Xóa bỏ bếp than tổ ong tại Hà Nội: Cần hành động quyết liệt hơn

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:51, 16/06/2022

Là đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa nhanh nên chất lượng không khí ở Hà Nội nhiều ngày ở mức xấu và một trong những nguồn phát thải ô nhiễm nguy hại là việc sử dụng bếp than tổ ong. Trước thực tế đó, ngày 30-10-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND với mục tiêu đặt ra là đến ngày 31-12-2020, các địa phương phải xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô đã giảm mạnh, nhiều nơi đã xóa bỏ được hoàn toàn loại bếp này. Tuy nhiên, để có thể xử lý triệt để thói quen dùng bếp than tổ ong, Hà Nội cần thực hiện một số biện pháp quyết liệt hơn.
Xóa bỏ bếp than tổ ong tại Hà Nội: Cần hành động quyết liệt hơn
Hội LHPN phường Thổ Quan (quận Ðống Ða) tặng 12 bếp hồng ngoại cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong.

Một quyết định đúng đắn

Nhận thức rõ tác hại từ việc sử dụng bếp than tổ ong, từ khi Chỉ thị 15/CT-UBND được ban hành, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng như trực tiếp đến các hộ gia đình khuyên nhủ, thuyết phục, thành lập các nhóm zalo để giám sát, xây dựng các buổi phát thanh thường xuyên để thông tin về tác hại của than tổ ong... nhằm nâng cao nhận thức, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong mà chuyển đổi sang loại bếp phù hợp. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tại một số nơi, chính quyền sở tại đã có những cách làm hay, thiết thực.

Phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những “điểm sáng” về việc xóa bỏ bếp than tổ ong. Khi biết trên địa bàn phường có 50 hộ dùng bếp than tổ ong, phường đã cử cán bộ xuống tận nơi vận động, tuyên truyền về tác hại của khí than đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ngay sau đợt vận động, 38 hộ đã tự giác chuyển sang dùng bếp điện. 12 hộ còn lại thuộc diện chính sách, qua khảo sát thấy đời sống bà con thực sự khó khăn, cần sự trợ giúp, phường đã kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, trích kinh phí mua bếp từ, bếp gas đổi lấy bếp than tổ ong cho các gia đình này. Nhờ đó, phường Hàng Bạc đã nhanh chóng “về đích” trong việc xóa bỏ bếp than tổ ong.

Tương tự, từ nguồn kinh phí hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và nguồn xã hội hóa, Đảng ủy và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thổ Quan (quận Đống Đa) đã trao tặng bếp hồng ngoại cho 12 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn để thay thế hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong. Cũng với tinh thần sáng tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bắc Từ Liêm phát động cuộc thi “Bếp xanh nhà sạch” nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân thay thế bếp than tổ ong bằng một loại bếp khác thân thiện với môi trường và tái chế bếp than cũ thành các sản phẩm trang trí, làm đẹp cảnh quan...

Đặc biệt là sự vào cuộc của Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) với các dự án về không khí sạch; phối hợp cùng thành phố và các quận, huyện làm công tác truyền thông, hỗ trợ đổi bếp than... Live & Learn kêu gọi cộng đồng cung cấp dữ liệu về tình hình sử dụng bếp than tổ ong xung quanh mình, tổ chức đội ngũ cộng tác viên đi rà soát vị trí bếp than tổ ong và đánh dấu tình hình bếp vẫn còn sử dụng (màu đỏ) và không còn sử dụng (màu xanh) trên bản đồ Google Map để cung cấp thông tin cho chính quyền các phường, xã kịp thời tiến hành biện pháp xử lý.

Sau những nỗ lực của các cấp, ngành nhằm chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong, nhiều tuyến phố ở Hà Nội hiện không còn xuất hiện bếp than tổ ong, nhiều người đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than và chuyển sang dùng bếp gas, bếp điện, bếp thân thiện với môi trường. Chị Nguyễn Thị Minh Thi (phường Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc cấm bếp than tổ ong. Hà Nội hiện đã rất ô nhiễm, giờ lại thêm cả khói bếp than nữa thì môi trường sống của chúng ta và cả con cháu chúng ta nữa sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Tôi thấy quyết định này của Thành phố là rất hợp lý”.

Xóa bỏ bếp than tổ ong tại Hà Nội: Cần hành động quyết liệt hơn
Cần thực hiện một số biện pháp quyết liệt hơn để xóa bỏ bếp than tổ ong.

Quyết liệt duy trì thành quả

Được biết, sau giai đoạn thông báo chủ trương, vận động, hỗ trợ chuyển đổi nhằm loại bỏ bếp than tổ ong, từ ngày 1-1-2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng bếp than tổ ong. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, ở một số nơi tại Hà Đông, Long Biên, Tây Hồ, Hoàng Mai, Đống Đa... vẫn còn không ít người dân sử dụng bếp than tổ ong phục vụ kinh doanh cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Sử dụng bếp than tổ ong tại thời điểm này thường là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán trên vỉa hè, hộ thuê nhà để kinh doanh, người có thu nhập thấp. Chị Nguyễn Thị Thu, người kinh doanh trên vỉa hè ở quận Long Biên chia sẻ: “Tôi biết thành phố có chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong vì gây ô nhiễm môi trường nhưng gia đình tôi chưa có điều kiện để mua bếp gas, bếp điện. Hơn nữa, chỗ tôi ngồi bán hàng rất khó để kéo dây điện tới, lắp đặt bếp điện cũng không đơn giản nên giờ tôi vẫn sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu”. Không riêng khu vực nội đô, ở nhiều khu tái định cư và khu đô thị mới tại Hà Nội cũng có tình trạng sử dụng bếp than tổ ong ở ban công để đun nước, nấu nướng. Ngay dưới chân những tòa nhà, nhiều nhà hàng, quán ăn vẫn sử dụng bếp than tổ ong.

Chị Nguyễn Thu Hà (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Sử dụng bếp than tổ ong không chỉ gây hại với sức khỏe của bản thân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng. Nhà tôi ở ngay cạnh một quán ăn sử dụng bếp than, mặc dù tôi đã nhắc nhở nhiều lần nhưng họ không thay đổi. Theo tôi, tình trạng sử dụng bếp than tổ ong vẫn còn là do việc xử phạt còn chưa được thực hiện nghiêm, vẫn có hiện tượng nể nang, đối phó bởi đa phần các hộ dùng than tổ ong đều là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền nhiều nơi chỉ dừng ở việc nhắc nhở hoặc thu bếp nên chưa có tác dụng răn đe”.

Trước thực trạng này, UBND thành phố Hà Nội cùng các cấp chính quyền cơ sở đã nhanh chóng vào cuộc, đề ra giải pháp thiết thực nhằm xóa bỏ bếp than tổ ong. Đối với những hộ nghèo, thành phố đã và đang hỗ trợ họ chuyển sang sử dụng loại bếp khác bằng nhiều giải pháp khác nhau. Các cơ sở sản xuất than và bếp than được định hướng, hỗ trợ chuyển đổi mô hình, ngành nghề kinh doanh mới.

Tuy nhiên, theo chị Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng, để tiến tới một “thành phố không khói than tổ ong”, cần sâu sát hơn trong công tác phát hiện những hộ sử dụng và tái sử dụng bếp than tổ ong. Sử dụng bản đồ giám sát việc sử dụng bếp than tổ ong trên Google Map không chỉ giúp các đơn vị theo dõi hiện trạng sử dụng bếp than trên địa bàn, mà còn giúp người dân chia sẻ thông tin để góp phần cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội.

Sự chung tay hành động mạnh mẽ từ phía chính quyền, các tổ chức và người dân sẽ giúp Hà Nội đạt mục tiêu xóa bỏ bếp than tổ ong để giảm thiểu ô nhiễm, mang lại không khí trong lành cho Thủ đô.

Hanoimoi