Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử
Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí, tinh thần chiến đấu ngoan cường, gan dạ, sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
Theo các điều khoản của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Tuy nhiên, thực dân Pháp lợi dụng thời gian này tìm mọi cách phá hoại thành phố; ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế.
Biết trước âm mưu của Pháp, ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ này.
Sau quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao yêu cầu thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn, bảo đảm nguyên tắc chuyển giao trong trật tự, an toàn, không có sự gián đoạn hoạt động của đời sống nhân dân; ngày 30/9/1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về mặt quân sự; ngày 2/10, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Chính phủ ta đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.
Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố trước, chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền.
Ngày 6/10/1954, địch rút khỏi quận lỵ Văn Điển và thị xã Hà Đông. Sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội của ta tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội. Chiều 8/10, một số đơn vị tiến sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy, trong khi đó, quân Pháp rút khỏi Yên Viên.
Sáng 9/10/1954, bộ đội phối hợp với các đội công tác ngoại thành tiếp quản 4 quận lỵ còn địch gồm Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi. Quân đội ta theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Lần lượt, bộ đội ta tiếp quản nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. Địch rút đến đâu, ta tiến đến đấy, tổ chức tiếp thu theo lối “cuốn chiếu”.
16 giờ, quân đội Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16 giờ 30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội, tiếp quản thành phố an toàn và trật tự. Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết của nhân dân Thủ đô.
Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Phía Đông Nam, xe ô tô của Ủy ban quân chính thành phố dẫn đầu đoàn pháo binh, bộ binh từ sân bay Bạch Mai qua Ngã Tư Vọng lên phố Bạch Mai, phố Huế tiến vào Hàng Bài. Phía Tây Bắc, Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”, từ khu vực Quần Ngựa tiến vào Cửa Đông. Cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay là Đại học Bách khoa) hành binh lên phố Huế. Cả ba mũi gặp nhau tại Hồ Gươm. Trên các tuyến phố chính, hàng chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già ùa ra hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về.
Vào lúc 15 giờ, tại sân Cột Cờ, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang chỉnh tề tham dự lễ chào mừng chiến thắng do Ủy ban Quân chính tổ chức. Hòa mình trong không khí hân hoan đó, nhà báo Thép Mới đã ghi lại thời khắc lịch sử này bằng ký sự “Ngày đầu tiên của Thủ đô giải phóng: Từ Bạch Mai đến cầu Long Biên” đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 11-12/10/1954. 70 năm trôi qua, âm hưởng ngày chiến thắng vẫn như còn nóng hổi trên trang báo đã ngả màu thời gian:
“Mới tờ mờ đất, ngày 9 tháng 10, tiếng hát “Vì nhân dân quên mình” bỗng vang lên trên các ngả đường vào Bạch Mai, Kim Liên, ô Cầu Giấy. Các đơn vị tiền phong của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàng ngũ nghiêm chỉnh, tiến vào giải phóng Thủ đô…
... Quân đội ta tiến đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc ra đến đấy. Trên nóc nhà, trên hiên gác, nhà nào nhà ấy treo cao những lá cờ đã lắp cán sẵn. Nhiều cửa đóng kín từ lâu nay bỗng mở tung ra. Sau bao năm xa cách, lần đầu tiên mới lại nhìn thấy người chiến sĩ anh dũng của quân đội nhân dân đã xông pha bao năm chinh chiến, trăm trận trăm thắng, nỗi vui sướng của đồng bào dào dạt thành những tiếng hoan hô không ngớt: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!".
… Nhìn ngược về dốc Hàng Gà, phố xá đã trở thành một dòng sông đỏ cờ và biểu ngữ. Bộ đội ta đứng giữa lòng nhân dân Hà Nội. Lòng nhân dân Hà Nội vốn giàu nhiệt tình cách mạng. Các em nhỏ quấn quít lấy các anh: “Bao giờ Bác về hở các anh? Các anh sẽ chép bài hát cho các em nhá”. Những bạn trẻ Hà Nội vồn vã hỏi chuyện các chiến sĩ như những người bạn thân lâu ngày mới gặp…”
Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, sở Mật thám liên bang. Sinh hoạt của nhân dân được bình ổn, an ninh trật tự được bảo đảm. Bộ máy của các cơ quan chức năng về kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, giáo dục hoạt động đều, giao thông, liên lạc, bưu điện giữa Hà Nội với các tỉnh thông suốt.
Ngày giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô./.