Hà Nội xưa - nay

Ngày ấy... quê hương & chúng tôi

Đặng Thiêm 07:18 07/10/2024

Quê tôi - thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội xưa có tên là Ngã Tư Đình thuộc tỉnh Hà Tây. Sở dĩ có tên gọi này là bởi khi ấy Ngã Tư Đình có đường thông bốn ngả: phía Bắc ra Hà Nội; phía Nam xuống Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình…; phía Tây sang Mỹ Đức vào Hòa Bình; phía Đông tới Thường Tín, vượt sông Hồng đến Hưng Yên... Tuy chỉ là con phố nhỏ nhưng nơi đây vẫn được xem là trung tâm chính trị, kinh tế của huyện Ứng Hòa.

nguoi-dan-vui-mung-don-chao-doan-quan-chien-thang.jpg
Người dân vui mừng đón chào đoàn quân chiến thắng. Ảnh: Life

Đầu năm 1950, Pháp đã chiếm đóng nơi đây, xây bốt Pháp, bốt quận, bốt vệ tinh dày đặc nhằm biến nơi đây thành khu trung tâm kiểm soát phía Nam Hà Đông, lập hội tế ở các làng xung quanh, đào tạo những tên tay sai khét tiếng bắt phu, bắt lính, thu thuế... Sáng sáng, lính đồn trú đi “ba-tiêu” (đi tuần đường) từ bốt này sang bốt khác dò mìn kiểm soát giao thông. Thường, có khi cả đêm, quân Pháp bất ngờ vây ráp, lùng sục, bắt cán bộ, du kích của ta về xây dựng cơ sở, vận động nhân dân tham gia kháng chiến...

Cuộc sống thật ngột ngạt. Ngày nào, mỗi làng đều phải nộp hàng chục người chặt tre, đi phu rào đồn bốt địch. Thiếu người thì cả trẻ con phải thay thế. Tôi lúc ấy 14 tuổi cũng phải đi vài lần. Lớn lên trong hoàn cảnh ấy, tôi cũng như mọi người trong làng ngoài phố đều nơm nớp lo sợ. Năm 1954, sau thất bại ở Điện Biên Phủ, quân Pháp treo cờ rủ, sợ hãi. Khoảng tháng 6, chúng rút chạy. Đồng bào ta kéo xuống bốt quận, bốt Thanh Ấm, trung tâm chỉ huy của Pháp đòi lại những thứ chúng “mượn” bằng súng như tủ chè, sập gụ, tràng kỉ, đồ thờ, đồ cổ, điếu ống...

Quân Pháp rút đến đâu, cờ của ta mọc lên đến đó. Nhìn những lá cờ đỏ sao vàng vượt lên lũy tre làng, phấp phới bay, ai ai cũng sung sướng, tự hào! Chúng ta đã chiến thắng! Lá cờ Tổ quốc, lá cờ mà trước ngày bị tạm chiếm, sáng nào chúng tôi cũng được chào trước giờ vào lớp. Ngày ấy, hễ đi qua nơi nào mà nghe thấy tiếng hát Quốc ca, chúng tôi cũng lập tức đứng nghiêm lại, thành kính hướng về. Giờ đây, thấy tre làng như tươi hơn, xanh hơn, cờ như thắm hơn, sao như sáng hơn, lòng muốn bay, muốn nhảy, kiêu hãnh biết mấy!
Bộ đội về làng. Các anh ăn mặc tử tế, chẳng quần nâu áo vá như xưa. Nhân dân mở rộng cửa nhà đón tiếp hồ hởi. Ủy ban hành chính kháng chiến trở về. Làng xóm hầu như ngày nào cũng mở hội, mít tinh rộn ràng. Người người gặp nhau tươi cười chào hỏi, mừng rỡ như người thân lâu ngày mới thấy mặt. Cuộc sống thật tưng bừng phơi phới.

Lúc bấy giờ, tôi đã 18 tuổi. Nghe lời các anh bộ đội, chúng tôi rủ nhau làm “công tác”: kẻ khẩu hiệu; phát thanh tin tức trên báo Nhân dân bằng loa vỏ bầu, loa sắt; vận động, hô hào bà con làm vệ sinh đường xóm; tập hợp các em thiếu nhi hát múa... Hát thì không khó vì chúng tôi biết “Son-pha” (đọc được nhạc), chép được bài nào thì hát đúng điệu rồi dạy cho các em. Múa thì nhờ các anh bộ đội dạy như nhảy sạp, múa quạt, múa nón, xòe Thái... Sao mà chóng thuộc thế! Có lẽ vì vui thích nên chăm chú học chăng? Không có váy Thái thì lấy váy mẹ, váy bà, váy chị bó hẹp lại hoặc tấm vải bó hẹp lại hoặc tấm vải mưa nilon quấn quanh. Khi nhảy, nó cứng quét sàn sạt cũng vui!

Chúng tôi, anh nào cũng hăng say nhưng chẳng mấy hiểu gì về chính trị cả, cũng chưa hiểu rõ Đảng và mặt trận là thế nào. Một hôm, anh Sáng từ trên xã xuống, anh mặc bộ quần áo ta nâu, đeo cái túi xanh tím đến bảo chúng tôi thành lập phân đoàn cho có tổ chức. Mặc dù không hiểu lắm nhưng bọn tôi vẫn nghe theo, làm những việc mà chúng tôi thích. Chúng tôi không bầu ra trưởng phó gì cả. Ai thạo gì làm đó. Ví dụ Hiệu thích chơi với thiếu nhi thì phụ trách thiếu nhi, tôi biết đàn hát thì tổ chức ban nhạc. Nói là ban nhạc cho oai thôi, chứ chúng tôi có mỗi cây sáo dọc của Hiệu, cái măng-đô-lin của Tăng, chiếc vi-ô-lông cũ của tôi và một băng-giô-an-tô của Tiếp. Vậy mà cũng bập bùng xôm ra phết. Hải thích viết kịch và múa thì lập ban kịch, tìm bài múa...

Khoảng nửa tháng, chúng tôi lại vào xin cụ ủy nhiệm thôn một lít dầu, đi mượn đèn măng xông, mượn các đường vải của các bà, các cô hàng tấm ghép lại làm phông màn rồi tổ chức một tối văn nghệ. Thường thì đêm diễn nào cũng có ba phần: ca nhạc, múa, kịch. Kịch nhiều khi không tìm được kịch bản, chúng tôi cứ cương bừa sau khi phác ra một dàn ý, chẳng biết thế nào là đạo diễn cả. Không có phấn, son, thì đập phấn viết bản ra bôi. Cần vẽ râu thì xin mực tầu...

Thấy bà con xem đông, các bạn gái ngước nhìn hâm mộ thế là chúng tôi càng hăng hái... Nhiều khi diễn xong mệt lử nhưng mà vui, hẹn nhau chuẩn bị buổi sau.

Có thể nói, không khí tự do, giải phóng đã “bốc” chúng tôi lên như thế. Bạn nào cũng phơi phới. May quá, sau đó tôi được theo học trường Nguyễn Huệ do thầy Cương làm hiệu trưởng. Những ngày học chuyển tiếp ấy, qua các giờ Chính trị, giờ Văn, giờ Sử, giờ Sinh, chúng tôi mới nhận ra nhiều điều. Có thể nói là giác ngộ. Từ những con người cũ chúng tôi đã thành những thanh niên mới, nhận thức chính trị được nâng lên. Ý thức trở thành ý nguyện phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Có thể nói, từ tự phát, chúng tôi đã tự giác hơn trong mọi hoạt động của mình. Chúng tôi náo nức đón ngày Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ lại Thủ đô tiếp quản! Dân tộc ta đã chiến thắng! Tự hào vô cùng!

Thế rồi, trường Sư phạm sơ cấp liên khu IV chiêu sinh. Với ý thức đem hiểu biết của mình đi mở mang văn hóa cho đồng bào, tôi và đồng bạn hăng hái đi dự tuyển rồi sau 15 tháng học tập, chúng tôi đã trở thành thầy giáo từ đấy. Từ bấy đến nay, lịch sử nước nhà trải qua bao khó khăn, gian khổ, và vinh quang! Tôi cũng như lớp thanh niên ngày ấy đã vững vàng vượt lên được, chính là nhờ “cái thuở ban đầu” giải phóng ấy!

Hơn 70 năm qua, mỗi lần hồi tưởng lại, tôi vẫn thấy bồi hồi, xúc động, rộn ràng, thú vị. Ôn lại chuyện mình, chuyện quê hương, ngày giải phóng, mấy ông bạn già chúng tôi lại cười vang thoải mái. Hai tiếng “Giải phóng” trở thành hình tượng cụ thể, sáng đẹp, ý nghĩa, và thấm thía, lung linh biết bao! Không phải ai cũng thấu được!

Đặng Thiêm