Văn hóa - Xã hội

Những việc người dân Thủ đô cần làm để lan tỏa nét đẹp văn hóa giao thông đường sắt, đường thủy

Quỳnh Chi 10:59 24/09/2024

Cùng với khuyến cáo người dân Hà Nội thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn giao thông lĩnh vực đường bộ, Phòng CSGT Thành phố vừa đưa ra khuyến cáo đối với người dân, các tổ chức cá nhân liên quan về việc đảm bảo an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt, đường thủy.

Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới và các Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội, UBND Thành phố về triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới và Kế hoạch của UBND Thành phố về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới và các văn bản của UBND Thành phố, Bộ Công an, Công an Thành phố về triển khai thực hiện Chỉ thị số 31 của Chính phủ; Kế hoạch số 145/KH-UBND, ngày 16/5/2023 của UBND Thành phố Hà Nội về xây dựng và phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT.

dshn-1.jpg
Cơ quan chức năng, tổ liên ngành Hà Nội thực hiện công tác kiểm tra lấn chiếm, vi phạm vào hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn.

Phòng CSGT Thành phố đã có công văn đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội; Thành đoàn Hà Nội; Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố; Ban An toàn giao thông các quận, huyện, thị xã; Công an cấp huyện về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Phòng CSGT Thành phố Hà Nội khuyến cáo:

Đối với lĩnh vực giao thông đường sắt

Tự giác phá dỡ các công trình vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Không làm hư hại công trình và phương tiện giao thông đường sắt. Không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

Không làm sai lệch công trình, hệ thống báo hiệu trên đường sắt; làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; không ngăn cản việc chạy tàu, tùy tiện báo hiệu hoặc sử dụng các thiết bị để dừng tàu, trừ trường hợp phát hiện có sự cố gây mất an toàn giao thông đường sắt. Bên cạnh đó, không ném đất, đá hoặc vật khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống, không tự ý mở đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt. Không vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm; vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh.

Không đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt. Không chăn thả súc vật, họp chợ, kinh doanh trên đường sắt hoặc trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Đối với lĩnh vực giao thông đường thủy

Phương tiện phải có giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và có đủ dụng cụ cứu sinh còn hạn sử dụng theo quy định. Người điều khiển, chủ phương tiện, thuyền viên phải hướng dẫn hành khách lên, xuống, sắp xếp hàng hóa, hành lý... và chỉ được cho phương tiện rời bến khi hành khách đã ngồi ổn định, hàng hóa, hành lý, xe máy, xe đạp đã xếp gọn gàng và sau khi đã kiểm tra phương tiện không chìm quá vạch dấu mớn nước an toàn.

Khi có giông, bão không được cho phương tiện rời cảng, bến, nếu phương tiện đang hành trình thì phải tìm nơi neo đậu an toàn. Hành khách phải mặc áo phao, tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện.

bavi37.jpeg
CSGT đường thủy tuyên truyền cho người dân đi phà trên địa bàn huyện Ba Vì. (Ảnh: Chu Dũng)

Không làm hư hại công trình giao thông đường thủy nội địa; tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thủy nội địa. Không mở cảng, bến thủy nội địa trái phép; không đón, trả người hoặc xếp, dỡ hàng hóa sai quy định.

Đồng thời, không xây dựng trái phép nhà, lều quán hoặc các công trình khác trên đường thủy nội địa và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa. Không đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng; không đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản trên luồng.

Ngoài ra, không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa; không neo đậu phương tiện thủy nội địa trái quy định và không chở quá sức chở người của phương tiện hoặc quá vạch dấu mớn nước an toàn./.

An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình. Chấp hành Luật giao thông là trách nhiệm của mỗi công dân, thể hiện nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Phòng CSGT Công an Thành phố Hà Nội đề nghị mỗi người dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào toàn dân phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố và phản ánh đến trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội”.

Quỳnh Chi