầm – địa đạo ban đầu dùng để nuôi giấu cán bộ, cất trữ lương thực, sau trở thành một pháo đài chặn đứng các cuộc càn quét của giặc. Tại căn hầm và địa đạo của chùa Bối Khê, quân và dân địa phương đã đập tan 3 cuộc càn quét của giặc Pháp, tiêu diệt 372 tên địch.

Làng kháng chiến Tam Hưng đã trở thành mẫu mực ở đồng bằng Bắc bộ những năm kháng chiến chống thực dân xâm lược. Hiệu quả kháng chiến ở đây trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chỉ riêng năm 1948, địch đã mở 72 trận càn quét lớn nhỏ vào các làng chiến đấu. Những trận chống càn lớn thời điểm này ở Tê Quả, Đại Định, Song Khê, Hưng Giáo và Lê Dương… thắng lợi giòn giã, hàng chục tên địch bị tiêu diệt và bị thương. Nhìn lại những trang lịch sử trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Tam Hưng có trên 800 thanh niên tham gia nhập ngũ và thanh niên xung phong. Ở hậu phương, cùng với xây dựng làng kháng chiến, lực lượng du kích đã phối hợp với bộ đội chủ lực và độc lập tham gia chiến đấu 172 trận, tiêu diệt, bắt sống 405 tên địch, thu giữ hàng trăm súng các loại, đồng thời giữ vững được địa bàn và tạo điều kiện củng cố các khu du kích khác ở khu vực lân cận.

Năm 1948, Liên khu ủy III và một số địa phương về Tam Hưng thăm, học hỏi kinh nghiệm xây dựng làng kháng chiến. Dù hiện nay, các hầm – địa đạo trong xã Tam Hưng và các xã lân cận đều đã bị phủ kín, bịt chặt theo thời gian, duy chỉ có hầm trong chùa Bối Khê vẫn còn giữ được một cửa và địa đạo dài khoảng 7m nhưng đến tận ngày nay, với những gì đã có, làng kháng chiến Tam Hưng đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân trong huyện Thanh Oai nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung. Cùng với truyền thống anh hùng cách mạng vẻ vang, xã Tam Hưng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào tháng 12/1995.

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, sau ngày Giải phóng Thủ đô đến khi đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Tam Hưng đã chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Làng kháng chiến Tam Hưng của nhiều chục năm trước nay đã “khoác áo mới” khi 100% trục chính, đường liên thôn, đường ngõ xóm được cứng hóa, bê tông, đường làng, ngõ xóm có điện chiếu sáng, nhiều trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người tại xã Tam Hưng đạt 70,5 triệu đồng/người/năm, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, di tích lịch sử - văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị và trở thành nguồn lực phát triển địa phương nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung.

“Mắt thấy tai nghe” tại các làng kháng chiến Nam Hồng, Tiền Phong, Tam Hưng, chúng tôi càng “thấm” khí phách, truyền thống cách mạng anh hùng của quân và dân Hà Nội từ các cuộc chiến vệ quốc gian lao ác liệt, tới ngày non sông thống nhất và đến hôm nay. Chiến tranh đã đi qua nhưng bản hùng ca các làng kháng chiến của Hà Nội đã được tạc vào lịch sử, từ đó bồi đắp, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, sáng tạo trong mỗi người dân Thủ đô để xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, giữ vững danh hiệu Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người!

Nhóm PV thực hiện