Mỹ thuật

Kiến trúc sư Cao Phương Thảo - người ghi dấu ấn với nghệ thuật trúc chỉ

Thảo Nguyên 08:55 01/10/2024

Ra đời ở Huế, từ sáng tạo của họa sĩ Hải Bằng, trúc chỉ trong nghệ thuật đã mang sứ mệnh “đưa giấy thoát khỏi thân phận của một vật liệu làm nền”. Phải lòng trúc chỉ, chung niềm đam mê với người đã sáng tạo ra nghệ thuật này, kiến trúc sư Cao Phương Thảo đã góp phần đưa các sản phẩm ứng dụng nghệ thuật trúc chỉ vào phục vụ cuộc sống và bảo tồn di sản.

Phải lòng trúc chỉ

Lần đầu tiên biết đến trúc chỉ là khi Phương Thảo được tặng một bức tranh lớn. Với con mắt “chuyên nghiệp” của một kiến trúc sư, ngay lập tức cô thấy bức tranh ấy cực kì phù hợp trở thành một bức bình phong trong phòng khách nhà mình. Nhưng sau khi quan sát kĩ bức tranh, Thảo nghĩ đến việc làm thế nào để làm nổi bật những đường vân, những nét sợi dày mỏng trên bức tranh khổ lớn. Vậy là cô thử nghiệm bằng nhiều cách: chiếu rọi bằng ánh sáng tự nhiên, ánh sáng đèn… Và cuối cùng, khi sử dụng khung và chiếu đèn thì bức tranh đã biến thành một bức bình phong như ý muốn.

Chiêm ngưỡng sản phẩm đã hoàn thành, Thảo ngỡ ngàng trước sự “ăn khớp” đến hoàn hảo giữa bức tranh trúc chỉ và ánh sáng đèn. Ánh đèn giúp cho từng họa tiết trên tranh tỏa sáng, để trình diễn một “bữa tiệc” nghệ thuật thị giác ấn tượng. Quá mê mẩn, cô quyết định lên đường vào Huế tìm “cha đẻ” của trúc chỉ (họa sĩ Phan Hải Bằng) để “bái sư học đạo” với khát vọng đưa dòng sản phẩm nghệ thuật đặc biệt này vào phục vụ đời sống. Nhìn thấy đam mê và tình yêu nghệ thuật của nữ kiến trúc sư trẻ, họa sĩ Phan Hải Bằng đã đồng ý “chuyển giao công nghệ” cho cô.

cao-phuong-thao-voi-tac-pham-kinaras-dang-hoa.jpg
Cao Phương Thảo với tác phẩm "Kinaras dâng hoa".

Phương Thảo chia sẻ, quá trình hình thành một tác phẩm trúc chỉ mất rất nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên là chọn nguyên liệu. Nguyên liệu để làm trúc chỉ chủ yếu từ các loại sản vật địa phương như: tre, trúc, dừa, chuối, dâu… Sau khi được nghiền nhỏ và “chế biến” theo công nghệ làm giấy truyền thống, nghệ sĩ trúc chỉ sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình để tạo nên tác phẩm: “seo” bột giấy lên khung, rồi thi triển tác phẩm khi khung seo còn ướt. Kỹ thuật đồ họa trên trúc chỉ được thực hiện bằng cây bút nước đặc biệt. Người nghệ sĩ sử dụng áp lực nước để bóc đi từng lớp bột giấy, tạo hình rõ nét chất liệu từng loại sơ sợi theo ý muốn, theo độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau cho đến khi hoàn thành tác phẩm.

ung-dung-truc-chi-trong-van-hoa-tam-linh.jpg
Ứng dụng trúc chỉ trong văn hóa tâm linh.

“Một tác phẩm tranh trúc chỉ nếu chỉ dừng ở đó thì sẽ chỉ được trưng bày ở triển lãm hoặc phòng trưng bày và đối tượng thưởng thức có thể sẽ chỉ là những người yêu tranh. Còn nếu trúc chỉ được ứng dụng vào cuộc sống thì sẽ đến được với đông đảo công chúng hơn, được tiếp nối và kế thừa nhiều hơn”, Phương Thảo chia sẻ. Cũng bởi thế, khi đã có được một tác phẩm tranh trúc chỉ, Thảo và các cộng sự của cô lại miệt mài kết hợp thêm các phụ kiện ứng dụng để đưa tác phẩm vào cuộc sống.

Nỗ lực đưa nghệ thuật trúc chỉ vào cuộc sống

Từ ý tưởng về bức bình phong năm nào, Cao Phương Thảo và các đồng nghiệp đã nghiên cứu, ứng dụng nghệ thuật trúc chỉ trên rất nhiều sản phẩm khác nhau như tranh treo tường với với những hoa văn họa tiết cổ như Đức Phật, hoa sen, rồng phượng… “Những bức tranh này nếu kết hợp với ánh sáng đèn sẽ tạo ra hiệu ứng phù hợp với kiến trúc nội thất phòng thờ, tâm linh - một “nhánh” vô cùng quan trọng trong văn hóa Việt. Thêm nữa, những bức tranh treo tường, những tấm bình phong cũng sẽ hút ánh nhìn hơn khi các hoa văn tỏa sáng dưới ánh đèn”, Phương Thảo chia sẻ.

truc-chi-tren-non.jpg
Nghệ thuật trúc chỉ ứng dụng trên nón lá.

Không chỉ dừng lại ở những bức tranh, Phương Thảo còn tìm kiếm những loại hình sản phẩm có thể áp dụng nghệ thuật trúc chỉ: từ chiếc nón lá, cánh diều tuổi thơ đến những chiếc đèn lồng trang trí… Theo Phương Thảo, đưa trúc chỉ vào đời sống là cách để phổ biến và phát triển nó rộng và sâu nhất. Có thể ban đầu, người xem sẽ hơi ngỡ ngạc và ngạc nhiên với khái niệm trúc chỉ, nhưng dần dần họ sẽ hiểu hơn về quá trình sáng tạo và ngày một yêu thích các sản phẩm nghệ thuật này.

Không chỉ dừng lại ở trong nước, Phương Thảo còn muốn phát triển các sản phẩm để giới thiệu về nghệ thuật trúc chỉ với bạn bè quốc tế. Những chiếc ví đựng hộ chiếu là những sản phẩm trúc chỉ đầu tiên nhóm cô thực hiện với mục đích này. “Hầu như ai trong chúng ta cũng đều có một tấm hộ chiếu. Mỗi khi ra nước ngoài, mỗi khi gặp bạn bè quốc tế, cầm trên tay một tấm hộ chiếu có hoa văn trúc chỉ truyền thống của dân tộc Việt… thì biết đâu, một câu chuyện kể lại được bắt đầu…”

bo-tranh-ve-cuoc-doi-duc-phat.jpg
Bộ tranh về cuộc đời Đức Phật.

Và niềm đau đáu với bảo tồn di sản

Dù đã có những thành tựu nhất định trong việc ứng dụng trúc chỉ vào cuộc sống nhưng điều mà Thảo luôn đau đáu đó chính là bảo tồn di sản. Đưa một chất liệu mới thể hiện một giá trị di sản cũ, để cái mới đan xen với cái cũ, cái mới giữ gìn cái cũ, cái cũ tôn vinh cái mới… lại trăn trở lớn nhất của Thảo.

Là một người hoài cổ, yêu thích các giá trị cổ xưa, Thảo rất thích ngắm nhìn các ngôi chùa cổ với những họa tiết hoa văn trên các đỉnh vì kèo cột. Cô cũng hay một mình lang thang ở những công trình văn hóa cổ, để thấm, để ngấm những thông điệp của người xưa. Chính vì vậy, mới đây khi tham gia triển lãm “Ngày xửa ngày xưa” – một trong số hoạt động của dự án Dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn Nghệ sĩ đương đại” cùng với 15 nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật khác, Phương Thảo đã lần đầu tiên được bùng cháy đam mê của mình với nghệ thuật trúc chỉ. Tác phẩm di sản đầu tiên cũng là tác phẩm cô yêu thích nhất là bức bình phong “Kinaras dâng hoa”. Phương Thảo cho hay, cô đã mất hàng tháng trời để lên ý tưởng, tự tay “seo” giấy, phun rửa hoa văn… Và cuối cùng, tác phẩm đã nhận được sự yêu thích của người xem, khiến cô càng vững tin trong việc dùng chất liệu mới truyền thông điệp về bảo tồn di sản.

truc-chi-tren-quat.jpg
Nghệ thuật trúc chỉ ứng dụng trên quạt.

Dù mới ra đời được hơn 10 năm, nhưng nhờ có những người như kiến trúc sư Cao Phương Thảo, trúc chỉ đã chứng minh được tính ứng dụng rộng rãi của nó trong cuộc sống. Hy vọng rằng, một ngày không xa, những sản phẩm từ nghệ thuật trúc chỉ của kiến trúc sư Cao Phương Thảo sẽ đến được với đông chúng công chúng, từ đó góp phần khẳng định thương hiệu của nghệ thuật trúc chỉ Việt./.

Thảo Nguyên