Tác giả - tác phẩm

Phác thảo kiến trúc Thủ đô chặng đường 70 năm

Thụy Phương 14:55 07/10/2024

Ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô” là cơ hội để độc giả nhìn nhận lại chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ 1954 đến nay và những mong muốn phát triển cho một Hà Nội trong tương lai.

Phát biểu tại lễ ra mắt sách được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm sáng ngày 7/10, TS, KTS Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho hay, mặc dù đã có nhiều tác giả, nhóm tác giả với nhiều ấn phẩm nghiên cứu về Hà Nội ở các góc cạnh khác nhau, nhưng có lẽ điều đó vẫn chưa đủ để có thể hiểu biết hết về Hà Nội, một thành phố phát triển và sở hữu nhiều di sản, đặc biệt trong những giai đoạn phát triển quan trọng.

1(2).jpg
TS, KTS Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi ra mắt sách.

Đó cũng là một trong những lý do mà Thành phố Hà Nội luôn khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn nhằm bổ sung, bồi đắp thêm những kiến thức, giá trị nghiên cứu khoa học dành cho Hà Nội nói chung cũng như lĩnh vực kiến trúc, đô thị Hà Nội nói riêng.

Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô” được UBND thành phố giao Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) triển khai là công trình nghiên cứu của nhóm các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về quản lý và nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc - đô thị Hà Nội.

2(2).jpg
Cuốn sách giúp độc giả nhìn nhận lại chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ 1954 đến nay.

Nội dung cuốn sách được chia thành 5 phần: Kiến trúc Hà Nội - Chặng đường 70 năm phát triển; Định hướng quản lý và phát triển kiến trúc Hà Nội; Kiến trúc đô thị, cảnh quan đô thị Hà Nội, nhận diện bản sắc, kế thừa và phát huy giá trị; Kiến trúc Hà Nội - Những góc nhìn cho tương lai; Thông tin các văn bản quy phạm pháp lý liên quan đến qui hoạch, kiến trúc Hà Nội.

Với những trải nghiệm thực tế trong quá trình nghiên cứu, và quản lý, hành nghề và sáng tác, các tác giả đã cho thấy góc nhìn đa chiều cùng những phân tích và nhận diện sắc nét về bản sắc dân tộc trong kiến trúc và cảnh quan đô thị Thủ đô trong chặng đường 70 năm qua.

Góc nhìn thứ nhất là về mặt quản lý, chú trọng phân tích về sự biến đổi hình thái kiến trúc đô thị theo trục thời gian và trong các thể loại kiến trúc. Phần này là các nội dung về sự phát triển của kiến trúc Hà Nội được phân chia theo từng giai đoạn cụ thể trên trục thời gian 70 năm. Trong mỗi giai đoạn đó, các tác giả sẽ phân tích bối cảnh kinh tế - xã hội, những tác động về cơ sở pháp lý, về mặt quản lý, những văn bản định hướng phát triển… ; đồng thời, thể hiện các nội dung đó trong các lĩnh vực: kiến trúc nhà ở, kiến trúc công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn; kèm theo là những phân tích về những biến đổi kiến trúc nhờ ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Góc nhìn thứ hai là những góc nhìn, nghiên cứu, phân tích về bản sắc của kiến trúc, đô thị Hà Nội; những mong muốn, đề xuất cho một Hà Nội phát triển hiện đại, giàu bản sắc, vì cộng đồng. Ban biên tập đã sắp xếp thành các nhóm vấn đề liên quan tới kiến trúc Hà Nội trong các giai đoạn phát triển kế tiếp.

3(2).jpg
Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách.

Ths, nhà báo Phạm Thanh Huyền - Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam cho biết, Ban soạn thảo cũng thống nhất trong cấu trúc chung của cuốn sách, ngoài việc đi sâu vào các nội dung, khía cạnh phải là sự “mở” dành cho các tác giả gửi gắm chia sẻ, để tạo nên cái phong phú, cái “bản sắc” riêng của mỗi tác giả.

“Nếu ở những trang viết của GS.KTS Hoàng Đạo Kính với lối viết ngắn, ngôn từ “đắt” khúc triết, sâu sắc, hàm nghĩa ẩn ý khiến người đọc phải suy ngẫm thì ở KTS Nguyễn Luận lại là sự diễn giải, nhận diện và dẫn dắt theo chất của một thầy giáo mà ở đó có sự thẩm thấu của ngôn từ như hòa vào cái hồn của kiến trúc, mặt nước, con đường, hàng cây, góc phố.

Một điều đặc biệt nữa là bản sắc dân tộc trong kiến trúc một lần nữa được nhìn nhận từ góc độ chính sách và quản lý qua nội dung: “Tạo dựng bản sắc trong kế thừa và phát triển kiến trúc Hà Nội” của Ths.KTS Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc. Đây cũng là một nội dung khá mới mẻ bởi nhìn từ góc độ của một nhà quản lý…”, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam nhận định./.

Thụy Phương