Văn hóa – Di sản

Huế đề nghị công nhận 4 hiện vật quý thời Nguyễn là Bảo vật Quốc gia

Hà Oai 14:01 03/10/2024

Chuông Ngọ Môn, Ngai hoàng đế Duy Tân, Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng và Tượng rồng thời Thiệu Trị đã được lập hồ sơ trình cơ quan chuyên môn thẩm định để công nhận bảo vật Quốc gia.

Ngày 3/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hồ sơ đề nghị công nhận 4 bộ hiện vật là bảo vật Quốc gia đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định.

Theo đó, các hiện vật gồm Chuông Ngọ Môn, Ngai hoàng đế Duy Tân, Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng (hiện vật gồm 1 hiện vật) và Tượng rồng thời Thiệu Trị (2 hiện vật) được Hội đồng thẩm định tỉnh Thừa Thiên Huế họp đánh giá và thống nhất hồ sơ dựa trên tiêu chí như tính độc bản, độc đáo, có giá trị đặc biệt đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước hoặc gắn với nhân vật lịch sử. Là kinh đô của nhà Nguyễn (1802-1945) ngày nay Cố đô Huế vẫn giữ các di sản vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử, kiến trúc… Năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại.

Cụ thể, Chuông Ngọ Môn được đúc năm Minh Mạng thứ 3 (1822) là tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ngành điêu khắc, hội họa, kỹ nghệ đúc đồng thời Minh Mạng (1820 - 1841) nói riêng và triều Nguyễn (1802 - 1945) nói chung được đúc để đặt tại không gian cổng chính ở phía Nam (cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế) để sử dụng trong tất cả nghi lễ cung đình và được coi là biểu tượng của vương triều Nguyễn.

Chuông ở Ngọ Môn (Kinh thành Huế) có khắc bài minh, đại ý là “Chuông là chỗ ban đầu của âm thanh, của nguyên khí. Âm thành này được dùng trong những buổi triều hội, yến tiệc. Tiếng bong – bong của nó làm cho người nghe phải sinh ra hứng thú. Phép trị nước cũng nhờ đó mà được chấn khởi. Sự vang động rộng lớn của nó sẽ khiến nhân tâm cảm động, từ đó thấm nhuần được cái đức Trời Đất, chứng minh cho người biết cái đạo của âm thanh sẽ thông với các chính hóa. Đó là bằng chức của thời thịnh trị, thái bình”.

Mỗi khi có các dịp lễ lớn, hoàng đế xuất cung hoặc hồi cung, lầu Ngọ Môn đều nổi chuông, đánh trống phối hợp nhịp nhàng với dàn Đại nhạc. Chuông và trống tại Ngọ Môn cũng được dùng để báo giờ và làm hiệu lệnh đóng mở cửa thành.

462089361_1075234454606699_898372883099660815_n.jpg
Chuông Ngọ Môn.

Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng là hiện vật bằng đá cẩm thạch duy nhất lưu lại dấu ấn của hoàng đế Minh Mạng và đang được trưng bày trong điện Long An - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Bức phù điêu không chỉ thể hiện đỉnh cao của kỹ nghệ chạm khắc đá mà còn thể hiện trình độ, kỹ thuật điêu khắc gỗ của các nghệ nhân dưới thời Nguyễn.

Đặc biệt, đây là những hiện vật, bộ hiện vật độc bản, còn nguyên vẹn các bộ phận cấu thành nên hiện vật, các họa tiết hoa văn đầy đủ, sắc nét. Những hiện vật có hình thức thể hiện độc đáo và có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu…

461950942_1075234891273322_1656217516593171667_n.jpg
Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng.

Tượng rồng thời Thiệu Trị là bộ hiện vật bằng đồng có giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và là đỉnh cao của sự tích hợp, mô phỏng hình dáng các chiếc “kim ấn bảo tỉ” được đúc từ thời Minh Mạng đến thời Thiệu Trị với kiểu thức “hình rồng quấn”. Đôi tượng rồng được đặt trước điện Càn Thành, sau năm 1947 khi điện Càn Thành không còn và cặp tượng rồng được di chuyển tới đặt trước sân Duyệt Thị Đường cho tới ngày nay.

461901890_1075235047939973_1705324926746942398_n(1).jpg
Tượng rồng thời Thiệu Trị.

Ngai hoàng đế Duy Tân được triều đình đặc chế riêng cho vua Duy Tân khi ông lên ngôi năm 7 tuổi với kiểu thức, hoa văn trang trí áp dụng kỹ thuật sơn, thếp vẽ vàng cùng kỹ thuật chạm nổi thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật điêu khắc gỗ lúc bấy giờ. Hiện, Ngai Hoàng đế Duy Tân được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

461944146_1075281787935299_2648403025712582053_n.jpg
Ngai Hoàng đế Duy Tân.

Đến nay, Việt Nam đã có 164 hiện vật/nhóm hiện vật được tôn vinh là Bảo vật Quốc gia. Cố đô Huế có 10 hiện vật, bộ hiện vật với 35 hiện vật đơn lẻ đã được công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đang quản lý và phát huy giá trị của 8 hiện vật/nhóm hiện vật với số lượng là 33 cổ vật đơn lẻ (32 cổ vật thuộc về thời Nguyễn), 2 bảo vật quốc gia còn lại đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế./.

Hà Oai