Chuyển động Hà Nội

Hà Nội - Thủ đô của kỷ nguyên độc lập tự do và văn minh, hiện đại

Quỳnh Hoa 07:10 08/10/2024

Tại Hội thảo quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” vừa được tổ chức tại Hà Nội nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã có những phân tích chứng minh Hà Nội - Thủ đô của kỷ nguyên độc lập tự do và văn minh, hiện đại.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, cho biết, tên Hà Nội chỉ xuất hiện từ năm 1831, khi vua Minh Mệnh quyết định chia đặt các tỉnh, trong đó tỉnh Hà Nội bao gồm 4 phủ (Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân), mà hạt nhân là khu đô thị cổ truyền tương đương với địa bàn 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận. Quy mô và phạm vi khu phố thị về hình thức chưa có sự thay đổi nhiều, nhưng trong thực chất đang có xu hướng nông thôn hóa với các thôn trại nông nghiệp đan cài vào cả khu phố phường và thành cổ.

bac-ngoc.jpg
GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc đánh giá mô hình phát triển thành phố, Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại đang căn bản trở thành hiện thực.

Trong thời Pháp thuộc, Hà Nội vừa là thủ phủ của Liên bang Đông Dương, vừa là thủ phủ của Bắc Kỳ, đã trở thành thành phố nhượng địa gồm khu đô thị cổ truyền và một phần huyện Từ Liêm, một phần huyện Thanh Trì. Năm 1903, địa bàn Hà Nội được mở rộng sang phía bờ Bắc sông Hồng, bao lấy một số xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Hà Nội chuyển dần thành đô thị hiện đại, trung tâm giao lưu và tiếp biến văn hóa, tri thức Đông - Tây, kết nối truyền thống với hiện đại, trung tâm của nhiều phong trào yêu nước và cách mạng, nhất là từ khi Đảng Công sản Việt Nam thành lập.

“Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khẳng định sự ra đời của Kỷ nguyên độc lập tự do, tiến lên văn minh hiện đại. Bước sang kỷ nguyên mới, Hà Nội lại tiếp tục đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 10/10/1954, Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Ngay từ ngày đầu tiếp quản, Hà Nội đã phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam”, GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc phân tích.

Năm 1961, Thành phố Hà Nội được tích hợp thêm 18 xã, 6 thôn, 1 thị trấn thuộc tỉnh Hà Đông, 29 xã, thị trấn thuộc tỉnh Bắc Ninh, 17 xã và một nửa thôn của tỉnh Vĩnh Phúc, 1 xã của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Quy mô này về cơ bản được giữ ổn định trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 30/4/1975, công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Đây là một thành tựu vĩ đại, đã đưa Việt Nam lên vị trí tiên phong của phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên phạm vi thế giới.

Trong những năm tháng này Hà Nội trở thành quê hương của phong trào thanh niên Ba sẵn sàng, phụ nữ Ba đảm đang, chiếc gậy Trường Sơn, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại vô cùng thảm khốc của đế quốc Mỹ, làm nên một trận Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội vào cuối năm 1972. Sau ngày đất nước thống nhất, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng thành phố Thủ đô xứng tầm của cả nước.

Ngày 29/12/1978, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn việc sáp nhập các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây và thị xã Hà Đông cùng 17 xã của các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai tỉnh Hà Sơn Bình; toàn bộ huyện Sóc Sơn, 18 xã và 1 thị trấn của huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội. Tháng 8/1991, Quốc hội lại có nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây, trong đó toàn bộ phần đất của tỉnh Hà Sơn Bình mới nhập vào Hà Nội 13 năm trước được chuyển về tỉnh Hà Tây. Huyện Mê Linh dịp này cũng được chuyển trả về tỉnh Vĩnh Phú. Quy mô thành phố Hà Nội về cơ bản được quay trở lại thời kỳ 1961-1978, chất lượng đô thị tuy có được cải thiện phần nào, nhưng xem ra Hà Nội vẫn còn là thành phố thủ đô nghèo so với các thành phố thủ đô trong khu vực Đông Nam Á.

hanoi-so-do.jpg
Sơ đồ Thành Thăng Long thời Lý Trần trong mối quan hệ với sông Hồng, Hồ Tây và các sông Tô Lịch, Kim Ngưu. (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Từ năm 1986, Hà Nội đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chuyển dần sang cơ chế thị trường, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI chứng kiến quá trình phát triển đô thị và đô thị hóa rất nhanh ở cả hai bên bờ sông Hồng thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Lúc này bên cạnh hệ thống cầu đường được xây dựng từ trước vẫn phát huy tác dụng (cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương) đã liên tục xuất hiện các cầu Trung Hà, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Nhật Tân, cùng các đường vành đai 2, 3, 4 và hệ thống các tuyến đường giao thông hai bên bờ sông, nội đô, nội thị được nâng cấp, đã không chỉ kết nối hai bên bờ sông, mà dần dần đã kéo sông Hồng trở lại vị trí trung tâm phát triển đô thị Hà Nội.

Ngày 29/5/2008, theo quyết định điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội đã đưa toàn bộ tỉnh Hà Tây, toàn bộ huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Địa bàn thành phố Hà Nội trải rộng ra hai bên bờ sông Hồng với diện tích 334.470,2ha, gồm 10 quận, 1 thị xã, 18 huyện, 154 phường, 22 thị trấn, 401 xã và dân số trên 6,8 người.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 khẳng định mô hình Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại với 3 trục phát triển là Sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì và Nhật Tân - Nội Bài, trong đó Sông Hồng là trục trung tâm và chủ đạo.

hanoi-lung-linh-dem.jpg
Tác phẩm ảnh Hà Nội lung linh về đêm trưng bày trong triển lãm Hà Nội trong tôi tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa qua.

Hiện nay Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, thành phố trực thuộc trung ương gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Ngày 3/3/2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đến năm 2025 thành các quận nội thành. Trên cơ sở thành tựu phát triển đô thị và đô thị hóa, thành phố Hà Nội đang xúc tiến xây dựng 2 thành phố trực thuộc Thủ đô: Thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) thiên về dịch vụ, hội nhập quốc tế, đô thị thông minh và thành phố phía Tây (Xuân Mai, Hòa Lạc) thiên về khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo, trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu.

“Như vậy mô hình phát triển thành phố, Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng châu thổ sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu và sánh ngang với thủ đô các nước phát triển trong khu vực trên căn bản đã trở thành hiện thực” - GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, nhận định./.

Quỳnh Hoa