Chuyển động Hà Nội

20 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Thụy Phương 07/10/2024 19:51

Góp vào chuỗi hoạt động chung của Thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chiều 7/10, báo Hà Nội mới đã tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”.

Cuộc thi được tổ chức với mong muốn góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử vẻ vang của Thăng Long - Hà Nội; quảng bá hình ảnh của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, đang trên đà phát triển mạnh mẽ; đồng thời khơi dậy tình yêu, khát vọng và trách nhiệm trong mỗi người Hà Nội cũng như người dân cả nước đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Được phát động từ ngày 28/3/2024, sau hơn 5 tháng kể từ ngày phát động, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 180 bài/ loạt bài dự thi. Từ 30 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo đã thống nhất chọn ra 20 tác phẩm có điểm cao nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 14 giải Khuyến khích.

nguyen-minh-duc.jpg
Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Hà Nội mới phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi.

Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian không dài nhưng cuộc thi đã thu hút hàng trăm tác giả là những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tên tuổi, trong đó có sự tham gia của nhiều cây viết trẻ với những góc nhìn đầy mới mẻ về Hà Nội... Bên cạnh những cây bút chuyên nghiệp, cuộc thi còn có sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ tác giả không chuyên là những cựu chiến binh, sĩ quan quân đội, công an, luật sư, giáo viên, sinh viên, học sinh… Đáng chú ý có nhiều tác giả đồng thời là những nhân chứng của một thời kỳ lịch sử hào hùng, đã trực tiếp góp phần viết nên những trang sử vàng vẻ vang của đất nước và Thủ đô.

Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, các tác phẩm dự thi đã thể hiện tâm huyết và tình cảm thiết tha dành cho Thủ đô Hà Nội. Thông qua các tác phẩm dự thi, người đọc được hòa mình vào những năm tháng hào hùng, sôi động của Hà Nội trước, trong và sau Ngày Giải phóng 10/10/1954.

Đó là ký ức về hành trình trở về Thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là khoảnh khắc cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong được gặp Bác Hồ ở Đền Hùng. Đó là cuộc đấu trí đầy cam go với thực dân Pháp để ngăn chúng không phá hoại cơ sở vật chất của thành phố trước ngày tiếp quản… Đặc biệt, đó còn là ký ức tự hào trong ngày đoàn quân”trùng trùng như sóng” tiến về”; là niềm hân hoan, hạnh phúc vô bờ của hàng vạn người Hà Nội khi Thủ đô từ nay sạch bóng quân thù, mở ra một cuộc đời mới, kỷ nguyên mới; là những câu chuyện về một Hà Nội vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam; một Hà Nội kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, rồi làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

giai-nhat.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam (bên phải) và nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam trao giải Nhất cho tác giả Đan Nhiễm.

Chiếm tỉ lệ khá lớn là chủ đề người Hà Nội với những vỉa tầng văn hóa sâu lắng, thấm đẫm tinh thần Hà Nội, nhân văn, nhân ái, sẻ chia, lấp lánh phẩm cách hào hoa, thanh lịch của người Hà thành.

Bên cạnh đó, có khá nhiều tác phẩm thuộc thể loại tản văn, là nỗi nhớ thành phố ngàn năm yêu dấu của những người con xa quê hương, là cảm xúc của những người phương xa từng có quãng thời gian sinh sống, học tập hay thậm chí chỉ một lần ghé qua Hà Nội… Những bài viết đầy ắp tình cảm mến yêu, thương nhớ càng cho thấy vẻ đẹp, sức hút, sức lan tỏa rất lớn của trầm tích văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

giai-nhi.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội Tô Quang Phán (bên phải) cùng nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Hà nội mới trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhì.

Đặc biệt, nhiều tác giả đã có sự đầu tư lao động báo chí, dụng công với những loạt bài phân tích, lý giải những vấn đề nóng đặt ra với Hà Nội, từ đó hiến kế, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”.

“Thông qua cuộc thi, chúng ta càng thêm yêu Hà Nội, càng trân quý những giá trị lớn lao của Hà Nội được bồi tụ từ nghìn năm lịch sử để cùng nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau góp sức gìn giữ, phát huy để hào khí Thăng Long – Hà Nội càng thêm lan tỏa, rạng ngời”, Tổng Biên tập Báo Hà nội mới khẳng định./.

Từ 30 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo cuộc thi đã thống nhất chọn ra 20 tác phẩm để trao giải. Trong đó, giải Nhất được trao cho tác phẩm “Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng” (tác giả Đan Nhiễm). 2 giải Nhì được trao cho tác phẩm “Nỗ lực vì một Hà Nội đẹp từng centimet” (tác giả Hoàng Quyên - Hương Trà) và tác phẩm “Hà thành, mỗi bước ta đi” (tác giả Giang Nam). 3 giải Ba được trao cho các tác phẩm: “Mãi tự hào về hành trình chiến thắng” (tác giả Phạm Văn Chương), “Chuyện ông bố nhà quê đưa con đi xin lỗi bạn” (tác giả Nguyễn Hồng Thái), “Hà Nội linh thiêng – nơi khơi nguồn sức mạnh dân tộc” của tác giả Văn Ngọc Thủy.

Thụy Phương